ĐBQH NGUYỄN TRƯỜNG GIANG THAM GIA Ý KIẾN VỀ KẾ HOẠCH ĐẦU TƯ CÔNG TRUNG HẠN GIAI ĐOẠN 2016-2020 VÀ GIAI ĐOẠN MỚI

22/03/2021

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, đai biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị trong nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công của giai đoạn tới cần tập trung đầu tư những công trình giao thông có sức lan tỏa lớn, đặt ra các mục tiêu cụ thể.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông phát biểu tại phiên họp

Tham gia ý kiến tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và giai đoạn mới, đại biểu Quốc hội Nguyễn Trường Giang, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong báo cáo về tình hình triển khai và kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2015-2020 của Chính phủ. Tuy nhiên, đại biểu cho biết, trong Báo cáo của Chính phủ mới chỉ báo cáo chi tiết về việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 71 về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và chi tiết về kết quả thực hiện Nghị quyết số 84 về phân bổ nguồn dự phòng mà chưa báo cáo chi tiết về việc phân bổ vốn đầu tư công trung hạn cả giai đoạn theo Nghị quyết 26 của Quốc hội. Vì vậy, để có cơ sở Quốc hội xem xét tổng thể kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công cả giai đoạn 2016-2020, đại biểu đề nghị cần báo cáo cụ thể, chi tiết hơn về việc phân bổ và giao kế hoạch đầu tư công giai đoạn từ khi Quốc hội thông qua Nghị quyết 26 đến thời điểm Quốc hội thông qua Nghị quyết 71.

Bên cạnh đó, qua xem xét nội dung báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết số 84 của Quốc hội, đại biểu cho rằng, để tạo thuận lợi cho Chính phủ điều hành việc phân bổ, giao kế hoạch vốn đầu tư công, Quốc hội đã cho phép Chính phủ chủ động thực hiện việc phân bổ, giao kế hoạch đầu tư công, nguồn vốn dự phòng và trên thực tế Chính phủ đã thực hiện theo Nghị quyết số 84 và trong thời gian vừa qua việc giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công đã có những chuyển biến rất tích cực. Tuy nhiên, khi nghiên cứu báo cáo của Kiểm toán nhà nước, cụ thể ở đây là báo cáo số 1140, về kết quả kiểm toán, phân bổ, quản lý và sử dụng dự phòng chung vốn ngân sách Trung ương trong nước còn lại của kế hoạch đầu tư công trung hạn và dự phòng 10% tại bộ ngành, địa phương theo Nghị quyết số 84. Kiểm toán nhà nước đã chỉ ra nhiều nội dung chưa đúng với Nghị quyết số 84 của Quốc hội, như chưa ưu tiên, bố trí đủ vốn thanh toán nợ, chưa ưu tiên bố trí cho các dự án dang dở trong danh mục, trong khi đã giao cho 153 dự án mới và 80 dự án chưa có trong danh mục. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần rà soát các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước và báo cáo Quốc hội cụ thể hơn về việc thực hiện các nhiệm vụ được Quốc hội giao theo Nghị quyết số 84. Đồng thời, giải trình rõ hơn về trách nhiệm của cá nhân, cơ quan trong việc chưa thực hiện nghiêm các quy định của Luật Đầu tư công, Nghị quyết số 84 của Quốc hội

Thứ hai, về kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Việc Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội kế hoạch vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 là để thực hiện quy định tại Điều 60 của Luật Đầu tư công và đại biểu cơ bản tán thành với nhiều nội dung trong kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Chính phủ dự kiến trong báo cáo. Theo quy định tại khoản 1 Điều 60 Luật Đầu tư công thì nội dung Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trình Quốc hội cho ý kiến phải có các nội dung theo quy định tại Điều 49 Luật Đầu tư công, với 7 nội dung. Tuy nhiên, qua rà soát trong báo cáo, đại biểu cho rằng trong kế hoạch còn thiếu 2 nội dung rất quan trọng. Đó là tổng mức vốn ngân sách trung ương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực dự kiến mức phân bổ cho từng bộ, cơ quan trung ương và mức vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương cho ngân sách từng địa phương. Đối với Báo cáo trình Quốc hội, tổng mức vốn của từng cơ quan, tổ chức được giao kế hoạch vốn đầu tư công sử dụng nguồn ngân sách địa phương chi tiết theo từng ngành, lĩnh vực và mức vốn bổ sung có mục tiêu cho ngân sách cấp dưới đối với báo cáo trình Hội đồng nhân dân các cấp.

Thứ hai, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn danh mục dự án và mức phân bổ vốn bố trí cụ thể cho từng dự án trong trung hạn phù hợp với khả năng cân đối vốn đầu tư công và khả năng huy động của các nguồn khác để thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ và định hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm. Việc chưa có danh mục dự án, mức vốn bố trí cụ thể cho từng dự án sẽ rất khó để Quốc hội xem xét, cho ý kiến. Đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn trong danh mục dự án, dự kiến kèm theo kế hoạch trình Quốc hội lần này, đa số các dự án đều là các dự án chuyển tiếp của giai đoạn 2016-2021 chuyển sang. Do đó, rất khó có thể xác định các dự án dự kiến cho giai đoạn 2021-2025 có đúng theo các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ theo Nghị quyết số 973 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quy định của Luật Đầu tư công mới được Quốc hội thông qua hay không. Vì vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần phải bổ sung các nội dung như trên. Để khắc phục những hạn chế mà báo cáo của Chính phủ đã chỉ ra, đó là việc kết nối giao thông giữa các vùng vẫn còn khó khăn, khoảng cách phát triển giữa các vùng miền còn lớn, đại biểu đề nghị trong nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư công của giai đoạn tới cần tập trung đầu tư những công trình giao thông có sức lan tỏa lớn, đặt ra các mục tiêu cụ thể.

Về tình hình thực hiện kế hoạch vốn đầu tư công năm 2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư công năm 2021, đại biểu đánh giá rất cao những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc triển khai đồng bộ các giải pháp để giải quyết sự việc chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công hằng năm. Sự chỉ đạo đó đã góp phần khắc phục được nhiều tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công hàng năm đã được Chính phủ báo cáo Quốc hội. Chính vì vậy, đại biểu thể hiện sự đồng tình với báo cáo của Chính phủ và kết quả thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2020. Đại biểu cho rằng cùng với việc Luật Đầu tư công mới được ban hành và Quốc hội cho phép Thủ tướng Chính phủ trong năm 2020 được giao kế hoạch đầu tư công theo tổng mức vốn cũng đã góp phần giảm nhiều những tồn tại, hạn chế trong việc triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công trong thời gian qua, tạo sự chủ động của cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương./.

Minh Hùng