ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (SỬA ĐỔI)

22/10/2020

Tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình góp ý về một số nội dung còn khác nhau của dự thảo Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng: Thực tế cuộc sống, vấn đề môi trường không chỉ là vấn đề “nóng” của Việt Nam mà của cả thế giới. Cử tri và nhân dân cả nước luôn luôn có đề xuất, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và cũng là vấn đề luôn luôn được đại biểu Quốc hội yêu cầu bổ sung, sửa đổi. Đối với Bộ Tài nguyên và Môi trường luôn có ý thức trách nhiệm cao và thường xuyên tập trung nhiều giải pháp để kiểm tra, xử lý, ngăn chặn, nhiều biến cố lớn được khắc phục, tạo niềm tin trong người dân, đặc biệt là sự cố môi trường biển, việc ô nhiễm môi trường của một số nhà máy, xí nghiệp và rác thải xảy ra. Chuẩn bị cho việc sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chú trọng chuẩn bị từ trước thông qua việc tổng, kết luận luật năm 2014, phát hiện những khó khăn, những vướng mắc, những hạn chế, bất cập cần sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh kịp thời những thách thức mới đặt ra; tổ chức nhiều hội thảo, hội nghị với các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia quốc tế và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 9.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Hiện dự thảo luật đã có báo cáo giải trình, tiếp thu, sửa đổi rất cần thiết và hợp lý, nhằm đáp ứng mục đích yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường có tính khả thi, phù hợp với điều kiện của đất nước trong hội nhập quốc tế, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới. Để tăng hiệu quả giá trị pháp lý của luật với thực tiễn cuộc sống, Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương góp ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, các điều khoản quan trọng trong sửa đổi luật cần xác định rõ trách nhiệm của Chính phủ, các Bộ ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong bảo vệ môi trường. Về đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong quản lý môi trường, về quy hoạch bảo vệ môi trường quốc gia, về quy định rõ đối tượng, nội dung đánh giá tác động môi trường, về quản lý sức khỏe môi trường, về bồi hoàn dạng sinh học của các dự án đầu tư. Lý do cơ bản, môi trường luôn luôn là vấn đề nóng, thường xuyên có ý kiến, kiến nghị của cử tri. Ô nhiễm môi trường xảy ra thường ngày, do thiếu ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp và của nhiều cá nhân. Điều này trong báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tại kỳ họp của chúng ta vừa rồi cũng đã nêu lên những ý kiến bức xúc của cử tri về vấn đề ô nhiễm của các làng nghề, rác thải sinh hoạt ở các khu dân cư còn nhiều, việc thu gom rất khó xử lý, đòi hỏi ý thức tham gia và trách nhiệm quản lý, điều hành của các cấp, bộ, ngành, chính quyền. Có thể nói, có tập trung chủ trương, đường lối thì ý thức chấp hành của các cấp rất quan trọng. Trách nhiệm, vai trò Bộ Tài Nguyên và Môi trường là quan trọng, nhưng thiếu sự liên kết, đồng hành tham gia của các tổ chức chính quyền các cấp và cá nhân. Việc phát hiện, xử lý vi phạm môi trường khó để khắc phục.

Thứ hai, cần phải bổ sung và tuân thủ tích hợp thủ tục hành chính về giấy phép môi trường, từ Điều 41 đến Điều 49. Quy định bảo vệ môi trường cảnh quan thiên nhiên, tác động cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường; quy định về đánh giá tác động thẩm định, đánh giá công nghệ xử lý chất thải rắn, quản lý chất thải nguy hại hay nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng, không cho phép xử lý nước thải, ô nhiễm khí thải, bụi. Đây chính là hành lang pháp lý, vừa cảnh báo, vừa răn đe, vừa là cơ sở để xử lý vi phạm trong vấn đề ô nhiễm môi trường.

Thứ ba, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đồng tình với đề nghị của Luật quy định mục đích chi ngân sách cho bảo vệ môi trường ở Điều 151 quy định: Chi thường xuyên cho sự nghiệp bảo vệ môi trường; Chi đầu tư phát triển bảo vệ về môi trường; Chi riêng cho hoạt động sự nghiệp môi trường và tăng chi ngân sách nhà nước cho hoạt động bảo vệ môi trường; Việc xây dựng dự toán và quản lý sử dụng ngân sách nhà nước cho bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước về Pháp lệnh đầu tư công.

Thứ tư, tại Điều 154 về Quỹ Bảo vệ môi trường, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đồng tình với việc bổ sung và cụ thể hóa quy định: "huy động nguồn nhân lực quản lý môi trường trong khu vực kinh doanh và chính sách thuế, phí bảo vệ môi trường. Việc bổ sung quy định nguồn lực nhằm khơi thông cơ chế tài chính cho bảo vệ môi trường". Lý do khắc phục ô nhiễm môi trường, suy thoái môi trường tồn tại từ trước đến nay rất khó khắc phục, nhưng lại không đủ điều kiện để thực hiện vì mất cân bằng sinh thái. Chi phí thực hiện, kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới về bảo vệ môi trường là chi phí nguồn nhân lực, tài chính ứng phó với biến đổi khí hậu, bao gồm nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn lực đóng góp của xã hội. Từ đó, xác định quan hệ giữa môi trường và phát triển, làm cơ sở hoạch định các chính sách về phát triển bền vững nguồn nhân lực này chiếm 5% đến 10% GDP ngân sách nhà nước từ 3% đến 4% GDP.

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương, Việt Nam với mức chi tối thiểu này theo tiếp thu, sửa đổi chỉ thể hiện thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường. Dự thảo luật cần phải quy định cụ thể nội dung chi phí nhằm bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm bớt ô nhiễm môi trường, gây ốm đau, bệnh tật, ung thư, chi phí điều trị, mua sắm phương tiện, dụng cụ để phòng chống khi có biến cố lớn, tình trạng bị đe dọa có khi dẫn đến bất ổn định về chính trị.

Từ những nguyên nhân trên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng, cần phải quy định rõ nguồn lực đầu tư cho phát triển sự nghiệp môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu nhằm xử lý chất thải, các điểm ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Tăng cường thiết bị hạ tầng kỹ thuật, quan trắc, thanh tra, giám sát cảnh báo ô nhiễm liên vùng, liên tỉnh và xuyên biên giới. Động lực cơ bản, lý do cấp thiết là do ô nhiễm môi trường ngày càng phức tạp, nhiều nơi vượt ngưỡng cho phép, một số sự cố đột biến gây ô nhiễm nặng, bùng phát dịch bệnh nhiều. Từ thực tiễn cuộc sống cử tri đã kiến nghị đại biểu Quốc hội đã quan tâm, phản ánh, trao đổi và thảo luận, đặt ra nhiều vấn đề cấp thiết xử lý, tuy nhiên khó thực hiện triệt để. Đề nghị quan điểm của Đảng, Nhà nước phải bảo vệ môi trường thì cam kết thực hiện cần phải có sự liên kết toàn diện. Tình trạng ô nhiễm môi trường thường xuyên diễn ra phức tạp, khó lường, chi phí để kiểm tra, xử lý, khắc phục, ngăn chặn lớn lại không có nguồn thu, vì thế cần phải có đầu tư./.

Bích Lan