ĐOÀN ĐBQH TỈNH HÀ TĨNH CHẤT VẤN BỘ CÔNG THƯƠNG ĐỀ NGHỊ DỪNG KHAI THÁC MỎ SẮT THẠCH KHÊ

22/09/2020

Tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, thay mặt Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, Đại biểu Trần Đình Gia đã có ý kiến chất vấn trực tiếp đối với Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh về việc “ đề nghị Bộ sớm tham mưu cho Chính Phủ có kết luận chính thức về đề nghị dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê ”.

Số phận Mỏ sắt Thạch Khê

Dự án Mỏ sắt Thạch Khê từng được thêu dệt thành một “bức tranh màu nhiệm” tại vùng quê nghèo Hà Tĩnh với “lời hứa” người dân quanh đây sẽ được hưởng lợi lớn. Sau hơn 10 năm, khi những viễn tưởng trên giấy không thành hiện thực, gần 2.000 tỷ đồng mà nhà đầu tư đổ xuống giờ chỉ thu lại là một hồ nước nhân tạo sâu hàng trục mét, một núi cát thải với 13tr m3 và khoảng vài trăm tấn quoặng còn sót lại sau quá trình bóc lớp tầng phủ. Trên khai trường sôi động ngày nào, giờ không bóng dáng những người công nhân và cũng chẳng có khối lượng quặng nào được đào lên từ lòng đất.  Khu nhà ở công nhân thì đã xập xệ, đổ nát, những chiếc máy đào trị giá hàng trục tỷ đồng giờ nằm phơi nắng phơi sương.

Mỏ sắt Thạch Khê đắp chiếu từ tháng 07/2011 đến nay 

Dự án hơn 10 năm giang dở, cũng là từng ấy thời gian hơn 6.000 hộ dân 6 xã trong vùng quy hoạch vẫn đang phải sống trong cảnh mỏi mòn “dở khóc, dở cười”. Bởi đất đai không được cấp mới, nhà cửa không được xây dựng, cơi nới, không được tách hộ phải sống “dồn” từ 3 đến 4 thế hệ trong một căn nhà chật hẹp. Ông Nguyễn Trung Chính, người dân xã Thạch Hải, huyện Thạch Hải, tỉnh Hà Tĩnh cho biết, chính quyền cấm cấp đất từ 2007 cho đến hôm nay là gần 13 năm không cấp đất ở cho xã Thạch Hải. Mà xã Thạch Hải cũng chưa được quy hoạch vùng tái định cư cho nên bức xúc của dân là nhiều thế hệ ở trong một nhà, cuộc sống vô cùng chật hẹp, khó khăn … Cùng tâm trạng, ông Nguyễn Văn Uyên, sinh sống tại xã Thạch Hải chia sẻ, như gia đình tôi đến 4 thế hệ ở trong ngôi nhà có 90m2. Không những gia đình tôi mà tất cả các gia đình có 2-3 thế hệ đều không được cấp đất …

Ông Nguyễn Trung Chính, người dân xã Thạch Hải, huyện Thạch Hải, tỉnh Hà Tĩnh

Không chỉ có vậy, tình trạng tụt mạch nước ngầm do bóc đất tầng phủ khiến hiện tượng sa mạc hóa, thiếu nước sinh hoạt, giếng nhiễm phèn, tình trạng “cát bay, cát nhảy” từ bãi thải xâm lấn ruộng vườn... làm cho cuộc sống người dân vốn dĩ đã khó khăn lại thêm phần cơ cực. Hàng ngàn người dân trong độ tuổi lao động không có công ăn việc làm ổn định buộc họ phải ly hương. Cũng trong dòng người ly hương ấy, có những người bị tai nạn nơi đất khách mãi mãi không thể quay về để lại mẹ già, vợ dại , con thơ không công ăn, việc làm. Theo ông Nguyễn Quốc Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh đã tác động rất lớn đến kinh tế xã hội, an ninh trên địa bàn huyện Thạch Hà. Trong đó phải kể đến trước hết ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, rồi đời sống của nhân dân vùng này. Cho đến thời điểm hiện nay rất nhiều bà con nhân dân, mặc dù ở trong vùng mỏ nhưng việc ổn định đời sống không được đảm bảo

