ĐBQH NGUYỄN BÁ SƠN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TN&MT VỀ GIẢI PHÁP ỨNG PHÓ HẠN HÁN, XÂM NHẬP MẶN VÙNG ĐBSCL

09/10/2020

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng có văn bản chất vấn Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà về công tác dự báo và giải pháp ứng phó với hạn hán và xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Theo đó, Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận được chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng do Tổng Thư ký Quốc hội chuyển đến tại công văn số 14/GS.PCCV ngày 26/5/2020. Đại biểu Nguyễn Bá Sơn nhận định, hạn hán, xâm nhiễm mặn ở đồng bằng sông Cửu Long sẽ là một thách thức lớn đến nền nông nghiệp nước ta. Những nỗ lực khoa học công nghệ ứng phó thiên tai hiện nay chỉ là những giải pháp trước mắt. "Vấn đề này đã được dự báo như thế nào và giải pháp lâu dài là gì? Trách nhiệm của Bộ trưởng liên quan đến vấn đề này như thế nào?”, đại biểu Nguyễn Bá Sơn nêu chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Bá Sơn - Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Bá Sơn, ngày 13/7/2020, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết, tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng gia tăng, diễn biến phức tạp, khó lường, làm ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của người dân. Do đó, dự báo, cảnh báo sớm là một trong những giải pháp được ưu tiên trong các chỉ đạo gần đây của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Tài nguyên và Môi trường để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn.

Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, thời gian qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã thực hiện nhiều giải pháp dự báo, cảnh báo hạn hán và xâm nhập mặn, đặc biệt là công tác dự báo, cảnh báo dài hạn, qua đó kịp thời cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn để phục vụ sản xuất nông nghiệp, dân sinh vùng đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể như sau:

- Theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình mưa, nguồn nước trên lưu vực sông Mê Công ngay từ những ngày đầu mùa lũ, khi nhận thấy mùa mưa trên lưu vực sông Mê Công có khả năng xuất hiện muộn.

- Tổ chức hội thảo, trao đổi, phân tích, đánh giá khả năng hạn hán và xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô và ban hành kịp thời, đầy đủ các bản tin cảnh báo sớm hạn hán, xâm nhập mặn.

- Các bản tin dự báo, cảnh báo hạn hán, xâm nhập mặn được chi tiết hóa đến từng thôn, xã, huyện có nguy cơ bị ảnh hưởng qua hình ảnh, bảng, biểu trực quan, cùng với đó là thông tin về các vùng có nguy cơ bị ảnh hưởng, thời gian bị ảnh hưởng và thời gian có thể lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp.

- Thu thập thông tin về tình hình thiệt hại, đánh giá và dự báo tác động của xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh tại địa phương.

- Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến thông tin về tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn đến sản xuất nông nghiệp, dân sinh tại các địa phương.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà phát biểu tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV 

Thực tế trong mùa khô năm 2020 (thời kỳ hạn mặn khốc liệt ở Đồng bằng sông Cửu Long vừa qua), công tác dự báo, cảnh báo dài hạn kịp thời đã hỗ trợ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai trong công tác chỉ đạo phòng chống hạn hán, xâm nhập mặn. Nhờ có thông tin cảnh báo sớm, thiệt hại về nông nghiệp giảm 80%, thiếu nước sinh hoạt giảm 50% so với năm 2016, thời điểm cũng diễn ra tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn gay gắt tại Đồng bằng sông Cửu Long.

Về các giải pháp lâu dài ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn vùng đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cho biết về lâu dài, để chủ động ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn vùng Đồng bằng sông Cửu Long, chúng ta cần thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ, bao gồm xây dựng và thực hiện quy hoạch, các giải pháp về kỹ thuật, hợp tác quốc tế..., cụ thể:

- Tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo sớm. Xây dựng hệ thống giám sát, dự báo cảnh báo sớm diễn biến tài nguyên nước vùng đồng bằng sông Cửu Long, bao gồm cả phần thượng nguồn, toàn lưu vực và sụt lún, sạt lở bờ sông, bờ biển.

- Xây dựng và thực hiện Quy hoạch tổng thể vùng đồng bằng sông Cửu Long, Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Cửu Long.

- Nghiên cứu đề xuất các phương án tăng cường khả năng trữ lũ, giữ nước ngọt với quy mô phù hợp với vùng đồng bằng sông Cửu Long nhằm trữ, điều tiết nguồn nước. Tiếp tục điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất, nhất là các tầng chứa nước nằm sâu để phục vụ cấp nước sinh hoạt ở các vùng thường xuyên bị xâm nhập mặn; xây dựng các công trình khai thác nước ngầm để kết hợp dự phòng sẵn sàng ứng phó với xâm nhập mặn khi cần thiết.

- Đầu tư bổ sung và nâng cấp các trạm đo mặn, ưu tiên hệ thống đo mặn tự động (theo Quyết định số 90/QĐ-TTg ngày 12 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch mạng lưới quan trắc tài nguyên và môi trường quốc gia 2016 -2025, tầm nhìn đến năm 2030); đồng thời có kế hoạch đo tăng cường và đồng bộ phù hợp với yêu cầu thực tiễn, phục vụ phát hiện sớm, cung cấp đầy đủ thông tin về hạn hán, xâm nhập mặn theo quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật.

- Ưu tiên thực hiện các nội dung về phân vùng hạn hán, xâm nhập mặn tại vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Kế hoạch của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành nhằm thực hiện Quyết định số 705/QĐ-TTg ngày 07/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình cập nhật phân vùng rủi ro thiên tai, lập bản đồ cảnh báo thiên tai, đặc biệt là các thiên tai liên quan đến bão, nước dâng do bão, lũ, lũ quét, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn.

- Tăng cường chia sẻ thông tin, dữ liệu toàn vùng; xây dựng cơ sở dữ liệu tích hợp dùng chung cho cả vùng về khí tượng, thủy văn, tài nguyên nước, đất đai và cơ chế chia sẻ thông tin, dữ liệu giữa trung ương và địa phương, các ngành.

- Chủ động theo dõi chặt chẽ các hoạt động khai thác và sử dụng nước trong lưu vực, thu thập thông tin số liệu về tình hình lưu vực từ nhiều nguồn khác (từ các dự án, sử dụng công nghệ viễn thám...); đàm phán, thuyết phục, đấu tranh để các quốc gia có các hồ chứa thủy điện lớn, kể cả ở dòng chính và dòng nhánh, cùng hợp tác trong việc vận hành phát điện, xả nước xuống hạ du, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu trên sông ở mức phù hợp.

- Thúc đẩy các hoạt động hợp tác về nguồn nước trong khuôn khổ hợp tác Mê Công - Lan Thương nhằm đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về việc chia sẻ thông tin số liệu trong mùa khô, đặc biệt là thông tin về quy trình vận hành các đập thủy điện của Trung Quốc, tăng cường xả nước giúp các quốc gia hạ nguồn chống hạn; tăng cường hợp tác song phương với Lào và Campuchia.

Hồ Hương