ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ GÓP Ý VỀ MỘT SỐ NỘI DUNG CÒN Ý KIẾN KHÁC NHAU CỦA DỰ THẢO LUẬT CƯ TRÚ (SỬA ĐỔI)

06/01/2021

Tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIV, đóng góp ý kiến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Cư trú (sửa đổi), đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đề nghị Quốc hội xem xét để có quy định, thậm chí quy định dưới luật về cách thức ghi quê quán trong giấy khai sinh để tránh bất cập trong trường hợp những người có cha ông xa quê lâu năm

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội phát biểu từ điểm cầu trực tuyến

Tham gia ý kiến tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hà Nội cho rằng cần phân biệt kỹ và rõ ràng khái niệm thường trú và tạm trú. Theo đại biểu, tuy tạm hiểu thường trú là nơi ở thường xuyên, còn tạm trú là nơi ở tạm, nhưng trong luật phải được quy định rõ hơn, để tránh chồng chéo trong những trường hợp cụ thể. Ví dụ thực tế, một người ở tỉnh A nhưng sau đó đi công tác, đi học, đi làm việc ở một tỉnh khác và họ có thể ở 3 tháng, 6 tháng, 1 năm, thậm chí vài năm thì họ sẽ khai như thế nào? Người dân rất lúng túng về vấn đề này. Tại Điều 2, phần giải thích từ ngữ, chỉ giải nghĩa từ nơi thường trú thôi, còn nơi tạm trú không được giải thích.

Bên cạnh đó, Điều 2 khoản 1, có ghi "nơi tạm trú là nơi công dân sinh sống trong một khoảng thời gian nhất định ngoài nơi thường trú...". Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu xem xét quy định rõ về khoảng thời gian nhất định này, tránh mơ hồ không rõ ràng.

Đại biểu đề nghị phải có giải thích tạm trú, thường trú và quy định khoảng thời gian ngưỡng giữa tạm trú và thường trú. Đại biểu đề xuất khoảng thời gian gọi là tạm trú thì tối đa là 12 tháng.

Theo đại biểu, Điều 11 khoản 1 là đúng đắn, không cần thay đổi. Ngoài ra, đai biểu đề nghị Quốc hội xem xét để có quy định, thậm chí quy định dưới luật về cách thức ghi quê quán trong giấy khai sinh để tránh bất cập trong trường hợp những người có cha ông xa quê lâu năm./.

Minh Hùng

Các bài viết khác