ĐBQH TRẦN VĂN TIẾN CHẤT VẤN BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH VỀ VIỆC GIẢI QUYẾT DỨT ĐIỂM TÌNH TRẠNG SỬ DỤNG KHÔNG ĐÚNG MỤC ĐÍCH NHIỀU KHU ĐẤT TẠI ĐỊA PHƯƠNG

05/03/2021

Tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc đã có phiếu chất vấn đối với Bộ Tài chính về giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng: các địa phương có nhiều khu đất thuộc các cơ quan trung ương, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước quản lý nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích,…

Cơ bản đồng tình và đánh giá cao những giải pháp quyết liệt của Bộ Tài chính, đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, Bộ Tài chính cần tiếp tục rà soát và phối hợp chặt chẽ với các Bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn địa phương. Trong đó, đối với nhà đất không sử dụng hoặc sử dụng không đúng quy định phải kiên quyết chuyển giao về địa phương hoặc phối hợp với địa phương thu hồi nhằm quản lý hiệu quả, tiết kiệm tài sản công.

Đại biểu Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc

Phóng viên: Xuất phát từ thực tế nào, đại biểu lại nêu vấn đề chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính về giải pháp để giải quyết dứt điểm tình trạng: các địa phương có nhiều khu đất thuộc các cơ quan trung ương, tổng công ty Nhà nước quản lý nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích? 

Đại biểu Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Hiện nay tại các địa phương có rất nhiều khu đất thuộc các cơ quan trung ương, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước quản lý nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích như các kho lương thực cũ, trụ sở các cơ quan đóng trên địa bàn khi sáp nhập, chia tách đơn vị hành chính, xây dựng trụ sở mới do thay đổi quy mô, quy hoạch gây lãng phí tài nguyên đất đai, tài sản của Nhà nước và ảnh hưởng đến quy hoạch sử dụng đất của địa phương. Vì vậy, tôi đã có phiếu chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính, đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp gì để giải quyết dứt điểm tình trạng này. Đồng thời, đề nghị rà soát chuyển về địa phương quản lý để tránh lãng phí tài sản công.

Phóng viên: Ngay sau khi nhận được phiếu chất vấn, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có văn bản trả lời chất vấn. Vậy, đại biểu có đồng tình với nội dung trả lời tại văn bản?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Sau khi phiếu chất vấn của tôi gửi tới Bộ Tài chính thì Bộ trưởng đã có văn bản trả lời rất kịp thời. Nội dung trả lời của Bộ trưởng, tôi hoàn toàn nhất trí vì trong thời gian vừa rồi Bộ Tài chính cũng đã xử lý rất nhiều trường hợp đất của các cơ quan trung ương, của các bộ ngành đóng trên địa bàn các địa phương nhưng sử dụng không hiệu quả thì Bộ đã có giải pháp để thu hồi hoặc giao địa phương quản lý. Bộ trưởng cũng cho biết, trong thời tới Bộ sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ ngành ở trung ương và địa phương để rà soát toàn bộ những quỹ đất thuộc các cơ quan; bộ ngành trung ương đóng trên địa bàn sử dụng không hiệu quả để xử lý theo hướng: Một là, chuyển giao về địa phương; hai là, làm thủ tục thu hồi rồi giao cho địa phương quản lý.

Phóng viên: Đại biểu có đánh giá như thế nào đối với những giải pháp do Bộ trưởng nêu ra tại văn bản trả lời?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Các giải pháp của Bộ trưởng Bộ Tài chính đưa ra chúng tôi hoàn toàn nhất trí và đồng tình. Thứ nhất, bộ trưởng nêu cần phối hợp để rà soát lại toàn bộ quỹ đất, tài sản gắn liền với đất tại tất cả các địa phương nếu khu đất nào, tài sản nào mà sử dụng không đúng hoặc là không hiệu quả thì có giải pháp xử lý cụ thể. Thứ hai,  bộ cũng đưa ra giải pháp là bộ Tài chính sẽ phối hợp chặt chẽ với địa phương để làm thủ tục chuyển giao nhưng quỹ đất, tài sản gắn liền với đất mà sử dụng không hiệu quả hoặc là sử dụng không đúng mục đích, làm thủ tục thu hồi. Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg để đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật. Trong đó, tại mục 8 Chỉ thị quy định rõ: Bộ, cơ quan trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công để quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật; chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định; tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định. Việc quản lý, sử dụng tài sản công sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.

Phóng viên: Hiện nay vẫn tồn tại tình trạng tại các địa phương có nhiều khu đất thuộc các cơ quan trung ương, các tập đoàn tổng công ty Nhà nước quản lý nhưng không sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích,… gây lãng phí tài nguyên đất của địa phương. Vậy, đâu là khó khăn trong việc thực hiện thu hồi, thưa đại biểu?

Đại biểu Trần Văn Tiến, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Thời gian vừa qua, Bộ Tài chính đã rất quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công. Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Quyết định số 09 của Thủ tướng Chính phủ về sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý đối với 424 cơ sở nhà, đất tương đương  hơn 2.042.000 m2 đất và 178.483 m2 nhà. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn trong quá trình thu hồi, xử lý. Thứ nhất, là xác định được chủ quản lý lô đất đó cùng với cấp có thẩm quyền để xử lý. Thứ hai, là tìm kiếm được hồ sơ đất đối với khu đất này vì có khu đất đã chuyển đổi nhiều lần nên việc lần lại hồ sơ đất sẽ gặp khó khăn. Thứ ba, là các thủ tục về chuyển giao, bàn giao thu hồi cũng gặp phải rất khó khăn, vướng mắc trên thực tế tiến hành.  

 Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh