ĐBQH LÊ THỊ NGUYỆT GÓP Ý VỀ DỰ ÁN LUẬT BIÊN PHÒNG VIỆT NAM

24/09/2020

Thảo luận tại tổ về dự án Luật Biên phòng Việt Nam tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV, đại biểu đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc tán thành với sự cần thiết ban hành luật và cho rằng dự án luật này không chồng chéo với các luật hiện hành.

Phát biểu tại phiên thảo luận tổ 03 gồm Đoàn ĐBQH TP.Hải Phòng, Lạng Sơn, Vĩnh Phúc, Bình Phước về dự án Luật Biên phòng Việt Nam, đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc bày tỏ nhất trí cao về sự cần thiết ban hành luật và cho biết Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng ban hành từ năm 1997 đến nay nhiều quy định đã không còn phù hợp với tình hình thực tế. Mặt khác Đảng và Nhà nước đã có rất nhiều những chủ trương, quan điểm mới để bảo vệ biên giới quốc gia, đặc biệt là Nghị quyết 33 về Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia đã xác định hoàn thiện cơ chế chính sách, hệ thống pháp luật về xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia phù hợp với thực tiễn và bảo đảm trong tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch và cập nhật về luật pháp quốc tế.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt – Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc 

Đại biểu Lê Thị Nguyệt cũng tán thành với bố cục nội dung và dự tên gọi của dự thảo luật là Luật Biên phòng Việt Nam. Đại biểu làm rõ, với tên gọi này vừa cụ thể hóa được mục tiêu, quan điểm, phương châm của Đảng trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng trong tình hình mới; vừa khắc phục được hạn chế bất cập sau tổng kết 20 năm thực thi Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng và cũng phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ. Trên cơ sở đó tạo một cơ sở pháp lý vững chắc cho việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân; xây dựng công trình biên giới, đầu tư phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng các hệ thống chính trị khu vực biên giới và đầu tư cho việc phát triển khu vực biên giới; thể chế một số cơ chế chính sách về đối ngoại trong đó có đối ngoại nhân dân, đối ngoại biên phòng và xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.

Cùng với đó, hiện nay Đảng, Nhà nước thì có nhiều pháp luật và các chương trình mục tiêu về khu vực biên giới, khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa khó khăn và đặc biệt vừa qua Quốc hội cũng đang phê chuẩn chương trình phát triển kinh tế - xã hội ở vùng dân tộc thiểu số miền núi. Trong công tác phối hợp với các chủ thể thực hiện một số nhiệm vụ ở khu vực biên giới vừa qua còn thiếu chặt chẽ, thiếu đồng bộ. Chính vì vậy, xây dựng Luật lần này với quan điểm là để nâng cao trách nhiệm và có sự phối hợp của các tổ chức, các lực lượng công tác biên phòng các khu vực biên giới rất là cần thiết.

Do đó, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho rằng phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật cũng phải đầy đủ về nội hàm và tên gọi và các mối quan hệ xã hội do dự thảo luật điều chỉnh như chính sách của Nhà nước về biên phòng và nhiệm vụ biên phòng, nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân, về hợp tác quốc tế; trách nhiệm, nhiệm vụ Bộ đội Biên phòng. Vấn đề trách nhiệm của các bộ, các ngành, các cơ quan liên quan trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng, tham gia bảo vệ biên giới quốc gia.

Đại biểu Lê Thị Nguyệt lý giải thêm, hiện nay có Luật Biên giới quốc gia, Luật An ninh quốc gia, Luật Hải quan hay Luật Quốc phòng, Luật Sĩ quan nhân dân và một số các luật liên quan đến quốc phòng, có quy định liên quan đến lực lượng Bộ đội Biên phòng. Tuy nhiên quy định trong dự thảo Luật này với các luật liên quan không có sự trùng lặp về nội dung.

