ĐBQH PHẠM VĂN HÒA CHO Ý KIẾN VÀO DỰ ÁN LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

13/07/2020

Tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIV, đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đã đóng góp ý kiến vào dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

 

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho ý kiến

Phát biểu tại Phiên họp, đại biểu nêu rõ, Luật Bảo vệ môi trường năm 2014 đã đi vào cuộc sống của người dân, giải quyết nhiều vấn đề về môi trường, góp phần tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Tuy nhiên, những vấn đề mới phát sinh từ thực tiễn cuộc sống đã cho thấy luật hiện hành vẫn còn rất bất cập, cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của nước ta. Kinh tế đã có bước phát triển, kèm theo đó là môi trường bị xâm hại, xuống cấp, ô nhiễm các chất độc hại, thuốc bảo vệ thực vật, ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước, v.v. ảnh hưởng rất lớn đến đời sống, sức khỏe của người dân. Mỗi kỳ tiếp xúc cử tri lần nào cũng vậy, đều có ý kiến phản ảnh của người dân, không thể đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế, nhưng cũng không thể gây trở ngại cho phát triển kinh tế.

Về Hội đồng thẩm định đánh giá tác động môi trường, theo đại biểu, cần làm rõ trách nhiệm pháp lý của Hội đồng, của từng thành viên,có hưởng lợi cũng phải có chịu trách nhiệm về báo cáo đánh giá tác động môi trường đối với kết luận thẩm tra của mình. Nếu báo cáo đánh giá tác động không đúng thực tế,sau này có sự cố xảy ra do sai sót có chủ đích, gây hậu quả cho môi trường về kinh tế - xã hội thì trách nhiệm của từng thành viên như thế nào cũng cần phải làm rõ để thể hiện tinh thần trách nhiệm, công tâm, khách quan, không vì lý do nào đó mà thẩm định không đúng thực tế để làm phát sinh nhiều hệ lụy không tốt.

Về đánh giá tác động môi trường, theo Điều 36 tới Điều 38, từ đánh giá tiền khả thi khi đến cơ quan thẩm định phê duyệt cho đến đối tượng tác động là quan trọng cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là báo cáo tác động của các dự án thời gian qua chủ yếu chỉ đề cập tác động môi trường trên địa bàn dự án và cơ quan phê duyệt cũng chỉ để xem xét phạm vi trong không gian đó mà thôi dẫn đến nhiều hệ lụy là do phải bị khai thác triệt để tài nguyên để phục vụ cho dự án ngoài địa bàn. Cho nên Ban soạn thảo cần cân nhắc, bổ sung khi phê duyệt báo cáo tác động môi trường của dự án, ngoài việc xem xét dự án tại địa bàn mà còn phải xem xét đến địa bàn khác, có thể bị tác động môi trường của dự án hay không, như khai thác cát, sỏi sẽ làm sạt lở bờ sông, tài nguyên đất bị mất đi khi bị khai thác lớp bề mặt của đất hay các loại khoáng sản bị tác động rất lớn.

Về thẩm quyền thẩm định báo cáo tác động môi trường, luật hiện hành quy định bộ, cơ quan ngang bộ có quyền thẩm định đối với các dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt quyết định đầu tư của mình, nhưng một số bộ, cơ quan ngang bộ không có cơ quan chuyên môn thẩm định nên phải đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hỗ trợ thẩm định. Mặt khác, lại không có chức năng thanh tra chuyên ngành về bảo vệ môi trường nên việc thẩm định không đi đôi với việc kiểm tra, thanh tra thực hiện, dẫn đến thiếu đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của các dự án.

Để khắc phục tình trạng trên, đại biểu thống nhất với dự thảo luật nên giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá tác động đối với các dự án đầu tư trên địa bàn không thuộc đối tượng của Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định nhưng phải mời đại diện Ban quản lý dự án chuyên ngành của bộ, cơ quan ngang bộ cùng tham gia Hội đồng thẩm định cho khách quan. Việc giao cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thẩm định là đảm bảo cho việc quản lý ở địa phương, thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra, cấp phép nếu có sự cố xảy ra về môi trường hoặc phản ánh của người dân cũng phù hợp với xu hướng phân cấp của Chính phủ cho địa phương. Mặt khác, nâng cao vai trò, trách nhiệm của địa phương về bảo vệ môi trường.

