ĐBQH PHAN THÁI BÌNH GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

21/12/2020

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), Đại biểu Quốc hội Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng cần cố gắng có hành lang pháp lý, từ đó đề ra các biện pháp và giải pháp để tiến tới mục tiêu là hoàn thiện được quyền được tạm trú, thường trú của công dân.

Đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Tham gia góp ý vào một số điều cụ thể của dự thảo Luật Cư trú, đại biểu Phan Thái Bình, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị bổ sung vào cuối khoản 1 Điều 2 nội dung: "Trường hợp gia đình chỉ có 1 người thì người đó là chủ hộ" và viết lại như sau: "Chủ hộ là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, do thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp hộ gia đình không có người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì chủ hộ là người được các thành viên hộ gia đình thống nhất đề cử; trường hợp các thành viên hộ gia đình không thống nhất đề cử được thì chủ hộ là thành viên hộ gia đình do tòa án quyết định; trường hợp gia đình chỉ có một người thì người đó là chủ hộ". Theo đại biểu, nếu trong trường hợp gia đình chỉ có một người thì không có thành viên nào khác để đề cử và trong trường hợp này nếu có giao tòa án quyết định thì không còn quyết định ai khác ngoài người đó, do vậy không cần thiết phải thêm một thủ tục ra tòa án quyết định. Nghĩa là, chỉ có một người thì người đó đương nhiên là chủ hộ.

Về nguyên tắc cư trú, quản lý cư trú tại Điều 3, đại biểu đề nghị bổ sung cụm từ "bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân" và viết lại như sau "trình tự thủ tục đăng ký thường trú, tạm trú và khai báo tạm vắng, thông báo lưu trú phải đơn giản, thuận tiện, kịp thời, chính xác, công khai, minh bạch, không gây phiền hà". Việc quản lý cư trú phải đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả, đảm bảo bảo mật thông tin về đăng ký cư trú của công dân, để phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 33 của dự thảo luật.

Về điều kiện đăng ký thường trú tại Điều 20. Đại biểu cho rằng ở khoản 1, khoản 2, khoản 3 của Điều 20, cần tính toán phương pháp xây dựng điều luật này theo phương pháp loại trừ, không theo phương pháp liệt kê, bởi vì ở đây đặt ra rất nhiều tình huống.

Tại khoản 3 ở điểm b dự thảo luật đưa ra 2 phương án. Theo đại biểu, cần phải xóa bỏ các điều kiện về đăng ký thường trú. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải quản lý công tác đăng ký thường trú này. Đại biểu bày tỏ quan điểm tích hợp cả 2 phương án này bởi các lý do sau đây:

Thứ nhất, phương án 1 phải đảm bảo để diện tích tối thiểu nhà ở để phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở của đất nước ta đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 thì tối thiểu phải có 8m2 sàn/người. Đây là một định hướng rất tốt để tạo điều kiện cho công dân có quyền có chỗ ở, đồng thời phải đủ điều kiện về chỗ ở.

Thứ hai, đã đăng ký tạm trú trong cùng phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương từ 1 năm trở lên. Điều này đảm bảo là tính ổn định tương đối từ tạm trú để chuyển qua thường trú.

Từ đó, đại biểu đề nghị tích hợp là cả 2 điều kiện này, tức là phải đủ điều kiện là đã tạm trú 1 năm trở lên và vẫn phải đủ điều kiện về diện tích nhà ở tối thiểu do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định, nhưng không thấp hơn 8m2 sàn/người để đảm bảo cả hai điều kiện này không phải là điều kiện khó nhưng để đảm bảo được thì phải có nguyên tắc quản lý nhà nước. Đại biểu cho rằng cần cố gắng phấn đấu có hành lang pháp lý, từ đó đề ra các biện pháp và giải pháp để tiến tới mục tiêu là hoàn thiện được quyền được tạm trú, thường trú của công dân và đồng thời, quyền có chỗ ở hợp pháp và điều kiện sinh sống ngày càng tốt hơn của công dân./.

Minh Hùng

Các bài viết khác