ĐBQH TRƯƠNG THỊ YẾN LINH: CHÍNH PHỦ CẦN QUAN TÂM ĐẦU TƯ ĐÚNG MỨC CHO AN NINH Y TẾ

07/12/2020

Sức khỏe là vốn quý giá của mỗi người và con người là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia. Qua đại dịch COVID-19 cho thấy, việc đảm bảo sức khỏe cho người dân cần phải được ưu tiên quan tâm đầu tư. Đây là ý kiến của đại biểu Trương Thị Yến Linh, Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau trong phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội tại Kỳ họp thứ 10 Quốc hội Khóa XIV.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh kiến nghị Chính phủ cần quan tâm, đầu tư đúng mức cho an ninh y tế

Nhiều tồn tại, vướng mắc xuất hiện trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid 19.

Góp ý về công tác bảo vệ sức khỏe nhân dân, đại biểu Trương Thị Yến Linh đánh giá cao sự nỗ lực chỉ đạo, điều hành sát sao, quyết liệt, ổn định nền kinh tế để đạt được mục tiêu kép của Chính phủ. Tuy nhiên, trong quá trình phòng, chống dịch bệnh Covid 19 đã có những vướng mắc, bất cập cần sớm được giải quyết.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh khẳng định, đại dịch COVID-19 đã, đang gây ảnh hưởng nặng nề cho toàn thế giới. Cuộc chiến chống dịch như chống giặc đã thu được kết quả tích cực và để lại nhiều bài học quý không chỉ cho chúng ta mà cho cả thế giới. Việt Nam là một trong ít quốc gia đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường, không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Qua công tác phòng, chống dịch, đại biểu nêu 04 bất cập:

Một, vật tư y tế phòng, chống dịch như khẩu trang y tế, đồ bảo hộ chống dịch, nước sát khuẩn rửa tay nhanh, nhiệt kế điện tử… khi đó rơi vào tình trạng gim hàng, khan hiếm, thiếu thốn và để đẩy giá rất cao so với giá trị thực. Vật tư y tế không rõ chất lượng, nguồn gốc, đồng thời còn xuất hiện tình trạng tái chế khẩu trang, đồ bảo hộ đã qua sử dụng, không đảm bảo an toàn, tiềm ẩn nguy cơ cao phát tán bệnh dich.

Hai, thiếu các trang thiết bị máy móc, máy thở, máy xét nghiệm COVID-19… từ đó phải gấp rút nhập khẩu, mua sắm bổ sung trang bị cho các đơn vị y tế. Đặc biệt, nơi có ca mắc bệnh lại xuất hiện tình trạng nâng khống giá máy xét nghiệm ở một số nơi đã gây dư luận bức xúc. Điều này phản ánh vấn đề an ninh y tế chưa có sự quan tâm đúng mức, khi gặp vấn đề thì chúng ta cứ loay hoay, lúng túng mà trước giờ chúng ta chỉ tập trung quan tâm đến an ninh lương thực, an ninh năng lượng, v.v..

Ba, với sự phát triển khoa học, công nghệ như vũ bão trên thế giới, việc ứng dụng phát triển nghiên cứu góp phần biến đổi gen. Đây là yếu tố chủ ý của con người, cộng thêm việc biến đổi khí hậu là yếu tố tự nhiên góp phần tăng tình trạng đột biến gen của vi khuẩn và virus, dễ gây ra những dịch bệnh nguy hiểm.

Bốn, xuất hiện chiến tranh sinh học sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, an ninh chính trị, kinh tế - xã hội.

Đại biểu Trương Thị Yến Linh khẳng định, sức khỏe là vốn quý giá của mỗi người và con người là tài sản quý giá nhất của mỗi quốc gia. Qua đại dịch COVID-19 cho chúng ta thấy rõ, việc đảm bảo sức khỏe cho người dân cần phải được ưu tiên quan tâm đầu tư. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần sự quan tâm, đầu tư đúng mức cho vấn đề an ninh y tế. Ngành y tế cần ưu tiên củng cố, hoàn thiện phát triển hệ thống y tế dự phòng, đầu tư y tế cơ sở đúng chất, đảm bảo công tác chống dịch theo phương châm tại chỗ.

04 tồn tại hạn chế trong thực hiện chính sách pháp luật về bảo hiểm y tế.

Đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, đại biểu Trương cũng đề nghị Chính phủ giải quyết 04 bất cập vướng mắc để đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Trong bối cảnh thực hiện cơ chế tự chủ đã tạo áp lực cho các cơ sở y tế phải chăm lo đời sống, thu nhập tăng thêm cho công nhân viên, xã hội hóa ngành y tế. Theo báo cáo, trong năm 2019, cơ sở tư nhân tăng khoảng 156 cơ sở ký hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Có nơi cơ sở y tế tư nhân, tỷ lệ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế cao hơn nhiều so với đơn vị bệnh viện của một tuyến tỉnh. Tình trạng đã gây khó khăn trong giải quyết tình trạng lạm dụng cũng như trục lợi quỹ Bảo hiểm y tế.

