ĐBQH TRỊNH NGỌC THÚY: ÁP DỤNG KHI CẬP NHẬT ĐẦY ĐỦ CHÍNH XÁC DỮ LIỆU CƯ TRÚ CỦA CÔNG DÂN

27/07/2020

Thảo luận hội trường về dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh cho rằng chỉ nên chính thức áp dụng phương thức quản lý dân cư bằng số định danh cá nhân thay cho sổ hộ khẩu khi quan quản lý hộ tịch đã cập nhật đầy đủ, toàn diện, chính xác về dữ liệu cư trú của công dân.

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh

Chính thức áp dụng khi và chỉ khi cập nhật đầy đủ dữ liệu cư trú của công dân

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy – Đoàn ĐBQH TP.Hồ Chí Minh nêu rõ việc sửa đổi Luật Cư trú lần này nhằm đáp ứng yêu cầu bảo đảm an ninh trật tự trong tình hình mới, yêu cầu quản lý nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm thực hiện quyền con người, quyền công dân và chủ trương đơn giản hóa thủ tục hành chính với khuynh hướng bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu, thay bằng hình thức quản lý theo số định danh cá nhân, cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu quốc gia. Theo đại biểu Trịnh Ngọc Thúy, đây là phương pháp quản lý hiện đại, cách quản lý này sẽ tạo thuận lợi cho người dân nâng cao hiệu quả quản lý cư trú. Đặc biệt hơn, nó còn là một cách tạo điều kiện để nâng cao ý thức người dân trong việc tích cực cập nhật, khai báo thông tin về cư trú cho cơ quan quản lý có thẩm quyền để được bảo đảm thụ hưởng đầy đủ các quyền lợi công dân của mình. Phương pháp này còn góp phần tiết kiệm các chi phí không cần thiết cho xã hội, giảm tải nhiều khâu hành chính thông thường và hành chính tư pháp trong các cơ quan nhà nước như sao y, đối chiếu, lưu trữ.

Do đó, đại biểu bày tỏ nhất trí cao và ủng hộ phương pháp quản lý này. Cho rằng có thể bước đầu thực hiện sẽ đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do đó, đại biểu đề nghị chính thức áp dụng khi và chỉ khi các cơ quan quản lý hộ tịch đã cập nhật đầy đủ, toàn diện, chính xác về dữ liệu cư trú của công dân, hoặc chỉ cho thí điểm vài địa phương đã hoàn tất. Đồng thời cần rà soát lại tất cả các thủ tục hành chính hiện nay đang cần có sự hiện diện của hộ khẩu, để có kế hoạch đề ra biện pháp xử lý, thay thế; tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền rộng rãi trong nhân dân, tạo sự đồng thuận để khi triển khai thực hiện đạt kết quả tốt nhất và quan trọng nhất là sửa đổi Luật Cư trú sao cho chân phương, rõ ràng, tiến bộ để mọi người đọc hiểu và thực hiện.

Thống nhất tất cả các khái niệm về cư trú

Về một số nội dung cụ thể, đại biểu Trịnh Ngọc Thúy nêu rõ, tại khoản 3 Điều 2 dự thảo về giải thích từ ngữ quy định "cư trú là việc công dân sinh sống tại một địa điểm thuộc xã, phường, thị trấn dưới hình thức thường trú hoặc tạm trú” và giải thích việc đăng ký thường trú, tạm trú. Tuy nhiên luật không nêu rõ tình trạng cư trú như thế nào là tạm trú và như thế nào là thường trú mà chỉ xác định tên gọi thường trú hay tạm trú phụ thuộc vào ý chí đăng ký của chủ thẻ cư trú. Trong khi Dự thảo luật trước đây có đề cập đến 2 khái niệm nơi thường xuyên sinh sống và nơi thực tế công nhân đang sinh sống. Bộ luật Dân sự quy định nơi cư trú của cá nhân là nơi người đó thường xuyên sinh sống. Việc xác định nơi thường xuyên sinh sống áp dụng theo quy định của Luật Cư trú và khái niệm nơi cư trú ổn định lại được xuất hiện trong Luật Xử lý vi phạm hành chính mà Quốc hội đang cho ý kiến. Còn Bộ luật Hình sự đặt ra tiêu chí để xem xét, áp dụng các biện pháp ngăn chặn là nơi cư trú rõ ràng. Đại biểu đặt vấn đề: Vậy nơi thường xuyên sinh sống, nơi cư trú rõ ràng, nơi cư trú ổn định có phải thuộc phạm trù cư trú không? Nếu thuộc về thì nó là thường trú hay tạm trú. Nếu không thuộc về cư trú thì công dân có phải đăng ký các loại hình cư trú này không?