Sau thảm họa môi trường biển do tập đoàn Formosa gây ra 4 năm về trước. Chính quyền tỉnh Hà Tĩnh đã không ít lần kiến nghị đến các ngành chức năng. Đã có không ít đoàn về khảo sát, hứa hẹn rồi lại đi, còn người dân thì vẫn mỏi mòn chờ đợi. Trái với những kỳ vọng về hiệu quả của một khu mỏ quặng sắt lớn nhất Đông Nam Á, có trữ lượng ước khoảng 544 triệu tấn từng được xem là dự án trọng điểm quốc gia. Nhưng đến nay, sau hơn 10 năm, việc có tiếp tục triển khai hay không vẫn đang là một cuộc tranh luận gay gắt giữa chủ đầu tư, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia môi trường và cả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước.

Các cấp chính quyền Hà Tĩnh cho rằng, dự án mỏ sắt Thạch Khê không có tính phát triển bền vững, lâu dài, hiệu quả kinh tế - xã hội chưa rõ ràng và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về ô nhiễm môi trường. Chính điều này mà nhiều năm nay chính quyền tỉnh Hà Tĩnh vẫn kiên trì đề nghị các Bộ ngành và Chính phủ xin được dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê. Đồng quan điểm với các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh, Ông Trần Quý Kiên – Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng nhận định, dựa trên hồ sơ hiện có của những năm 2013 – 2014 thì dự án tiềm ẩn rất nhiều rủi ro về kinh tế, xã hội, môi trường.

Ông Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh

Mới đây, sau khi trực tiếp khảo sát và tham vấn các bên có liên quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng dừng dự án khai thác và tuyển quặng mỏ sắt Thạch Khê, đóng cửa mỏ vì không bảo đảm hiệu quả kinh tế và tránh nguy cơ về một thảm họa môi trường.

Tuy nhiên, trái ngược với quan điểm của chính quyền địa phương và một số Bộ ngành có quan điểm dừng dự án. Chủ đầu tư cho rằng, Dự án đã được lập và thẩm định rất kỹ theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ... về hiệu quả kinh tế của Dự án, Chủ đầu tư cũng khẳng định có hiệu quả kinh tế và hoàn toàn khả thi. Do đó, việc đề xuất dừng dự án mỏ sắt Thạch Khê là chưa đủ cơ sở về khoa học và thực tiễn, đồng thời cần được xem xét, đánh giá một cách thận trọng và toàn diện.

Ông Phạm Lê Hùng, Sáng lập viên Công ty Cổ phần Mỏ sắt Thạch Khê

Không chỉ có vậy, đứng từ góc độ nhà đầu tư, Ông Nguyễn Quốc Hưng, Tổng Giám đốc, Công ty Cổ phần mỏ sắt Thạch Khê cho rằng, việc dừng dự án sẽ kéo theo một loạt tác động về hậu quả pháp lý, những thiệt hại kinh tế, trong đó có thiệt hại của doanh nghiệp thực hiện dự án cũng như các cổ đông tham gia và ổn định đời sống, sản xuất người dân vùng ảnh hưởng do khai thác mỏ dở dang.

 Ủng hộ việc tiếp tục triển khai dự án mỏ sắt Thạch Khê, Ông Đỗ Thắng Hải – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhận định, phải tính đến những hậu quả hệ lụy liên quan đến những thiệt hại hàng ngàn tỷ mà nhà đầu tư đã bỏ ra 10 năm nay, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp theo chủ trương kiến tạo của Chính phủ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh, cũng như của Việt Nam.

Quan điểm này cũng được chia sẻ bởi nhiều chuyên gia kinh tế lưu ý khi có thể ảnh hưởng môi trường đầu tư của tỉnh Hà Tĩnh nói riêng và Việt Nam nói chung khi dự án liên tục bị đưa lên, đặt xuống dù các cổ đông đã phải bỏ gần 2.000 tỷ đồng để thực hiện dự án với những công việc như thăm dò, khảo sát, thiết kế, đền bù giải phóng mặt bằng,…

Trường hợp dừng dự án, có nguy cơ làm mất vốn của doanh nghiệp trong đó chiếm đa số vốn nhà nước, đây sẽ là tổn thất rất. Bên cạnh đó, các cơ sở sản xuất thép trong nước mất cơ hội sử dụng nguồn quặng chất lượng cao, giá rẻ và tiếp tục phải phụ thuộc quặng nhập khẩu giá cao làm tăng chi phí, giá thành sản xuất, dẫn đến mất cạnh tranh với thép nhập khẩu.

