ĐBQH BÙI THANH TÙNG: VIỆC HỖ TRỢ CỦA CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG TRONG XỬ LÝ NỢ XẤU CÒN HẠN CHẾ

18/01/2021

Tại phiên thảo luận của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng đã đề cập đến vấn đề thí điểm xử lý nợ xấu các tổ chức tín dụng khi thực hiện Nghị quyết 42.

Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, năm 2020 là một năm với rất nhiều điểm đặc biệt. Ngay từ đầu năm 2020, nước ta đã phải đối mặt với tình trạng hạn mặn nghiêm trọng ở vùng đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh Nam Trung Bộ; dịch bệnh Covid-19 bùng phát quy mô toàn cầu. Mặc dù nước ta đã bước đầu kiểm soát được dịch nhưng vẫn luôn phải cảnh giác cao độ với việc dịch rình rập quay trở lại. Những ngày qua, đồng bào miền Trung đang gánh chịu những hậu quả rất nặng nề từ thiên tai, bão chồng bão, lũ chồng lũ, liên tục dài ngày.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng – Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng phát biểu tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV.

Mặc dù vậy, nước ta vẫn đạt được những thành tựu rất ấn tượng. Năm 2020, 8/12 chỉ tiêu kinh tế - xã hội dự kiến đạt và vượt kế hoạch, trong đó chỉ tiêu tăng trưởng GDP vẫn giữ được ở con số trên 2%, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều tăng trưởng âm. Kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, lãi suất điều hành 3 lần giảm trong 9 tháng đã kích thích kịp thời nền kinh tế vượt qua tác động của đại dịch. Công nghiệp chế biến, chế tạo 9 tháng vẫn tăng trưởng 4,6%. Một số nhóm ngành dịch vụ thích nghi tốt hơn trong bối cảnh mới. Khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế với giá trị xuất khẩu ước đạt 41 tỷ USD. Đầu tư công giải ngân trong 9 tháng đạt trên 60% kế hoạch, cao nhất trong 5 năm. Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt. Hoạt động đối ngoại và hội nhập kinh tế quốc tế đã đạt thành tựu quan trọng, nâng vị thế của Việt Nam với vai trò Chủ tịch ASEAN, Chủ tịch AIPA 41, Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Nước ta duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020, đạt bình quân 6,8%/năm.

Theo Quỹ tiền tệ thế giới, năm 2020 Việt Nam có thể trở thành nền kinh tế đứng thứ tư ASEAN. Cử tri và nhân dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, các quyết sách của Quốc hội cũng như sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho biết, sau hơn 3 năm triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng đã đạt kết quả khá tích cực, nhiều giải pháp tại nghị quyết đã được áp dụng, hỗ trợ các ngân hàng xử lý nợ xấu hiệu quả hơn. Về cơ bản, các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có liên quan đã tham gia giải quyết khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng Nghị quyết 42.

Sự phối hợp của các cơ quan liên quan là một trong những yếu tố quan trọng quyết định hiệu quả triển khai xử lý nợ xấu theo Nghị quyết 42”, đại biểu Bùi Thanh Tùng khẳng định.  

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương chưa thực sự quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng trong quá trình xử lý nợ xấu, đặc biệt là thu giữ tài sản bảo đảm, vì cho rằng việc xử lý nợ xấu là lĩnh vực riêng của ngành ngân hàng, việc hỗ trợ của chính quyền địa phương trong quá trình thu giữ tài sản bảo đảm còn hạn chế, mới chỉ tham gia vào quá trình chứng kiến và ký tên vào biên bản làm việc hoặc công an xã chỉ tham gia vào quá trình bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn trong quá trình thu giữ nhưng không thực hiện cưỡng chế khi khách hàng chống đối.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng đánh giá, điều này đã và cũng đang phần nào ảnh hưởng đến kết quả thực hiện các giải pháp được nêu tại Nghị quyết 42. Trong thời gian tới, đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể nhằm hỗ trợ các tổ chức tín dụng triển khai có hiệu quả Nghị quyết 42, nhất là chỉ đạo các bộ, ngành, chính quyền các cấp, sở, ngành, địa phương giải quyết dứt điểm những khó khăn, vướng mắc về cơ chế cũng như trong thực tế áp dụng Nghị quyết 42, hỗ trợ tối đa cho các tổ chức tín dụng trong quá trình xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ.

Ngoài ra, cũng tại phiên thảo luận, đại biểu Bùi Thanh Tùng nhắc lại nội dung được cộng đồng doanh nghiệp quan tâm từ những kỳ họp trước, đó là Nghị định số 20 năm 2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có phát sinh giao dịch liên kết.

