GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN XÁC ĐỊNH KHỐI LƯỢNG KIẾN THỨC VĂN HÓA PHÙ HỢP TRONG TRƯỜNG NGHỀ

10/06/2021

Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Một trong những điểm mới của Luật là cho phép các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa. Tuy nhiên, hiện nay, tất cả đều phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy văn hóa trong các trường nghề.

Đào tạo Hệ 9+: Mỏi mòn chờ Hướng dẫn từ Bộ GD&ĐT

Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hoá được thành lập theo Quyết định số 1985/2006/QĐ-BLĐTBXH ngày 29/12/2006 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trên cơ sở nâng cấp từ trường Kỹ thuật Công nghiệp Thanh Hoá, trực thuộc UBND tỉnh Thanh Hoá. Hơn 50 năm xây dựng và trưởng thành trường đã trở thành một trung tâm đào tạo lực lượng lao động kĩ thuật lành nghề phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Khi quyết định học tại đây, tất cả các em đều xác định khi ra trường sẽ có 2 bằng, bằng văn hóa và bằng Trung cấp nghề để sớm có việc làm và tự lập.

Học sinh Nguyễn Xuân Cường, lớp 11, hệ 9+, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa chia sẻ, lý do chọn trường nghề vì vừa khi tốt nghiệp vừa được bằng nghề vừa được bằng văn hóa. Thay vì phải kéo dài thời gian học tập với 3 năm trung học phổ thông (THPT) và 2 - 4 năm cao đẳng hay đại học thì chỉ sau 3 năm vừa học văn hóa, vừa học nghề, có thể tham gia vào thị trường lao động.

Học sinh Nguyễn Xuân Cường, lớp 11, hệ 9+, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa 

Để đáp ứng được yêu cầu giảng dạy, nhà trường đã bố trí một khu giảng đường riêng với đầy đủ phòng học, phòng chức năng và tuyển 50 giáo viên, mua sắm trang thiết bị để phục vụ giảng dạy văn hóa cho hơn 1.200 học viên hệ đào tạo 9+. Tuy nhiên, Bộ GD&ĐT quy định, từ năm học 2021 - 2022, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ không được tuyển sinh vào lớp 10 giáo dục thường xuyên (GDTX) hệ THPT. Việc dừng dạy văn hóa tại đây sẽ đẩy nhiều giáo viên đã giảng dạy lâu năm tại nhà trường vào cảnh có nguy cơ thất nghiệp và lãng phí cơ sở vật chất.

Theo cô giáo Hoàng Thị Thủy, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, khi có thông tin dừng dạy văn hóa trong trường nghề, giáo viên dạy văn hóa ở trường nghề tâm trạng rất lo lắng, không biết là bố trí công việc ra sao và cả phía các em học sinh cũng rất là băn khoăn mặc dù rất muốn học văn hóa tại trường nhưng lại phải quay về trung tâm văn hóa GDTX ở huyện. Nếu quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho cả phụ huynh, học sinh và giáo viên.

Cô giáo Hoàng Thị Thủy, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa

Nhằm tháo gỡ những bất cập trong việc tổ chức dạy văn hóa trung học phổ thông cho người học trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng như giải quyết các kiến nghị của các Bộ, ngành có liên quan. Ngày 08/4 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 76/TB-VPCP thông báo Kết luận của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp về việc cấp bằng tốt nghiệp trung học cơ sở cho các học viên Học viện Múa Việt Nam giảng dạy văn hóa THPT trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Theo đó, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã và đang tổ chức giảng dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT thì vẫn được tiếp tục thực hiện. Kết luận này hiện đang được rất nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp và dư luận đồng tình ủng hộ.

Bà Hoàng Thị Thủy, Giáo viên môn Văn, Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa cho biết, chúng tôi rất vui mừng vì các cấp lãnh đạo đã lắng nghe, thấu hiểu để chúng tôi có cơ hội tiếp tục cống hiến và cũng như tạo điều kiện cho các em học sinh được tiếp tục học tập ổn định.

Tại khoản 1 Điều 44 Luật Giáo dục 2019 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2020 có qui định rõ: "Giáo dục thường xuyên được thực hiện tại cơ sở giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở văn hóa, tại nơi làm việc, cộng đồng dân cư, qua phương tiện thông tin đại chúng và phương tiện khác".

Bên cạnh đó, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Giáo dục 2019 có quy định: người học tốt nghiệp trung học cơ sở đi học trình độ trung cấp, có thể học thêm văn hóa trung học phổ thông để liên thông lên trình độ cao hơn; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có trách nhiệm ban hành thông tư quy định về khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông người học phải tích lũy.