Đại biểu bày tỏ tán thành với việc dự thảo luật lần này đã xác định rõ cư trú chỉ gồm thường trú và tạm trú. Trường hợp không đủ điều kiện thường trú tạm trú thì là lưu trú. Tuy nhiên, hiện nay còn nhiều loại khái niệm về tình trạng cư trú nằm rải rác ở các luật khác nhau nhưng không quy nạp chuẩn về thuộc hình thức tạm trú hay thường trú rõ ràng sẽ dẫn đến ngộ nhận, nhầm lẫn. Đại biểu chỉ rõ, xuyên suốt dự thảo Luật Cư trú nhận thấy luật cũng đã khẳng định, cư trú chỉ có 2 hình thức thường trú và tạm trú nên các quy định bắt buộc về nguyên tắc bảo đảm quyền và nghĩa vụ của những người cư trú cũng chỉ đề cập đến 2 loại hình thức nêu trên, không bao gồm các hình thức khác. Nếu các khái niệm khác với thường trú tạm trú vừa nêu không được Luật Cư trú điều chỉnh nhưng lại được đề cập các luật khác sẽ dễ tùy tiện, nhầm lẫn khi người dân đăng ký và các cơ quan áp dụng sẽ bị lúng túng. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại tất cả các khái niệm về cư trú đã được đề cập trong các luật khác, có hướng diễn giải đồng nhất tại luật này và giải thích rõ về thường trú và tạm trú sao cho bao trùm tất cả các khái niệm về cư trú ở các luật khác. Đại biểu cũng nhấn mạnh Luật Cư trú tuy có quy mô nhỏ nhưng mang tính quốc dân vì nó gần gũi, sát sườn với mọi công dân nên việc quy định cô đọng, rõ ràng sẽ góp phần làm cho công dân quan tâm, tự giác thực hiện đăng ký.

Bỏ điều kiện để được đăng ký thường trú tại các thành phố lớn là một tư duy tiến bộ

Đại biểu Trịnh Ngọc Thúy cũng bày tỏ tán thành đối với quy định mới của dự thảo luật: “Công dân có chỗ ở hợp pháp ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào thì được đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương đó”. Đại biểu phân tích Luật Cư trú năm 2013 quy định nhiều điều kiện để được đăng ký thường trú tại các thành phố lớn, vì vậy thực tế vẫn tồn tại tình trạng người dân đang sinh sống, nơi ở hợp pháp theo quy định nhưng họ chỉ thiếu cái gọi là đăng ký thường trú nên quyền và nghĩa vụ công dân của họ không được bảo đảm bảo đầy đủ. Mặt khác, do quy định những điều kiện như vậy nên người có chỗ ở hợp pháp vẫn tìm đủ mọi cách để có hộ khẩu thường trú, dẫn đến rườm rà các thủ tục hành chính, đôi khi tùy tiện áp dụng và bất bình đẳng.

Đại biểu cho rằng, quy định mới này là một tư duy tiến bộ, phát huy quyền tự do cư trú của công dân, nhưng nó không làm thay đổi gì lớn tình trạng cư trú hiện nay, vì người đã muốn cư trú tại nơi phù hợp thì họ đã sinh sống ở đó rồi. Quy định mới này sẽ làm cho các thủ tục đơn giản, tạo điều kiện để quản lý dân cư chính xác và hiệu quả hơn. Hơn nữa, khi một công dân tự do cư trú tại nơi mình muốn sống một cách hợp pháp, người dân sẽ thấy mình có đầy đủ tư cách hưởng các quyền và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật, từ đó họ sẽ trở thành những người chủ cư trú tự giác, cống hiến, xây dựng, giữ gìn và bảo vệ những giá trị tốt đẹp nơi mình cư trú có được./.

Bảo Yến