Bất cập thứ hai đó là chưa có sự thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong chỉ đạo, triển khai các chính sách bảo hiểm y tế. Cơ quan bảo hiểm xã hội chưa thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Y tế, dẫn đến việc giám định đôi khi gây tranh cãi, gây khó khăn cho các cơ sở khám chữa bệnh trên toàn quốc.

Bên cạnh đó, việc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế chặt chẽ tạo nên hiệu ứng bất lợi. Bác sĩ luôn trong tình trạng cảnh giác cao, có lúc phải giải thích cho bệnh nhân mua thuốc ngoài mạo hiểm, để làm sao điều trị tránh 3 không (không bị vượt trần, không bị vượt dự toán đã giao và không bị từ chối thanh toán). Khi thanh quyết toán, chi phí vượt dự toán hoặc chi phí chưa có sự thống nhất giữa 2 bên, bảo hiểm xã hội đã đối trừ tạm ứng trước và lấy cơ sở trên để tạm ứng cho quý sau. Điều này cũng gây khó khăn cho cơ sở khám chữa bệnh, do không đủ kinh phí trang trải cho hoạt động. Cũng có  tình trạng nợ công ty thuốc quá lâu thì công ty từ chối cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế. Việc này đã ảnh hưởng đến công tác khám chữa bệnh và quyền lợi của người bệnh tham gia bảo hiểm y tế.

Bất cập thứ 4, theo đại biểu Trương đó là việc giao dự toán chưa đúng với Luật Bảo hiểm y tế, trong đó số kinh phí giao dự toán cũng không biết dựa trên cơ sở nào và không sát với thực thế. Cụ thể, năm 2019, Chính phủ giao khoảng 7.535 tỷ đồng, nhưng theo Báo cáo của Bộ Tài chính thì ước chi khoảng 105.088 tỷ, chênh lệch gấp gần 14 lần, làm cho chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế thiếu hụt kéo dài, thời gian giao lại chậm, nên các cơ sở khám chữa bệnhkhông thể chủ động điều tiết, cân đối chi từ đầu năm. Do đó, đại biểu Trương Thị Yến Linh cho rằng việc giao quỹ khám chữa bệnh, bảo hiểm y tế không phù hợp và không cần thiết, gây trở ngại, kìm hãm sự phát triển của cơ sở y tế. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, các cơ sở y tế thì cần liên tục triển khai nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật mới, khi đó sẽ vượt dự toán, phải giải trình. Nếu không đúng yếu tố khách quan theo quy định của bảo hiểm xã hội thì sẽ bị từ chối thanh toán. Nếu được thanh toán thì cũng chậm trễ, mà khi vượt dự toán, các tỉnh phải báo cáo lên Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tiến hành đánh giá và tổng hợp số tiền vượt dự toán khách quan của cả nước, sau đó mới trình với Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Quy trình này mất rất nhiều thời gian.

Đại biểu nêu con số, nnăm 2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thẩm định thanh toán chi vượt dự toán là 5.521 tỷ đồng, trong đó tỉnh Cà Mau có 28.483.000.000 đồng, vượt dự toán trên tổng 64.109.000.000 đồng vẫn chưa được thanh toán từ năm 2018 đến nay. Do đó, đại biểu kiến nghị đối với Chính phủ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, quản lý việc sử dụng quỹ bảo hiểm y tế, đặc biệt những cơ sở có nguy cơ cao. Xử lý nghiêm các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế, sớm thống nhất giải quyết khi có những vấn đề còn chưa thống nhất giữa Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, để tạo sự đồng thuận cho cơ sở y tế triển khai thực hiện thuận lợi các chính sách bảo hiểm y tế.

Cần giải trình và làm rõ việc giao dự toán quỹ bảo hiểm y tế, xem xét, phê duyệt phần vượt dự toán năm 2018. Đối với Bộ Y tế, cần hoàn thiện các chính sách liên quan đến bảo hiểm y tế chặt chẽ hơn để tránh việc lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm y tế. Tháo gỡ sớm những vấn đề vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế khi được kiến nghị.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cần tuân thủ thực hiện đầy đủ các quy định của Bộ Y tế về chính sách bảo hiểm y tế, thanh toán sớm phần chi vượt dự toán với lý do khách quan cho cơ sở y tế. Nâng cao năng lực đội ngũ thẩm định, giám định bảo hiểm y tế./.

Lan Hương