ĐBQH PHẠM TRỌNG NHÂN GÓP Ý DỰ THẢO LUẬT NGƯỜI LAO ĐỘNG VIỆT NAM ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI THEO HỢP ĐỒNG (SỬA ĐỔI)

05/07/2020

Góp ý vào dự án Luật Người Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương đề nghị cần có các chế định chặt chẽ hơn, trách nhiệm hơn từ các nhà hoạch định chính sách nhằm bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp của lao động di cư.

 Đại biểu Phạm Trọng Nhân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương

Theo đại biểu Phạm Trọng Nhân, từ câu chuyện một thanh niên ở làng lao động di cư sang Đài Loan mưu sinh có con lúc học mầm non, đến khi trở về thăm nhà thì đứa bé đã học xong lớp 12 và chuẩn bị làm hồ sơ đi lao động nước ngoài đã đặt ra câu hỏi có bao nhiêu bước chân nối nghiệp như thế này? Đại biểu nhấn mạnh, dù có được cơ hội mưu sinh và đóng góp đáng kể về kinh tế - xã hội như báo cáo tổng kết thi hành luật đã nêu, nhưng thực tế, đời sống lao động di cư luôn đối mặt với nhiều rủi ro, cũng như thực trạng lạm dụng quyền và lợi ích hợp pháp của họ. Vì vậy, đây là những vấn đề rất lớn đặt ra trong lần sửa đổi này.

Đại biểu nêu vấn đề, có một so sánh đáng suy nghĩ từ báo cáo tổng kết thi hành luật là hiệu quả kinh tế - xã hội mà hình thức tổ chức sự nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cao hơn hẳn các doanh nghiệp, từ lương trung bình, lượng kiều hối gửi về đến chi phí ban đầu đi rất thấp, quyền và lợi ích hợp pháp được đảm bảo, chất lượng lao động tốt, nhưng điều khó hiểu là không nhiều nước tiếp nhận lao động qua kênh này. Như vậy, bên cạnh sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cạnh tranh nhau hợp đồng cung ứng mà báo cáo giám sát chuyên đề Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài đã nêu, thì có hay không sự thỏa hiệp trong đàm phán giữa doanh nghiệp và các công ty tiếp nhận, nhằm tìm lao động giá rẻ, chất lượng không đảm bảo để dễ dàng cắt xén quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Từ đó, đại biểu đặt câu hỏi nếu có thì cơ chế nào trong dự luật này sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước có thể giám sát, phát hiện những bắt tay trên nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, đồng thời làm thế nào để tiếp tục phát huy những hiệu quả cũng như khắc phục tình trạng không nhiều nước tiếp nhận lao động qua các đơn vị sự nghiệp cũng cần phải được xem xét.

Bên cạnh đó, báo cáo tổng kết cũng nhận định việc quy định tiền dịch vụ mà người lao động phải trả cho doanh nghiệp là không phù hợp với xu hướng quốc tế vốn do người sử dụng lao động đài thọ. Theo đại biểu dự luật lần này về tiền dịch vụ tại khoản 1 Điều 25 đã bổ sung quy định trường hợp bên nước ngoài đã trả tiền dịch vụ cho doanh nghiệp nhưng dù bên nước ngoài có trả hay không thì với khoản 4 Điều 25 người lao động vẫn phải trả tiền dịch vụ. Như vậy, điều khoản bổ sung này có ý nghĩa gì đối với người lao động và đối với cả nhận định không phù hợp với xu hướng quốc tế mà báo cáo tổng kết đã khẳng định. Sự tiếp tục tồn tại của tiền dịch vụ cùng với tiền ký quỹ mà ILO cho rằng không phù hợp với Công ước số 181 phải chăng làm cho nhận định lao động di cư Việt Nam đang chịu mức phí cao nhất mà báo cáo giám sát của Ủy ban Về các vấn đề xã hội đã nêu chưa có hồi kết.

Dù phải trả phí lao động thuộc hàng cao nhất nhưng thực trạng đem con bỏ chợ của các doanh nghiệp mà cán bộ địa phương trong khảo sát của ILO đã cho biết, doanh nghiệp thường không sẵn sàng thực hiện trách nhiệm của mình sau khi người lao động xuất cảnh. Những thiên đường nhiều doanh nghiệp cố sức tô vẽ đã phần nào minh chứng cho nhận định của giám đốc ILO tại Việt Nam cho rằng không phải tất cả lao động Việt Nam đều có thể tiếp cận hệ thống tuyển dụng có đạo đức và công bằng.

Đại biểu đưa ra phân tích, mặc dù điểm e khoản 2 Điều 28 của luật đã bổ sung nghĩa vụ của doanh nghiệp phải có nhân viên nghiệp vụ quản lý, hỗ trợ người lao động ở nước ngoài đảm bảo cung cấp trợ giúp pháp lý trong trường hợp người lao động cần. Tuy nhiên, trường hợp doanh nghiệp không đảm bảo nghĩa vụ này lại không có bất kỳ chế tài nào. Không ít lần chúng ta kết luận lao động di cư vi phạm pháp luật, phá hợp đồng, bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp, thậm chí làm mất thể diện quốc gia nhưng không bao giờ chúng ta nghe lao động di cư Việt Nam phải bỏ ra số tiền nhiều nhất và phải mất nhiều thời gian nhất để trả nợ. Đại biểu cho rằng, đây có phải là nguyên nhân thôi thúc họ ở lại một cách bất hợp pháp để kiếm tiền trả nợ.

Từ những phân tích trên về dịch vụ, nghĩa vụ của doanh nghiệp trong hỗ trợ pháp lý và tình trạng đem con bỏ chợ, đại biểu khẳng định điều quan trọng nhất mà các nhà hoạch định chính sách phải làm là giải mã cho được hình ảnh cậu bé đã được đề cập phía trên để đảm bảo cho cậu bé đó không phải trả mức phí cao nhất, không thuộc nhóm đứng đầu về trải nghiệm lạm dụng lao động cũng như không phải xa quê đằng đẵng 10 năm trời như cha mình. Qua đó, làm thế nào để dự luật thật sự làm tấm bản đồ không những chỉ rõ đường đi mà cả lối về cho lao động di cư. Bởi với 2,5 tỷ USD gửi về quê hương hàng năm thì ít nhiều người lao động phải có quyền đòi hỏi một dự luật với các chế định chặt chẽ hơn, trách nhiệm hơn từ các nhà hoạch định chính sách./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác