ĐBQH CHÂU QUỲNH DAO KIẾN NGHỊ GIẢI PHÁP GIÚP ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ CÓ CƠ HỘI PHÁT TRIỂN

23/04/2021

Tại phiên thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang bày tỏ băn khoăn về một số bất cập trong việc chăm sóc sức khỏe, cải thiện chất lượng giáo dục, công tác đào tạo nghề tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời kiến nghị với Chính phủ một số giải pháp cụ thể.

Qua nghiên cứu báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chính phủ, đại biểu Châu Quỳnh Dao đánh giá cao những nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của cả nhiệm kỳ và đã đạt được những thành tựu hết sức ấn tượng.

Đại biểu Châu Quỳnh Dao – Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Đại biểu phản ánh, cử tri của vùng đồng bằng sông Cửu Long rất phấn khởi khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 120. Đến nay Nghị quyết đã từng bước đi vào đời sống, nhờ đó người dân Đồng bằng sông Cửu Long đã khắc phục phần nào những khó khăn do biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, đại biểu Châu Quỳnh Dao cũng bày tỏ băn khoăn, công tác phát triển chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số tuy đã đạt một số kết quả tích cực, nhưng việc chăm sóc sức khỏe, đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số vẫn còn nhiều hạn chế.

Nữ đại biểu đoàn Kiên Giang cho rằng, để phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nước nhà, giai đoạn đầu đời cần đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng cho trẻ, giúp cải thiện sức khỏe, tầm vóc, phát triển trí não, tăng cường khả năng học tập. Tuy nhiên, theo báo cáo của UNICEF và Ngân hàng Thế giới năm 2019, có gần 1/3 trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thiếu dinh dưỡng ở thể thấp còi, con số này cao hơn gấp 2 lần so với trẻ em dân tộc Kinh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến khả năng phát triển về trí lực, khả năng học tập mà còn ảnh hưởng đến năng suất lao động sau này.

Theo một số chuyên gia đánh giá, việc ảnh hưởng đến năng suất lao động sẽ giảm 10% tổng mức thu nhập suốt đời của một cá nhân, còn trên quy mô cả nước sẽ giảm 3% GDP hàng năm.

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, nguyên nhân là do đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn, việc tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất còn khó khăn và kiến thức về chăm sóc, nuôi dạy trẻ em cũng còn hạn chế.

Vấn đề thứ hai được đại biểu Châu Quỳnh Dao phản ánh, đó là chất lượng giáo dục dân tộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn thấp dù đã nỗ lực so với mặt bằng chung của cả nước. Mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học dù đã được tăng cường, chế độ giáo viên cũng được quan tâm nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Đáng quan tâm hơn là tỷ lệ học sinh bỏ học ở cấp trung học cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi mặc dù đã giảm theo từng năm, tuy nhiên hiện vẫn còn hàng nghìn trẻ em dân tộc thiểu số miền núi phải bỏ học, trong đó cao nhất ở vùng Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Nguyên nhân một phần là do rào cản ngôn ngữ và khoảng cách địa lý, nhưng theo khảo sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội, nguyên nhân chủ yếu là do hoàn cảnh kinh tế khó khăn, chiếm tới 45,5% số trường hợp. Hệ lụy là các em sẽ khó có được kiến thức, kỹ năng trọn vẹn, dễ sa vào tệ nạn xã hội, quan trọng hơn là trong tương lai các em khó có cơ hội tiếp cận những ngành nghề đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, do đó các em sẽ có thu nhập thấp, đời sống bấp bênh, tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Thứ ba, đại biểu Châu Quỳnh Dao cho rằng, công tác đào tạo nghề đã có nhiều đổi mới, nhưng vẫn chưa khắc phục được, dù đã có chính sách miễn phí cho đồng bào dân tộc ít người nhưng nội dung đào tạo đôi khi chưa đáp ứng được nhu cầu và nguyện vọng. Nội dung đào tạo còn cứng nhắc, chủ yếu xoay quanh 2 lĩnh vực là chăn nuôi, trồng trọt, phương pháp chủ đạo là giảng bài kiểu truyền thống, dùng ngôn ngữ phổ thông là chủ yếu nên khó thu hút đông đảo thanh niên dân tộc thiểu số tham gia.

Theo đại biểu Châu Quỳnh Dao, việc thực hiện chính sách ưu tiên trong đãi ngộ, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số vẫn còn có những bất cập. Hiện nay nhiều sinh viên cử tuyển ra trường chưa có việc làm, nguyên nhân dễ thấy nhất là việc chưa giải quyết được mối quan hệ giữa đào tạo và quy hoạch, nhiều địa phương có nhu cầu tuyển nhưng số lượng biên chế không cho phép, đặc biệt nữa là do sự kết nối chính trị nên cơ hội để tiếp cận các vị trí việc làm cũng là rất khó.

Trên thực tế, tỷ lệ cán bộ nguồn nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ vẫn còn thấp, trình độ sơ cấp, trung cấp chưa qua đào tạo trong cơ quan cấp tỉnh chỉ đạt 50%, cấp huyện chỉ đạt 80%.

Những bất cập này nếu như chúng ta không đề ra giải pháp một cách thỏa đáng thì khó mà thực hiện được khâu đột phá trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2030 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII cũng đã xác định, đó là về nguồn lực con người. Và nếu như không giải quyết được nhu cầu bức thiết này thì chúng ta sẽ không thực hiện được vấn đề đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững không chỉ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số mà đối với cả nước”, đại biểu phân tích.

Từ thực tiễn trên, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị y tế, cải thiện chất lượng y tế cấp huyện, cơ sở, cơ chế đãi ngộ lực lượng y, bác sĩ công tác tại vùng này. Thực hiện tốt việc chăm sóc thai sản, nuôi dạy trẻ nhỏ; tăng cường công tác tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ y tế. Nhất là nhân rộng mô hình dự án nông nghiệp dinh dưỡng trong đồng bào dân tộc thiểu số nhằm mở rộng phát triển sản xuất, cải thiện chế độ dinh dưỡng hằng ngày cho trẻ em và người lớn vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần phân bổ nguồn lực hợp lý và thực hiện tốt tiểu đề án về giáo dục đào tạo trong đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Phát huy vai trò trách nhiệm của gia đình, môi trường, cộng đồng dân cư trong việc tuyên truyền, vận động mọi người đều chăm lo tiếp sức đến trường.

Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã quán triệt rất rõ mục tiêu làm sao khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước đến từng người dân, cơ sở, đồng nghĩa với việc khơi dậy được động lực, tinh thần và quyết tâm cao của từng cá nhân.

Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số không gì khác hơn là chính bản thân người đồng bào dân tộc thiểu số phải nuôi dưỡng khát vọng, phải nuôi dưỡng ý chí tự lực, tự cường để vượt qua những khó khăn, thách thức trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, đại biểu Châu Quỳnh Dao nhấn mạnh.

Hồ Hương