ĐBQH PHẠM VĂN HÒA: CẤP GIẤY PHÉP HOẠT ĐỘNG DỊCH VỤ ĐƯA NGƯỜI LAO ĐỘNG ĐI LÀM VIỆC Ở NƯỚC NGOÀI LÀ ĐIỀU KIỆN BẮT BUỘC

14/12/2020

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi), đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nêu thực tế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp hoạt động "chui", tuyển lao động bất hợp pháp..., dẫn đến tuyển tràn lan, do vậy việc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là điều kiện bắt buộc.

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hòa đề cập tới Điều 4 Chính sách của Nhà nước về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có quy định chi tiết về bảo đảm bình đẳng giới, có các biện pháp hỗ trợ lao động nữ, lao động những công việc nhạy cảm, có khả năng bị xâm hại. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, thời gian qua, nhiều địa phương thực hiện tốt việc hỗ trợ tạo việc làm và khởi nghiệp để phát huy kiến thức, chuyên môn kỹ năng nghề của người lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài.

Tuy nhiên, tại một số địa phương, sự quan tâm rất hạn chế, dẫn đến có bộ phận không nhỏ lao động khi về nước không có việc làm, sau khi hết tiền những lao động này lại đi làm thuê. Nhà nước cần có kế hoạch tạo việc làm cho những lao động này sau khi hết hạn về nước.

Đại biểu Phạm Văn Hòa – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp phát biểu từ điểm cầu trực tuyến. 

Đối với Điều 5 của dự luật, đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị Ban soạn thảo cần nhắc kỹ về việc giao đơn vị sự nghiệp công lập do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập và được thực hiện việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ phát sinh chi ngân sách và nhân lực của Nhà nước để thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài; chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết Trung ương về chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập. Theo quan điểm của đại biểu, đối với những công việc nào xã hội có thể đảm đương được thì nên cho doanh nghiệp ngoài nhà nước thực hiện, bởi thời gian qua đã có rất nhiều doanh nghiệp thực hiện rất tốt và nếu triển khai theo phương án này sẽ không công bằng với các doanh nghiệp đã được cấp phép.

Nhấn mạnh việc cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là điều kiện bắt buộc, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu thực tế, thời gian qua, không ít doanh nghiệp hoạt động "chui", tuyển lao động bất hợp pháp, có doanh nghiệp đã bị rút giấy phép mà vẫn được tuyển lao động, chưa kể tình trạng cò lao động, lừa đảo, v.v. dẫn đến tuyển tràn lan. Nhiều người dân muốn được tuyển nên không ngại bỏ ra chi phí rất cao, sau khi được tuyển rồi thì "ra đi không hẹn ngày trở lại", dẫn đến lao động bỏ trốn, bị các nước sở tại gây khó khăn cho công việc tuyển chọn lao động hợp pháp...

Tôi đề nghị nên rạch ròi việc doanh nghiệp tuyển lao động có trách nhiệm với nhà nước về lao động mình được tuyển và đó cũng là điều kiện để cấp phép. Có như thế mới hạn chế người lao động bất hợp pháp”, đại biểu phân tích.

Về giao nhiệm vụ cho chi nhánh của doanh nghiệp dịch vụ, đại biểu Phạm Văn Hòa thống nhất tiếp tục duy trì quy định việc doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ tối đa là 3 chi nhánh thực hiện dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, vì nếu nhiều hơn dễ có những doanh nghiệp ma, lừa gạt lao động như thời gian qua, doanh nghiệp mẹ không quản lý được những doanh nghiệp mà chi nhánh rất nhiều, rải rác ở cấp tỉnh.

Về chuẩn bị nguồn lao động, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc quy định cụ thể về quy trình sơ tuyển là rất cần thiết, phù hợp cho người lao động để đảm bảo chất lượng lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài, tránh đào tạo nhiều nhưng số lượng đi ít, gây lãng phí cho người lao động và xã hội. Thực tiễn có doanh nghiệp tuyển lao động nhiều để thu phí nhưng đưa đi lao động rất ít, gây thắc mắc cho người lao động phải mắc nợ vay khó trả. Việc chỉnh lý theo Điều 18 của luật là phù hợp, mang tính ràng buộc doanh nghiệp phải chấp hành.

Về tiền dịch vụ theo Điều 24, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu ý kiến, việc doanh nghiệp thu tiền dịch vụ là hết sức cần thiết đối với lao động học định hướng ngoại ngữ, thủ tục xuất nhập cảnh, v.v. nhưng việc thu tiền phải minh bạch, hợp lý, thống nhất theo hướng dẫn của các cơ quan chức năng nhà nước để không lạm dụng thu tùy tiện, mỗi doanh nghiệp thu khác nhau, gây thiệt thòi lợi ích cho người lao động.

Về các điều kiện tại các điều từ 66 đến 68, đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng Quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nhà nước là quỹ tài chính ngân sách ngoài nhà nước thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoạt động không vì mục đích lợi nhuận là rất cần thiết như tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên, cũng cần làm rõ nguồn thu của Quỹ là do doanh nghiệp dịch vụ, người lao động đóng góp và các nguồn thu hợp pháp khác. Các đối tượng này đóng góp do tự giác hay bởi một quy định nào, mức đóng góp ra sao để không tùy tiện buộc người lao động hoặc doanh nghiệp đóng góp cho quỹ. Nếu doanh nghiệp, người lao động nhùng nhằng đóng góp thì sẽ gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí là hạn chế cấp phép cho doanh nghiệp.

Về trách nhiệm quản lý nhà nước, theo Điều 70, 71, theo đại biểu Phạm Văn Hòa là rất quan trọng vì có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người lao động và quan hệ đối ngoại. Do vậy cần phải rất rõ ràng, rành mạch trách nhiệm cụ thể của từng chủ thể quản lý nhà nước từ trung ương đến cơ sở, có phân công cụ thể để khi xảy ra sự cố không đổ trách nhiệm cho nhau. Ví dụ như: lao động bỏ trốn, lao động bị xâm hại, lao động bị ép làm việc quá giờ quy định, v.v. vì chế tài của luật hiện hành chưa thuyết phục, vì mỗi địa phương có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. “Không thể đưa lao động đi ra nước ngoài làm việc xong là hết việc của địa phương, mà phải chịu trách nhiệm từ lúc lao động ra đi cho đến lúc lao động về có việc làm ổn định. Có như thế mới thể hiện tinh thần trách nhiệm của nhà nước và tính nhân văn của các cơ quan quản lý nhà nước”, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh.

Hồ Hương

Các bài viết khác