Về nội dung, báo cáo đề xuất cấp phép về môi trường tại Điều 47 phải có đánh giá tác động môi trường của tổ chức, cá nhân đến cơ quan môi trường thẩm định được hay không mới được cấp phép. Theo đại biểu, thời gian qua, khâu này rất rườm rà và rất tốn kém tiền bạc, thời gian của doanh nghiệp và của người dân, có khi cả năm mà chưa được cấp phép, do phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần, thậm chí có tiêu cực phí mà vẫn không được cấp phép. Việc cấp phép nhập khẩu rác thải, phế liệu tái chế ngày càng phức tạp, có nhiều trường hợp chưa đánh giá tác động môi trường thì tàu đã cập bến cảng, dẫn đến nhiều trường hợp “bỏ của chạy lấy người”, nhiều container chất thải ở cảng biển mà không có chủ nhân nhận trách nhiệm, gây ách tắc bến cảng. Cho nên quy định nội dung này cần phải cụ thể, rõ ràng, quy trách nhiệm của mỗi bên liên quan, tránh gây phiền hà cho doanh nghiệp. Nhưng cũng không vì lợi ích cục bộ mà làm ảnh hưởng đến môi trường.

Ngoài ra, Ban soạn thảo cũng cần lưu ý thống nhất trong hệ thống pháp luật, vì có những quy định cấp phép môi trường trùng lắp, chồng chéo với những bộ luật khác đã quy định còn hiệu lực thi hành, để tránh phiền hà cho tổ chức, cá nhân có cùng một nội dung tác động môi trường mà phải xin nhiều giấy phép như nhau.

Về thời hạn cấp giấy phép môi trường tối đa 10 ngày, theo đại biểu là vừa đủ. Tuy nhiên, cũng cần làm rõ mỗi lần hậu kiểm, tổ chức, cá nhân vi phạm không đúng như những nội dung đã cấp phép trước, xử phạt hành chính, lập biên bản đình chỉ hoạt động, buộc khắc phục. Nhưng thực tế diễn ra ít vụ rút giấy phép môi trường cho nên cũng cần quy định rạch ròi, xử lý vi phạm mấy lần, phạt hành chính bao nhiêu, bao lâu mới được tước giấy phép. Thực tế diễn ra nhiều doanh nghiệp cùng lúc xin giấy phép bảo vệ môi trường để đối phó cấp phép nhưng về sau hoạt động thì không đảm bảo môi trường như lúc đầu.

Về bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp và thủy sản, đại biểu đề nghị có hướng dẫn cụ thể về nội dung này, mặc dù đã có quy định rõ ràng nhưng việc thực hiện ở địa phương quá khó khăn, thậm chí có nơi thực hiện để đối phó, do nhận thức, ý thức của tổ chức, cá nhân và chế tài xử lý của chính quyền cũng hạn chế, nên vẫn còn tồn tại, rất khó khắc phục, như việc thu gom bao bì, dụng cụ, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, v.v. chưa được thực hiện rốt ráo. Quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường là rất quan trọng. Bộ Tài nguyên và Môi trường là bộ chuyên ngành, thay mặt Chính phủ quản lý về môi trường thống nhất trong cả nước. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý nhà nước về môi trường, địa phương theo phân cấp, cho nên cần phải mang tính đồng bộ, tránh chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, đổ lỗi trách nhiệm của bộ, ngành và địa phương trong phối hợp.

Điểm mới nữa là thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có phản ánh về môi trường, không phải không báo trước cho đối tượng kiểm tra là phù hợp, vì nếu báo trước sẽ không phát hiện, cơ sở đối phó mà thanh tra, kiểm tra theo quy trình không phát hiện được, nhưng cũng không được tùy tiện thanh tra, kiểm tra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của tổ chức và cá nhân.

Về thời hiệu xử lý hành chính trong lĩnh vực môi trường, nâng lên từ 2 năm đến 5 năm, đại biểu cho rằng, có thể cao hơn nữa cũng được, vì có những lĩnh vực vi phạm về môi trường không thể chỉ 1, 2 năm mà phát hiện được, với tính chất đặc thù của các hành vi vi phạm trong lĩnh vực về môi trường. Việc xử phạt vi phạm hành chính để lại 50% tiền xử phạt cho cơ quan, cá nhân, tổ chức, việc kiểm tra, thanh tra là cần thiết. Đề nghị Chính phủ quy định cụ thể tiền trích lại phù hợp với các biện pháp để tránh so bì lĩnh vực này trích lại cao, lĩnh vực khác trước lại thấp hơn. Việc trích 2% ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường cũng cần cân nhắc, có đánh giá tác động hiện nay đã đủ chưa, thừa hay thiếu và trích lại 2% như dự thảo hiện hành có phù hợp hay không./.

Hồ Hương