ĐBQH HOÀNG VĂN CƯỜNG: CẦN SỬ DỤNG CÁC TỔ CHỨC KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP

06/05/2021

Thảo luận về Báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội kiến nghị, cần sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán để vừa tiết kiệm nhân sự bộ máy, vừa thực hiện được cơ chế giám sát trên - dưới độc lập, khách quan hơn.

Đồng tình với Báo cáo của Kiểm toán nhà nước và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách về kết quả hoạt động nhiệm kỳ 2016-2021 của Kiểm toán nhà nước, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ, qua 5 năm, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý trên 350.000 tỷ đồng, gấp 3,5 lần kiến nghị của giai đoạn 2011-2015, trong khi ngân sách nhà nước chi tiêu của giai đoạn 2016-2021 chỉ gấp khoảng 1,4 lần so với giai đoạn 2011-2015. Điều đó cho thấy hiệu quả của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2016-2021 đã tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra tăng lên 45% trong khi nhiệm kỳ vừa qua kiểm soát chống tham nhũng rất tốt, do vậy số vi phạm không tăng trong khi số phát hiện kiểm toán lại tăng lên so với giai đoạn trước.

Điều này chứng tỏ bản lĩnh kiên định của kiểm toán là rất cao trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng”, đại biểu Hoàng Văn Cường khẳng định.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đánh giá, thành công của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của cơ quan kiểm toán. Những buổi thảo luận, tranh luận tại hội trường, có những số liệu cụ thể để đưa ra tranh luận về biểu hiện của thất thoát, tham nhũng đều phải dựa trên số liệu của kiểm toán.

Do vậy, đại biểu Hoàng Văn Cường cho biết ông đánh giá rất cao những thành quả đã đạt được của kiểm toán, thể hiện tính chất thẳng thắn, cương trực và bản lĩnh của kiểm toán trong nhiệm kỳ vừa qua.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng cho rằng hiệu lực thực hiện kiểm toán vẫn còn thấp khi kết quả thực hiện kiến nghị kiểm toán về mặt tài chính chỉ đạt được 73,6%, kiến nghị, xử lý các văn bản chỉ đạt 17,3%.

Vấn đề đặt ra ở đây chúng ta cần phải xem xét lại thật kỹ nguyên nhân có phải là do chất lượng kiến nghị chúng ta chưa đủ thuyết phục để các cơ quan hay là vì hiệu lực của kiến nghị đó không được thực thi”, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu ý kiến, đồng thời đề nghị, nếu như vì hiệu lực thì cơ quan kiểm toán cần có kiến nghị với Quốc hội, vì vấn đề này đã trở thành luật là phải thực hiện.

Bên cạnh đó, nước ta chưa thực hiện được kiểm toán 100% các báo cáo tài chính của những cơ quan, tổ chức nhà nước thuộc diện phải kiểm toán hằng năm. Đại biểu nhận định, nguyên nhân một phần do lực lượng kiểm toán hiện nay mới chỉ đảm bảo được 78% số lượng biên chế. Do vậy, ông đề nghị cần sử dụng các tổ chức kiểm toán độc lập để tham gia vào quá trình kiểm toán như các nước khác đang làm. Theo đại biểu, sử dụng kiểm toán độc lập sẽ vừa tiết kiệm được nhân sự bộ máy, vừa thực hiện được một cơ chế giám sát trên - dưới và mang tính chất độc lập, khách quan hơn.

Song song với đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị phải tăng cường sử dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán. Luật Kiểm toán cũng đã cho phép kiểm toán được quyền truy cập, khai thác các dữ liệu điện tử. Tuy nhiên trên thực tế, kiểm toán rất khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu, khi mà có những cơ quan bị kiểm toán cố tình kéo dài thời gian để làm sao hết thời gian kiểm toán cơ quan kiểm toán chưa có đủ tài liệu. Nếu áp dụng dữ liệu điện tử thì việc này sẽ không còn xảy ra nữa, đồng thời tạo ra được các thông tin thực sự khách quan, không phụ thuộc vào yếu tố chủ quan của người cung cấp, cũng như cá nhân cán bộ kiểm toán.

Để thực hiện việc này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị cần phải đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm cho tất cả các lĩnh vực trong kỳ tới. Cơ quan kiểm toán phải đặt mục tiêu hay nhiệm vụ phải thực hiện chức năng kiểm toán hoạt động chuyển đổi số nói chung, trong đó cơ quan kiểm toán phải đi đầu.

Về việc công khai kết luận kiểm toán, đại biểu Hoàng Văn Cường chỉ rõ, Luật Kiểm toán đã quy định rất rõ tất cả những kết luận kiểm toán phải được công khai trên các hệ thống thông tin để mọi người được tiếp cận. Tuy nhiên trên thực tế, để tiếp cận được các báo cáo kiểm toán là vô cùng khó khăn. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải thực hiện tốt quy định về công khai các báo cáo kiểm toán.

Ngoài ra, trong báo cáo của cơ quan kiểm toán có kiến nghị nâng cấp trường đào tạo, bồi dưỡng kiểm toán thành Học viện Kiểm toán. Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, đây là vấn đề cần phải cân nhắc thật kỹ, vì chưa chắc nâng cấp thành lập Học viện Kiểm toán sẽ đào tạo tốt hơn. Theo đại biểu, để có 1 kiểm toán viên tốt không phải chỉ có nghiệp vụ đơn thuần về kiểm toán mà đòi hỏi phải có các kiến thức tổng hợp về các lĩnh vực khác.

Liên quan đến kiểm soát chất lượng kiểm toán, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu rõ, báo cáo Kiểm toán nhà nước cho biết đã thực hiện kiểm soát chất lượng kiểm toán theo 5 cấp độ và thể hiện tính chất kiểm soát này khá chặt chẽ. Tuy nhiên đại biểu cho rằng việc này vẫn chưa đủ để đảm bảo tính độc lập trong kiểm soát về chất lượng kiểm toán.

Do vậy đại biểu đề nghị cần phải có một quy định rõ ràng hơn về kiểm soát chất lượng kiểm toán, cụ thể nên giao Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội kiểm soát chất lượng kiểm toán. Đại biểu gợi ý thêm, Ủy ban có thể thuê những tổ chức kiểm toán độc lập như kiểm toán quốc tế để thực hiện kiểm toán lại các hoạt động cần thiết của Kiểm toán nhà nước.

Hồ Hương