Cả Bộ Công thương, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như các cấp chính quyền tỉnh Hà Tĩnh , Chủ đầu tư và các chuyên gia đầu ngành đều có lý lẽ của riêng mình. Nhưng cái lý và cái lẽ lớn nhất vẫn là sự ổn định cuộc sống của những người dân vùng mỏ thì dường như vẫn chưa ai đề cập đến. Đã đến lúc, Chính phủ cần sớm có quyết định chính thức về vấn đề này để có thể giúp cho sự phát triển kinh tế không chỉ một tỉnh nào đó như Hà Tĩnh mà còn toàn bộ miền Trung và lớn hơn nữa là sự phát triển của đất nước.

Sớm quyết định dừng mỏ sắt Thạch Khê

Hơn 10 năm dự án mỏ sắt Thạch Khê rơi vào tình trạng treo thì cũng là từng ấy thời gian các Bộ, ngành, địa phương loay hoay bàn việc việc đóng cửa hay tiếp tục khai thác. Và khoảng thời gian ấy, hàng nghìn hộ dân chịu tác động bởi dự án vẫn phải sống mòn bên moong mỏ. Chính quyền địa phương không có quỹ đất để phát triển kinh tế, hạ tầng, còn doanh nghiệp đầu tư vào dự án cũng đứng ngồi không yên. Để có góc nhìn sâu hơn về vấn đề này, Cổng Thông tin điện tử đã ghi nhận ý kiến của Đại biểu Nguyễn Văn Sơn – Phó trưởng Đoàn chuyên trách ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh:

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh

Phóng viên: Thưa đại biểu, tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khoá XIV, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có ý kiến chất vấn trực tiếp Bộ trưởng Bộ Công thương tại Nghị trường Quốc hội. Xin đại biểu cho biết, xuất phát từ nguyên nhân nào khiến cho Đại biểu quyết định chất vấn Bộ Công thương về những vấn đề như đã đề cập?

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Xuất phát từ tâm tư nguyện vọng của cử tri và từ thực tế tại địa phương. Đây là 1 mỏ sắt có trữ lượng lớn nhất vùng Đông Nam Á và nhiều đời các thế hệ lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và nhân dân rất mong muốn được khai thác và khi thành lập được công ty khai thác mỏ sắt Thạch Khê rất phấn khởi nhưng mà thực tế thì kéo dài quá lâu hàng chục năm để lại hệ lụy cho phát triển kinh tế - xã hội của của địa phương. Vì vậy, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nhận trọng trách trước cử tri, trước nhân dân và trước lãnh đạo tỉnh để có phát biểu chính thống trước nghị trường Quốc hội về nội dung đề nghị Chính phủ và các Bộ, ngành thống nhất cao để dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Phóng viên: Bộ trưởng Bộ Công thương đã có phần trả lời chất vấn. Vậy, với vai trò là Đại biểu dân cử, Đại biểu đánh giá như thế nào về nội dung trả lời của Bộ trưởng?

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Bộ trưởng Bộ công thương Trần Tuấn Anh cũng rất chia sẻ với những thông điệp mà đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh nêu ra. Bộ trưởng cũng có khẳng định một số vấn đề trong năng lực, điều kiện của nhà đầu tư để có thể vẫn khai thác được; rồi một số yếu tố đã đầu tư cơ sở hạ tầng tại vùng này và đề xuất của Bộ trưởng là vẫn tiếp tục nghiên cứu để tham mưu cho Chính phủ một giải pháp phù hợp nhất. Với quan điểm này của Bộ trưởng, chúng tôi chưa thực sự đồng tình cao. Bởi vì, thực sự Hà Tĩnh yêu cầu dừng mỏ sắt Thạch Khê không phải bằng cảm tính, không phải vì nguyện vọng cử tri đơn thuần mà chúng tôi đã mời các nhà khoa học đầu ngành, Hội Liên hiệp khoa học kỹ thuật Việt Nam đến trực tiếp nghiên cứu, khảo sát, đánh giá một cách khách quan để có ý kiến đối với tỉnh đối với Chính phủ về việc cho dừng khai thác mỏ sắt Thạch Khê. Vấn đề chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh và của tỉnh nhà là thực tế khách quan hiện nay.

