ĐBQH NGUYỄN QUỐC BÌNH: CẦN TIẾP TỤC THÁO GỠ KHÓ KHĂN CHO SẢN XUẤT KINH DOANH

26/05/2021

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, bên cạnh những thành công trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế chính sách mạnh hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cụ thể là người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ đại dịch.

Nhất trí cao với Báo cáo tổng kết công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nhận định, trong nhiệm kỳ vừa qua, Chính phủ đã chủ động, tích cực, quyết liệt trong điều hành theo tinh thần kiến tạo, phát triển, liêm chính, hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp. Với tiến trình đó, Chính phủ đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội phát biểu tại Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV. 

Theo đại biểu Nguyễn Quốc Bình, công tác xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đã được tập trung triển khai. Nhiệm kỳ vừa qua, rất nhiều luật trình Quốc hội thông qua đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật và đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Tuy nhiên, đại biểu cũng cho rằng, văn bản quy định chi tiết vẫn còn chậm ban hành, dẫn đến việc thực thi pháp luật chậm đi vào cuộc sống. Việc triển khai thực hiện một số luật còn vướng mắc, ví dụ như Luật Quy hoạch. Mặc dù Chính phủ đã chủ động đề xuất với Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải thích pháp luật để tháo gỡ những vướng mắc trong việc triển khai thi hành luật, nhưng các địa phương, các ngành vẫn đang gặp khó khăn, vướng mắc dẫn đến chậm tiến độ khi lập kế hoạch.

Chẳng hạn, việc đang triển khai lập quy hoạch điện 8 còn gặp rất nhiều ý kiến phản ánh bất cập tại địa phương. Hoặc như Luật Cạnh tranh, Ủy ban Cạnh tranh quốc gia chưa thành lập theo quy định của luật nên chưa thể triển khai thực hiện các quy định của luật. Đến nay Luật Đầu tư và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư PPP vẫn chưa được ban hành văn bản hướng dẫn, v.v..”, đại biểu Nguyễn Quốc Bình nêu một số dẫn chứng cho nhận định trên.

Theo đại biểu Đoàn Hà Nội, bên cạnh những thành công trong việc đối phó với đại dịch Covid-19, Chính phủ cần tiếp tục có cơ chế chính sách mạnh hơn để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, cụ thể là người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp từ đại dịch. Đây không chỉ là các gói hỗ trợ, giúp đỡ tháo gỡ khó khăn mà còn là giải pháp phục hồi phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, các đối tượng người lao động và doanh nghiệp vừa và nhỏ còn gặp khó khăn, chậm trễ trong tiếp cận những gói hỗ trợ của Chính phủ.

Bên cạnh đó, ngành công nghiệp hỗ trợ mặc dù đã được Chính phủ quan tâm nhưng vẫn chưa phát triển. Có thể nói là chưa hình thành được ngành công nghiệp hỗ trợ thực sự mà mới chỉ dừng ở khâu lắp ráp là khâu trung chuyển đầu vào sản phẩm của nội bộ các tập đoàn nước ngoài hoặc phục vụ xuất khẩu, chưa tạo ra được giá trị gia tăng, chưa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị Chính phủ cần có giải pháp mạnh mẽ, thiết thực hơn nữa để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ làm tiền đề phát triển cho công nghiệp trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu cũng đưa ra nhận định, Chính phủ đã tập trung chỉ đạo xử lý tồn tại, yếu kém của 12 dự án doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả ngành Công Thương, đến nay đã đưa 3/12 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý. “Tuy nhiên, việc xử lý vẫn còn chậm. Đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp xử lý, đưa ra thời hạn rõ ràng, không để việc xử lý kéo dài, gây mất thời gian và lãng phí nguồn lực của nhà nước. Bên cạnh đó, tốc độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước còn chậm, không đạt tiến độ. Đề nghị Chính phủ tiếp tục có những giải pháp tháo gỡ để thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn doanh nghiệp nhà nước được thực hiện theo đúng kế hoạch đề ra”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình cho rằng, việc xã hội hóa đầu tư là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, theo đó Luật PPP đã được Quốc hội thông qua. Dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông ban đầu đầu tư theo phương thức PPP, tuy nhiên thực tế 8 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đã chuyển đổi thành hình thức đầu tư từ phương thức PPP sang đầu tư công. Theo đại biểu, giai đoạn tới nếu các dự án đầu tư quan trọng khác mà không triển khai thực hiện theo phương thức PPP thì nguồn lực đầu tư không đáp ứng được yêu cầu phát triển, do vậy đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp hiệu quả để thu hút được các dự án theo phương thức đầu tư PPP, theo quy định của Luật PPP đã ban hành.

Việt Nam được đánh giá là có chi phí logistics khá cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của nền kinh tế, mặc dù Chính phủ đã có nhiều giải pháp để giảm chi phí logistics nhưng một trong những giải pháp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành dịch vụ logistics là cần hoàn thiện xây dựng đường sắt tốc độ cao tới đây, vì đường sắt tốc độ cao có ưu điểm lớn trong việc giảm chi phí logistics, tuy nhiên chưa được đầu tư. Do vậy, đại biểu Nguyễn Quốc Bình đề nghị Chính phủ cần có giải pháp giảm chi phí logistics bằng việc đầu tư hạ tầng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong nhiệm kỳ tới.

Đại biểu Nguyễn Quốc Bình phản ánh, nhiệm kỳ này nước ta đã gia nhập nhiều hiệp định thương mại tự do với các nước, do đó đã xuất hiện hành vi gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan của hàng hóa có xuất xứ Việt Nam, làm ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta khi các nước nhập khẩu áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Do vậy, đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt phòng, chống gian lận xuất xứ hàng hóa xuất khẩu.

Hồ Hương