Đại biểu chỉ rõ: ở khoản 1 Điều 2 Luật Biên giới quốc gia đã nêu khái niệm “biên phòng là tổng thể các biện pháp để bảo vệ độc lập, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia và trật tự an toàn xã hội ở khu vực biên giới”. Điều 2 của Luật Biên giới quốc gia cũng quy định: luật này quy định về bảo vệ biên giới quốc gia, chế độ pháp lý về biên giới quốc gia; xây dựng, quản lý bảo vệ biên giới quốc gia và khu vực biên giới. Ở các Điều 25 đến Điều 34 ở Luật Biên giới quốc gia quy định về việc xây dựng, quản lý đối với biên giới quốc gia. Trong khi đó, Điều 5 của dự thảo có 9 nhiệm vụ về biên phòng. Như vậy Luật Biên giới quốc gia và Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam có sự phân định rất cụ thể không phải có sự chồng chéo. Tuy nhiên, ở trong Luật Biên giới quốc gia cũng có những việc quy định về nhiệm vụ của biên phòng nhưng không chồng chéo này. Luật Biên giới quốc gia thì điều chỉnh biên giới quốc gia, chế độ pháp lý về biên giới quốc gia là chủ yếu. Còn Dự thảo Luật Biên phòng Việt Nam quy định cụ thể về nhiệm vụ biên phòng, các nguyên tắc, trách nhiệm của các chủ thể trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng.

Mặt khác, Luật Biên giới quốc gia luật hóa về các biện pháp, các hình thức về bảo vệ biên giới còn Luật Biên phòng Việt Nam là xây dựng nền biên phòng toàn dân và thế trận biên phòng toàn dân.

Về nhiệm vụ biên phòng, đại biểu Lê Thị Nguyệt cho biết Bộ đội biên phòng gắn bó trong xây dựng về chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng và có thể tham gia xây dựng chính quyền, tham gia xây dựng nhà nước cũng như lực lượng biên phòng. Bộ đội biên phòng vừa là thầy thuốc, vừa là thầy giáo... gắn bó rất chặt chẽ với nhân dân ở khu vực biên giới.  Ít có lực lượng nào gắn bó với nhân dân cả về ăn ở sinh hoạt, thậm chí còn tham gia cả trong bộ máy chính trị để giúp đỡ xây dựng hệ thống chính trị và rất nhiều những hoạt động cụ thể, trực tiếp khác. Trên cơ sở đó, đại biểu đề nghị với ban soạn thảo và cơ quan thẩm tra xem xét giải thích rõ hơn về “biên phòng”, “nhiệm vụ biên phòng” bởi đây là nội dung rất quan trọng, gắn với phạm vi điều chỉnh của dự thảo. Đây cũng là vấn đề cần được phân định rất rõ ràng, rành mạch để tránh chồng chéo với các lực lượng khác khi mà trong cùng khu vực biên giới, cùng khu vực cửa khẩu thì có lực lượng duy trì an ninh trật tự tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý khi có các dấu hiệu vi phạm ở khu vực biên giới, rồi việc kiểm tra, kiểm soát, xử lý đối với phương tiện ở các khu vực biên giới. Khu vực cửa khẩu có cả lực lượng công an, cả lực lượng hải quan theo các luật đã quy định. Do đó để làm rõ, phân định rõ các trách nhiệm một cách rành mạnh để tránh sự chồng chéo trong việc thực thi nhiệm vụ cũng cần phải làm rõ thêm.

Đồng thời làm rõ trách nhiệm của lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng và biện pháp quản lý bảo vệ biên giới từ Điều 7 đến Điều 17 của dự thảo luật, trong đó lực lượng nòng cốt là bộ đội biên phòng. Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, ngoài các quy định ở các luật về quốc phòng và các luật đã ban hành, cần phải xác định rõ trong dự thảo luật này Bộ đội Biên phòng là một quân chủng thuộc Bộ Quốc phòng và là lực lượng chuyên trách cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số các thành phần sẽ phải tiến thẳng lên hiện đại đáp ứng yêu cầu phải bảo vệ biên giới quốc gia trong tình hình mới.