Phóng viên: Thưa Đại biểu, Sau hơn 10 năm được cấp phép triển khai, lợi ích thì chưa thấy đâu nhưng hệ lụy của dự án này đem lại thì đã hiện hữu. Những bất cập này cũng đã được các Bộ ngành, địa phương chỉ ra và kiến nghị Chính phủ dừng dự án. Tuy nhiên, sau rất nhiều lần làm việc giữa các bên liên quan thì cho đến nay, việc này vẫn chưa được thực hiện. Theo Đại biểu thì đâu là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này?

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Thực ra Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành cũng đã có hàng chục văn bản đề xuất Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu để trình Bộ Chính trị có chủ trương để dừng dự án này. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là vì đây là dự án lớn, Bộ Công thương là bộ chủ quản cũng rất chăm lo cho dự án này nhưng tính hiệu lực hiệu quả không cao thì bộ cũng có những băn khoăn nhất định. Hơn nữa, nhà đầu tư cũng bỏ nguồn lực rất lớn vào cho nên hậu quả này giải quyết như thế nào cũng là vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng nếu kéo dài thêm thời gian như vậy thì thực sự hệ lụy của nó như chúng ta đã biết sẽ ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân trong trên địa bàn đặc biệt trong phong trào nông thôn mới, kinh tế biển rồi trong vấn đề du lịch của các vùng dọc ven biển này thì dự án tác động trực tiếp đến người dân. Ảnh hưởng ở đây không chỉ là vấn đề an sinh mà cả chiến lược kinh tế của tỉnh. Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt, kịp thời.

Phóng viên:  Ngoài những nguyên nhân như Đại biểu vừa đề cập, thì nhiều ý kiến cho rằng, nguyên nhân chính vẫn là việc Bộ Công Thương và chủ đầu tư lại cho rằng dự án vẫn hoàn toàn khả thi. Chính vì điều này dẫn tới việc Bộ Công Thương chưa thực sự tích cực trong việc báo cáo Chính phủ cho dừng dự án. Quan điểm của Đại biểu như thế nào trước những ý kiến này?

Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh: Thực ra những ý kiến này đều có khía cạnh, phương diện như vậy nhưng việc khẳng định khai thác dự án lúc này vẫn hiệu quả thì chúng tôi cho rằng điều này hoàn toàn không chính xác. Bây giờ thị trường thép rồi công nghệ để khai thác thì chưa thể đảm bảo tính hiệu quả trong giai đoạn hiện nay. Về chủ đầu tư, đúng là đã đầu tư vào 1 lượng tiền khá lớn, nhưng ở đây chúng tôi đã nhiều lần chia sẻ, thể hiện quan điểm chính quyền địa phương sẵn sàng cùng với trung ương, các Bộ, ngành chia sẻ rủi ro với những thiệt hại nhà đầu tư đã bỏ ra. Cần có đánh giá lại một cách chính xác những thiệt hại hiện nay, có thể không hoàn lại tất cả vốn vì là rủi ro trong đầu tư nhưng đó cũng là một giải pháp tích cực trong bối cảnh hiện nay còn hơn cứ kéo dài dự án và mà không hiệu quả. Mặt khác, nhà đầu tư cũng không thể thành công khi địa phương và nhân dân không đồng tình tiếp tục thực hiện dự án.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Việc tiếp tục triển khai hay dừng hẳn việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê đang diễn ra gay gắt giữa chủ đầu tư, các chuyên gia kinh tế, chuyên gia môi trường và cả giữa các cơ quan quản lý Nhà nước. Trong khi đó, hàng nghìn người dân chịu sự tác động bởi dự án vẫn đang phải sống trong cảnh mỏi mòn, cơ cực. Cũng chính vì chưa có quyết định cuối cùng nên chính quyền địa phương cũng không thể phát triển kinh tế, hạ tầng nơi đây. Còn chủ đầu tư là Công ty CP Sắt Thạch Khê đã rót vào dự án gần 2.000 tỷ đồng vẫn đang “nín thở” nằm chờ. Dẫu biết, tiếp tục hay dừng hẳn việc khai thác mỏ sắt Thạch Khê là vấn đề phức tạp cần được xem xét đa chiều, nhưng đã đến lúc Chính phủ cần có quyết định cuối cùng nhằm đảm bảo lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân./.

 

Lê Anh - Trần Tiến

Các bài viết khác