ĐBQH TRẦN THỊ HIỀN GÓP Ý VỀ KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ - XÃ HỘI VÀ ĐẦU TƯ CÔNG GIAI ĐOẠN 2016-2020

25/02/2021

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam tán thành nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, kết hợp hài hòa giữa ngành, lĩnh vực, đáp ứng định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, có nhiều giá trị để đảm bảo mục tiêu bền vững.

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam phát biểu tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV

Tham gia thảo luận về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội và đầu tư công giai đoạn 2016-2020, đại biểu Quốc hội Trần Thị Hiền, Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Nam nhận định, về đánh giá kết quả đầu tư công trung hạn, Chính phủ đã đánh giá toàn diện xây dựng hệ thống số liệu đo lường mức độ đạt và thẳng thắn chỉ rõ các chỉ tiêu chưa đạt và cả các chỉ tiêu chưa được đánh giá, bám sát yêu cầu của Luật Đầu tư công cũng như các nghị quyết của Quốc hội có liên quan. Điểm đổi mới nổi bật của đầu tư công giai đoạn vừa qua là từ hàng chục chương trình mục tiêu quốc gia, Quốc hội quyết định rút gọn và tích hợp thành 2 chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới và giảm nghèo bền vững. Một số chương trình mục tiêu quốc gia trước đây được chuyển thành chương trình mục tiêu do các bộ, ngành làm chủ chương trình với mức đầu tư được phê duyệt từ vài ngàn đến vài chục ngàn tỷ. Có bộ, ngành chỉ có một chương trình nhưng cũng có một số bộ, ngành chủ trì cùng một lúc 2, 3 chương trình với mục tiêu rất đa dạng, từ phát triển thủy sản, nông nghiệp, lâm nghiệp, phòng, chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, y tế, dân số phát triển, trợ giúp xã hội, lao động, việc làm. Bên cạnh những kết quả đạt được trong Báo cáo của Chính phủ đã minh chứng, thì nguyên nhân của hiệu quả đầu tư chưa cao. Điều đáng quan tâm là không ít chương trình, mục tiêu được phê duyệt chưa kịp thời như Chương trình mục tiêu ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 16.000 tỷ đồng được phê duyệt vào tháng 10/2017; Chương trình mục tiêu phát triển hạ tầng du lịch, tổng vốn đầu tư tối đa là 35.000 tỷ đồng được phê duyệt vào tháng 11/2017; Chương trình mục tiêu cấp điện nông thôn, miền núi, hải đảo, tổng vốn đầu tư khoảng 30.000 tỷ đồng, đến tháng 12/2018 mới phê duyệt. Theo Báo cáo của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chỉ cân đối được khoảng 53% nhu cầu vốn. Từ thực tế nêu trên, để nâng cao hiệu quả của các nguồn vốn trong đầu tư, Chính phủ cần quan tâm thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt là công tác lập kế hoạch đầu tư vốn ngân sách trung ương phải sát với tình hình thực tế của từng ngành, từng địa phương, vùng, miền. Dự án được giao kế hoạch vốn không được vượt so với nguồn vốn đủ điều kiện giải ngân. Cần quan tâm đến công tác giải phóng mặt bằng như đơn giá, phương án đền bù, di dời các công trình có liên quan trong vùng dự án đầu tư để người dân nhận tiền đền bù, yên tâm đến chỗ ở mới, ổn định cuộc sống; chú trọng chất lượng của các loại quy hoạch phải có tính liên kết đồng bộ, tránh gây lãng phí trong đầu tư công.

Về chủ trương đầu tư công giai đoạn tới, đại biểu tán thành nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công hợp lý, kết hợp hài hòa giữa ngành, lĩnh vực, đáp ứng định hướng lớn trong phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, có nhiều giá trị để đảm bảo mục tiêu bền vững. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nhấn mạnh thêm thành tố bền vững như một yếu tố cốt lõi để đảm bảo hiệu quả đầu tư công trên nền tảng phải duy trì được thành quả phát triển từ những giai đoạn trước, đủ để đầu tư đến đâu chắc chắn đến đó. Chúng ta rất ấn tượng với thành tích giảm nghèo từ 9,88%, đầu nhiệm kỳ đến nay chỉ còn 2,75%, nhưng không thể quên thực tế là tỷ lệ tái nghèo bình quân 4,09%. Hằng năm, tỷ lệ phát sinh hộ nghèo bằng 21,8%, số hộ thoát nghèo sắp tới khi thay đổi giá trị chuẩn nghèo, tỷ lệ hộ nghèo cả nước dự báo có thể quay về mốc cũ là trên 9%.

Những kết quả vượt trội của chương trình xây dựng nông thôn mới là rất đáng mừng, nhưng không thể thiếu giải pháp để bảo đảm duy trì và nâng cao hơn nữa hiệu quả cần cụ thể hơn về nguồn lực, nhất là các địa phương bị ảnh hưởng thiệt hại bởi thiên tai, dịch bệnh, trong đó cần lưu ý về tiêu chí môi trường, cần chú trọng việc đưa ra những giải pháp để bảo đảm được tiêu chí đạt chuẩn nông thôn mới bền vững.

Trước tình hình thiên tai, bão lũ thường xuyên xảy ra ở miền Trung, đại biểu Trần Thị Hiền cho rằng, để thực hiện mục tiêu phát triển nhanh và bền vững trong giai đoạn tới, trong chủ trương đầu tư công phải rất chú trọng cho các chương trình, dự án bảo đảm bền vững cho việc duy trì, phát triển thành quả phát triển từ giai đoạn trước. Cần đầu tư cho các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt là công tác di dời, tái định cư cho bà con sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, lũ quét. Đầu tư trang thiết bị chuyên dùng cho lực lượng làm công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn ở địa phương./.

Minh Hùng