ĐBQH NGUYỄN NGỌC PHƯƠNG: CẦN CÓ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ CHO DOANH NGHIỆP, NGƯỜI CÓ LAO ĐỘNG NHIỄM HIV

06/11/2020

Góp ý vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình nhấn mạnh vào vấn đề cơ chế để hỗ trợ giải quyết việc làm cho người nhiễm HIV và cơ chế hỗ trợ các nhóm đồng đẳng.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhận định, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam trong 10 năm gần đây đã đạt được thành tựu lớn, luôn là một điểm sáng và liên tục đạt 3 mục tiêu giảm, đó là giảm số người phát hiện nhiễm HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong do AIDS. Đây là một nỗ lực lớn của tất cả các cấp, các ngành, đặc biệt là ngành y tế. Bên cạnh đó, sự kỳ thị của xã hội đối với người nhiễm AIDS đã giảm rõ rệt, sự bí danh cho người nhiễm HIV đã được thực hiện tốt hơn.

Tuy nhiên theo đại biểu, những khó khăn mới đã xuất hiện, trở thành những thách thức cộng đồng trong việc phòng, chống HIV/AIDS, như dịch HIV/AIDS lây truyền qua đường tình dục đang có diễn biến phức tạp, sự gia tăng nhanh nhiễm HIV trong nhóm người quan hệ tình dục đồng giới nam, người chuyển giới. Chính vì thế, luật sửa đổi rất cần thiết để tháo gỡ khó khăn, nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật, tạo hành lang pháp lý cho chiến lược phòng, chống HIV/AIDS, thể hiện sự cam kết lớn của Việt Nam đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS trong cộng đồng quốc tế, cùng nhau hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Để hoàn thiện dự thảo luật sửa đổi, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương tham gia một số nội dung góp ý như sau:

Thứ nhất, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp cận các ý kiến, kiến nghị của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. Đây là những tổng hợp ý kiến của các thành viên Ủy ban. Đồng thời, Ủy ban tổ chức các hội thảo, trong đó có các thành viên, các tổ chức liên quan đến phòng, chống AIDS và dịch AIDS. Đặc biệt, chú trọng xác định về tác động của ngân sách trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, quan hệ của dự thảo luật với các quy định sửa đổi khác có liên quan để đảm bảo trong quá trình thực hiện, không có gì mâu thuẫn vướng mắc.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Thứ hai, tại Điều 11, đối tượng tiếp cận thông tin giáo dục truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS. Luật đã bổ sung người có quan hệ tình dục đồng giới nam nhưng lại chưa có đối tượng quan hệ tình dục đồng giới nữ. Thực tế, đồng giới nữ dù ít có nguy cơ hơn nam nhưng không phải là không có nguy cơ về nhiễm HIV/AIDS.

 Thứ ba, về vấn đề việc làm của người nhiễm HIV/AIDS, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho biết hiện nay, khoảng 250.000 người nhiễm HIV, cần có dịch vụ phòng, chống để họ không lây nhiễm HIV và cần điều trị bằng thuốc HIV liên tục, suốt đời. Đây là một trong những thách thức lớn không chỉ về chuyên môn mà cả về tài chính, chính sách, cơ chế hỗ trợ việc kiếm ra thu nhập ổn định là giải pháp căn cơ và hiệu quả nhất. Điều này sẽ làm giảm áp lực trên các chính sách cũng như ngân sách, chi phí. Tuy nhiên theo đại biểu, việc làm hiện nay của người nhiễm HIV/AIDS vẫn là một bài toán rất nan giải. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp rất sợ ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín khi có người nghiện vào làm việc. Vì vậy, người nhiễm HIV/AIDS đến xin việc làm tại các doanh nghiệp đều bị chi phối, từ chối.

Theo quy định, người nhiễm HIV/AIDS được bí mật về tình trạng bệnh của mình, nhưng khi vào đào tạo nghề hay xin việc phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh về sức khỏe, tốt hay không tốt, không mắc bệnh truyền nhiễm thì mới được tiếp nhận. Nếu được tiếp nhận vào làm việc nhưng lại không được tạo điều kiện cho họ khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe” – đại biểu nêu ý kiến và cũng nhấn mạnh một trong những khó khăn nữa là thiếu người đứng rất kêu gọi đầu tư, tập trung, bố trí công việc cho người nhiễm HIV, đồng thời tìm kiếm đối tác kinh doanh đầu tư cho sản phẩm của mình. Đặc biệt, đối với những người bán dâm hay người nghiện ma túy thì việc giải quyết việc làm cho họ càng nan giải. Nếu không có việc làm thì họ không thể có kinh phí mua bảo hiểm y tế, nguy cơ không được điều trị và chữa, nguy cơ lây nhiễm cho người khác lại rất cao.

Chính vì vậy, luật sửa đổi, bổ sung lần này cần có những điều khoản chú trọng những chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp, người có lao động nhiễm HIV. Các nhóm đồng đẳng có những cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng khác một cách dễ dàng để tham gia sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập. Đề nghị Ban soạn thảo cần phải nghiên cứu” – đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nêu ý kiến.

Thứ tư, về việc tạo cơ chế cho các nhóm đồng đẳng. Hiện người nhiễm HIV rất khó tiếp cận với các kênh thông tin tuyên truyền chính thống. Nhiều người có nguy cơ nhiễm nhưng sự hiểu biết lại rất sơ sài. Có những nội dung kênh truyền hình chính thống đưa tin nhưng họ lại chưa tiếp cận hiệu quả. Thật ra, các đồng đẳng chỉ đóng góp 1 phần cho tiến bộ của mình trong cả chương trình phòng, chống HIV/AIDS. Vì thế, điều họ cần là sự công nhận một cơ chế, một chính sách hỗ trợ cho họ, bởi họ luôn cảm thấy tự hào khi bản thân được đóng góp một điều gì đó có ý nghĩa cho xã hội. Chính vì thế, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương cho rằng trong luật sửa đổi lần này cần bổ sung điều luật thừa nhận vai trò các đồng đẳng viên, đặc biệt là trong vấn đề tuyên truyền và tư vấn.

Thứ năm, tại Điều 22 tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006, tại khoản 3 đã đề nghị đề cập đến việc nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập tổ chức phòng, chống HIV/AIDS. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương đề nghị ghi cụ thể hơn nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân, các nhóm đồng đẳng thành lập tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS. Điều kiện thành lập, nội dung hoạt động, tổ chức tư vấn về phòng, chống HIV/AIDS do Bộ Y tế quy định.

Hồ Hương