Theo đại biểu Bùi Thanh Tùng, khoản 3 Điều 8 của Nghị định này quy định về mức khống chế chi phí lãi vay đã gây ra nhiều vướng mắc và ảnh hưởng không hề nhỏ tới các doanh nghiệp của Việt Nam. Cụ thể, nhiều chuyên gia nhận định, nội dung quy định tại khoản 3 Điều 8 Nghị định này chưa thực sự thống nhất với các quy định tại Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Đầu tư. Thực tế chưa tạo ra biện pháp hiệu quả để thực thi kế hoạch hành động của Tổ chức Hợp tác phát triển kinh tế (OECD) về chống chuyển giá và chuyển lợi nhuận, còn gọi là chống chuyển giá đối với các doanh nghiệp đa quốc gia đầu tư tại Việt Nam. Thực tế các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn kinh tế, công ty Holding, công ty mẹ con bị ảnh hưởng nặng nề.

Trước hàng loạt kiến nghị từ cộng đồng doanh nghiệp, từ các doanh nghiệp nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế lớn, Chính phủ đã chỉ đạo cho Bộ Tài chính rà soát và có điều chỉnh phù hợp. Tháng 6/2020 Nghị định số 68 sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 của Nghị định 20 đã được ban hành. Tuy nhiên, theo ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, việc ban hành nghị định mới bổ sung vẫn chưa xử lý được một cách triệt để các bất cập và vẫn tiếp tục kiến nghị về dài hạn.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng cho rằng cần xem xét thay đổi và chỉ nên áp dụng quy định đối với các doanh nghiệp nước ngoài mà không áp dụng chung cho tất cả các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, mục tiêu của quy định này là chống chuyển giá, tức là chuyển lợi nhuận ra nước ngoài. Vì vậy, các doanh nghiệp có công ty mẹ, công ty con cùng hoạt động tại Việt Nam thì không phải đối tượng chống chuyển giá. Các doanh nghiệp cho vay mượn qua lại giữa các thành viên cũng nên được loại ra khỏi phạm vi điều chỉnh. Đề nghị Chính phủ sớm tiếp tục nghiên cứu để ban hành Nghị định sửa đổi tổng thể, tạo điều kiện thuận lợi và công bằng cho các doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh, nhất là trong bối cảnh kinh tế gặp bất lợi do đại dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế toàn cầu như hiện nay.

Về 2 dự án công trình hồ chứa nước sông Than, tỉnh Ninh Thuận và Bản Mồng, tỉnh Nghệ An được Chính phủ trình tại kỳ họp này, đại biểu Bùi Thanh Tùng bày tỏ nhất trí cao với sự cần thiết, cần sớm tháo gỡ hành lang pháp lý để 2 công trình đầu tư công này sớm được hoàn thành, đưa vào sử dụng, đáp ứng nhu cầu cấp thiết để cung cấp nước cho đời sống sinh hoạt của nhân dân và hoạt động phát triển kinh tế ở các vùng còn nhiều khó khăn. Cả 2 dự án đều đã được sự đồng ý về chủ trương đầu tư và khởi công từ cách đây cả chục năm.

Qua kết quả khảo sát của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường trên thực tế, khối lượng thi công đã đạt trên 30%. Đặc biệt, khối lượng thi công các công trình đầu mối của Dự án hồ chứa nước Bản Mồng, tỉnh Nghệ An đã đạt được khoảng 90%. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, chính sách tái định cư và tạo sinh kế cho người dân ở các khu vực phải giải tỏa đều đã được các địa phương quan tâm, thực hiện chu đáo và đã có các giải pháp, công trình rất sáng tạo, linh hoạt để giảm thiểu nhiều nhất mức độ phải giải phóng mặt bằng. Diện tích rừng phòng hộ phải chuyển đổi đều là những diện tích bắt buộc để đảm bảo hiệu quả của công trình, tính chất của rừng phòng hộ phải chuyển mục đích cơ bản là rừng nghèo, rừng nghèo kiệt. Đồng thời, tất cả các địa phương phải chuyển đổi rừng đều đã có phương án, địa điểm, diện tích và bố trí ngân sách, tổ chức trồng rừng thay thế.

Đại biểu Bùi Thanh Tùng đồng tình với các đánh giá và các kiến nghị đối với Chính phủ đã được nêu trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đồng thời, đề nghị Quốc hội thông qua Nghị quyết về chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện 2 dự án hồ chứa nước trong kỳ họp này, để tạo điều kiện cho các công trình hồ chứa nước sớm được hoàn thành, phát huy tác dụng tích cực trong sự phát triển kinh tế - xã hội của các tỉnh khu vực miền Trung.

Hồ Hương