ĐBQH HUỲNH CAO NHẤT: KHÔNG CẦN THIẾT PHẢI TIẾP TỤC DUY TRÌ QUỸ HỖ TRỢ ĐIỀU TRỊ, CHĂM SÓC NGƯỜI NHIỄM HIV

12/11/2020

Phát biểu tại phiên thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm vi rút gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS), đại biểu Huỳnh Cao Nhất – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định cho rằng vai trò của Quỹ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV hiện nay là không đáng kể, do vậy việc tiếp tục duy trì Quỹ nãy là không cần thiết.

Thảo luận tại phiên họp, đại biểu Huỳnh Cao Nhất cơ bản tán thành việc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người với những lý do cần thiết nêu trong Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Về các vấn đề xã hội. 

Đại biểu Huỳnh Cao Nhất – Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Góp ý một số điều luật cụ thể, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề cập đến vấn đề về quyền và nghĩa vụ của người nhiễm HIV tại Điều 4. Điểm (b) khoản 2 Điều 4 dự thảo luật bổ sung quy định nghĩa vụ của người nhiễm HIV phải thông báo kết quả xét nghiệm HIV dương tính của mình cho người có quan hệ tình dục với mình theo quy định của pháp luật. Thống nhất bổ sung quy định này, tuy nhiên theo đại biểu Huỳnh Cao Nhất, việc quy định như vẫn chưa chặt chẽ, vì trong trường hợp người nhiễm HIV cố tình lây nhiễm HIV cho người khác thì khó có thể có cơ sở để làm căn cứ xử lý hình sự theo quy định tại Điều 148 của Bộ luật Hình sự về tội lây truyền HIV cho người khác. Vì vậy, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề nghị trong dự thảo luật cần quy định rõ về hình thức thông báo, thời điểm thông báo để tránh trường hợp lợi dụng luật để cố tình lây nhiễm HIV cho người khác.

Về xét nghiệm HIV tự nguyện tại Điều 27. Khoản 2 dự thảo luật quy định người đủ 15 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự thì được quyền tự nguyện xét nghiệm HIV. Tuy nhiên theo đại biểu, quy định như vậy là chưa phù hợp với quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh hiện hành, đó là trường hợp người bị bệnh mất năng lực hành vi dân sự, không có năng lực hành vi dân sự hoặc người chưa thành niên từ đủ 6 tuổi đến 18 tuổi thì người đại diện hợp pháp của người bị bệnh quyết định việc khám bệnh, chữa bệnh. Do đó, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề nghị cơ quan soạn thảo cần rà soát để đảm bảo tính thống nhất của dự án luật.

Tại khoản 3 Điều 27 dự thảo luật quy định việc xét nghiệm HIV đối với người dưới 15 tuổi, người mất năng lực hành vi dân sự chỉ được thực hiện khi có sự đồng ý bằng văn bản của cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó. Hiện nay Bộ luật Dân sự năm 2015 đã bổ sung trường hợp người có khó khăn trong nhận thức làm chủ hành vi, người hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng là đối tượng được giám hộ. Do đó, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề nghị cần xem xét bổ sung thêm khoản 3 Điều 27 những đối tượng này khi xét nghiệm HIV cần có sự đồng ý của người giám hộ của họ.

Về hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV tại Điều 44. Đại biểu Huỳnh Cao Nhất cho biết, hiện nay nhà nước đã có nhiều thay đổi về chính sách hỗ trợ cho người nhiễm HIV. Các chính sách hiện hành của nhà nước đã bảo đảm khi người nhiễm HIV có thẻ Bảo hiểm y tế sẽ được chăm sóc, hỗ trợ y tế cũng như được thanh toán, quyết toán thuốc ARV xét nghiệm, theo dõi, điều trị tại các cơ sở y tế trên cả nước. Các địa phương đã đảm bảo hỗ trợ chi phí cùng chi trả đối với thuốc kháng virus HIV cho người nhiễm HIV/AIDS có thẻ bảo hiểm y tế thông qua Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo.

Hơn nữa, qua giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về quản lý, sử dụng các quỹ tài chính, ngân sách ngoài nhà nước giai đoạn 2013-2018, Đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá quỹ hỗ trợ, điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV không hiệu quả. Như vậy, vai trò của Quỹ hỗ trợ, chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV hiện nay là không đáng kể. Vì vậy, đại biểu Huỳnh Cao Nhất đề nghị không cần thiết phải tiếp tục duy trì Quỹ hỗ trợ điều trị, chăm sóc người nhiễm HIV.

Hồ Hương