ĐBQH THẠCH PHƯỚC BÌNH ĐỀ NGHỊ PHÁT HUY HƠN NỮA TÍNH PHẢN BIỆN TRONG CÔNG TÁC THẨM TRA

20/05/2021

Phát biểu thảo luận tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh thống nhất cao với Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Quốc hội, đồng thời tham gia một nội dung nhằm nâng cao chất lượng công tác lập pháp của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban Quốc hội trong thời gian tới.

Về cơ cấu tổ chức của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình chỉ rõ, từ khi thành lập, số lượng các Ủy ban Quốc hội được tăng cường hơn với nhiều lần chia tách, thành lập mới một số Ủy ban như: tách Ủy ban Pháp luật thành Ủy ban Pháp luật và Ủy ban Tư pháp; tách Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thành Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tài chính và Ủy ban Ngân sách. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn một số Ủy ban có phạm vi hoạt động quá rộng nên khó khăn trong việc bao quát toàn bộ cũng như chuyên sâu một số lĩnh vực, hay các vấn đề liên quan đến hoạt động lập pháp và giám sát.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Đại biểu Thạch Phước Bình nêu dẫn chứng về lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường, trong khi Chính phủ có tới 2 Bộ chuyên ngành để quản lý gồm: Bộ Khoa học Công nghệ và Bộ Tài nguyên Môi trường thì Quốc hội chỉ có một Ủy ban là Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Đại biểu đoàn Trà Vinh cho rằng, 3 lĩnh vực khác nhau mà gom về một Ủy ban thì khối lượng công việc rất lớn, rất khó chuyên sâu.

Về cơ cấu thành phần của các Hội đồng dân tộc và các Ủy ban, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, hiện nay hầu hết các thành viên của các cơ quan này là các đại biểu kiêm nhiệm, không chuyên trách. Đã là đại biểu không chuyên trách thì công việc chính là công việc chuyên môn, vì vậy, việc tham gia vào công tác lập pháp, giám sát, kiểm tra của Hội đồng dân tộc và các Ủy ban là có chất lượng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng, một mặt nào đó hiệu quả vẫn chưa thực sự cao, có thể nói rất hạn chế, ảnh hưởng tới hoạt động và đặc biệt là công tác giám sát của các Ủy ban.

Bên cạnh đó, chỉ khoảng 30% đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, như vậy 70% là đại biểu không chuyên trách, bên cạnh đó, nhiều đại biểu Quốc hội nằm trong cơ quan hành pháp và tư pháp, điều này một phần cũng ảnh hưởng.

Về hoạt động thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, đại biểu Thạch Phước Bình phản ánh, có những trường hợp gửi hồ sơ chậm nhưng không thể không thẩm tra. Do đó, để khắc phục quyết liệt việc này, đại biểu đề nghị gửi trước 20 ngày để các đại biểu có thời gian tập trung nghiên cứu.

“Nếu nghiên cứu không nhiều, một số đại biểu không hiểu sâu nên không thể góp ý. Do đó, tôi đề nghị thời gian tới cần quan tâm hơn và có giải pháp đối với vấn đề này”, đại biểu nêu ý kiến.

Từ những phân tích trên, đại biểu Thạch Phước Bình đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, đối với cơ cấu tổ chức hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội, đề nghị nghiên cứu tổ chức số lượng Ủy ban của Quốc hội hợp lý, khoa học, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

Thứ hai, đề nghị Quốc hội tiếp tục nghiên cứu chia tách một số Ủy ban thành các Ủy ban chuyên sâu hơn. Ví dụ: Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trường có thể tách thành Ủy ban Khoa học Công nghệ và Ủy ban Tài nguyên Môi trường để các Ủy ban này có điều kiện làm việc chuyên sâu vào lĩnh vực tương ứng với các Bộ, ngành của Chính phủ. Theo đại biểu, trước mắt mỗi Ủy ban nên chủ động tổ chức các bộ phận, nhóm đại biểu chuyên trách, nhóm đại biểu Quốc hội có chuyên môn sâu về cùng lĩnh vực hoặc chủ động thành lập các tiểu ban, khi cần thiết có thể phát huy thế mạnh của mỗi đại biểu Quốc hội cũng như huy động được hiệu quả sự tham gia của các chuyên gia giỏi, nhà khoa học am hiểu sâu sắc các lĩnh vực của Ủy ban.

Đại biểu Thạch Phước Bình cũng đề nghị Quốc hội nghiên cứu về việc thành lập hay tái thành lập thiết chế Ủy ban lâm thời; đồng thời về lâu dài cần xem xét thực hiện chia tách như đề xuất ở trên để các Ủy ban không tăng biên chế, không tăng thêm số lượng đại biểu Quốc hội hay biên chế bộ phận giúp việc. 

Thứ ba, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lập pháp của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị trong điều kiện đặc thù nước ta hiện nay cần cơ cấu số lượng hợp lý đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách là thành viên của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội, để những đại biểu này dành toàn bộ thời gian làm việc cho Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, hướng tới tỷ lệ đại biểu Quốc hội chuyên trách ở các Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban đạt từ 50% trở lên.

Thứ tư, đối với công tác thẩm tra, đại biểu đề nghị phát huy hơn nữa tính phản biện, đặc biệt là trong việc đánh giá tác động. Theo đại biểu, trong thời gian qua, có một số dự án luật được đánh giá tác động chưa sâu, do đó khi đưa ra chưa được xã hội và người dân đón nhận.

Hồ Hương