Về biện pháp quản lý và bảo vệ biên giới, đại biểu Lê Thị Nguyệt  đề nghị Ban soạn thảo làm rõ đặc điểm khác với lực lượng công an nhân dân và cảnh sát biển nhưng vẫn phải thống nhất trong hệ thống pháp luật về bảo vệ biên giới quốc gia và an ninh quốc gia. Đại biểu cho rằng nên giao cho Chính phủ quy định một cách chi tiết về các biện pháp nghiệp vụ.

Về các lực lượng phối hợp trong thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu cho rằng nếu quy định từng chi tiết ra sẽ khó và dẫn đến chồng chéo. Do vậy, dự thảo luật nên quy định nguyên tắc và giao cho Chính phủ quy định chi tiết những đầu mối và cơ quan nào làm chủ là quan trọng và cơ quan đầu mối chính, xác định rõ cơ quan nào là phối hợp, xác định rõ nguyên tắc trong hợp tác quốc tế và trong hoạt động về biên phòng.

Ngoài ra những quy định về đối ngoại quốc phòng, đối ngoại biên phòng và bảo vệ biên giới với các nước láng giềng và các lực lượng chức năng cũng cần phải làm rõ, bảo đảm thể hiện được quan điểm xây dựng quản lý bảo vệ biên giới, hòa bình, ổn định, hữu nghị, hợp tác phát triển.

Về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, đại biểu Lê Thị Nguyệt đề nghị là dự thảo cần phải có các quy định mang tính chất tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhưng cũng nhằm nâng cao về nhận thức cho mọi người dân không phải chỉ ở khu vực có biên giới. Như vậy tất cả mọi người dân phải hiểu được về biên giới, phải hiểu được về biên phòng và đặc biệt khu vực biên giới càng phải cần thiết. Do vậy cần phải tăng cường tuyên truyền và có những biện pháp rất cụ thể.

Về vấn đề lồng ghép giới và bình đẳng giới, đại biểu Lê Thị Nguyệt hoan nghênh Ban soạn thảo đã có một báo cáo chi tiết về một số các chính sách mới cũng như đánh giá tác động vào trong đó có những việc lồng ghép giới trong xây dựng sự thảo luật này. Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị để đảm bảo nguyên tắc không phân biệt đối xử về giới trong việc thực thi nhiệm vụ biên phòng. Theo đại biểu Lê Thị Nguyệt, Luật Biên phòng Việt Nam là luật mang tính chất chuyên ngành với đặc thù là hoạt động biên phòng, chủ yếu là ở vùng biên giới nhưng vùng biên giới là vùng có địa hình rất hiểm trở khó khăn, là vùng kinh tế xã hội cũng khó khăn, điều kiện địa về thiên nhiên khắc nghiệt. Vấn đề bình đẳng giới ở khu vực này là cần thiết đối với cả nam, cả nữ đối với cả lực lượng thực thi nhiệm vụ biên phòng nói chung cần phải được xem xét về mặt chế độ chính sách. Do đó cần phải có những chính sách để khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng đối với những người dân ở khu vực đó đủ các điều kiện tham gia luật nghĩa vụ quân sự kể cả nam và nữ có thể tham gia để bồi dưỡng để bảo vệ ngay tại khu vực biên giới và khu vực biên phòng sẽ rất tốt cho việc thực hiện nhiệm vụ lâu dài.

Đồng thời, nghiên cứu về các chính sách đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực thi nhiệm vụ biên phòng, kể cả nơi ở, nơi làm việc, đường tuần tra biên giới đường đi lối lại công tác đối ngoại thì phải có những đầu tư tăng cường phân bổ về chính sách cho phù hợp và tăng cường sự đầu tư cho các khu vực này; xem xét bổ sung quy định về khen thưởng, xử lý vi phạm đối với các lực lượng mà trong quá trình thực thi nhiệm vụ biên phòng./.

Bảo Yến