Mặc dù Thủ tướng chính phủ đã ban hành chỉ thị Số 24/CT-TTg ngày 28/5/2020, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo phải ban hành nội dung này trong Quý III/2020. Tuy nhiên, đã gần hết quí II năm 2021 nhưng Bộ GD&ĐT vẫn chưa ban hành được thông tư qui định khối lượng kiến thức văn hóa THPT và hướng dẫn việc dạy học, cấp giấy chứng nhận đủ khối lượng kiến thức văn hóa THPT trong các cơ sở GDNN. Chính vì sự chậm trễ này đã khiến cho các cơ sở GDNN và người học vẫn phải “dài cổ” mỏi mòn chờ đợi trong khi một kỳ tuyển sinh mới đang cận kề.

Quy định khối lượng kiến thức văn hóa trung học phổ thông trong trường nghề

Những năm gần đây, Bộ chính trị, Chính phủ đã ban hành hàng loạt các Chỉ thị, Quyết định đặt mục tiêu đến năm 2025: "Phấn đấu ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp; ít nhất 45% học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng". Từ những chính sách này mà những năm gần đây, số lượng học sinh đi học nghề ngày càng tăng, đặc biệt là nhu cầu vừa học nghề vừa học văn hóa tăng cao, chiếm trên 90% học sinh học tại các trường trung cấp nghề. Đây là một tín hiệu đáng mừng, cho thấy chủ trương phân luồng của Đảng và Chính phủ là đúng hướng và hợp với nhu cầu của người dân. Điều này sẽ góp phần tích cực giải bài toán "thừa thầy, thiếu thợ" nhức nhối nhiều năm qua. Tuy nhiên, sự chậm trễ trong ban hành Thông tư hướng dẫn của Bộ GD&ĐT vẫn đang là nút thắt cần sớm được tháo gỡ.

Về vấn đề này, đại biểu Đoàn Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương cho rằng, Bộ GD&ĐT phải khẩn trương ban hành được những quy định cụ thể để các trường áp dụng. Khi ban hành quy định cụ thể thì Bộ GD&ĐT nên có sự thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi vì dạy văn hóa thì Bộ GD&ĐT quản lý nhưng các trường nghề lại do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Chính vì vậy, hai bộ phải có sự thống nhất, phối hợp chặt chẽ để xác định khối lượng kiến thức văn hóa dạy trong các trường nghề như thế nào cho phù hợp.

Đại biểu Đoàn Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Thưa Đại biểu, Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2020, trong đó có điểm mới đó là cho phép các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa. Theo Đại biểu thì điểm mới này sẽ có tác động tích cực như thế nào đối với các em học sinh?

Đại biểu Đoàn Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Có thể nói, một trong những điểm mới quan trọng trong Luật Giáo dục (sửa đổi) là cho phép các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy văn hóa. Quy định này đã tạo thuận lợi và nhiều cơ hội lựa chọn cho các em học sinh.

Trước đây, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chỉ được dạy nghề không được dạy văn hóa, chính vì vậy nếu học sinh  mà học nghề mà muốn học tiếp tục văn hóa thì có trường hợp các em phải chấp nhận học văn hóa ở một cơ sở khác thậm chí có những nơi các em phải đi xa hơn rất là nhiều. Bất cập này cũng ảnh hưởng đến thời gian học nghề. Ngoài ra, việc quản lý học sinh rất là khó khăn khi mà học nghề một nơi học văn hóa một nơi. Còn nếu không thì các em phải đợi khi học hết THPT sau đó các em mới đi học nghề.

Chính vì vậy, với sửa đổi lần này, học sinh có thêm rất nhiều chọn lựa và số lượng học sinh chọn trường học nghề sẽ nhiều hơn và nếu như chọn học nghề các em lại song song được học văn hóa thì thời gian đào tạo sẽ rút ngắn lại. Điều này rất có lợi không những chỉ cho bản thân học sinh, gia đình học sinh mà bản thân các trường nghề cũng sẽ thu hút được nhiều học sinh hơn. Bên cạnh đó, việc quản  lý học sinh khi vừa học văn hóa vừa học nghề cũng dễ dàng hơn rất là nhiều đối với cơ sở đào tạo.

Phóng viên: Luật thì đã có hiệu lực từ lâu, cùng với đó là lợi ích của điểm mới này là rất lớn. Thế nhưng, hiện nay, tất cả các trường đều phải chờ hướng dẫn của Bộ GD&ĐT về dạy văn hóa trong các trường nghề. Quan điểm của Đại biểu như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Đoàn Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Khi Luật Giáo dục (sửa đổi) đã có hiệu lực từ 1/7/2020 mà cho đến nay vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể của Bộ Giáo dục và Đào tạo thì có thể thẳng thắn khẳng định, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã quá chậm trễ khi gần 1 năm học trôi qua nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Trong khi đó, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, các cơ quan soạn thảo khi trình dự án luật trong hồ sơ phải soạn thảo luôn các văn bản hướng dẫn thi hành.

Hiện nay, luật đã được ban hành và có hiệu lực nhưng quy định cụ thể thì chưa có, sẽ gây khó khăn rất là nhiều cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Bên cạnh đó, trên thực tế  nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp rất mong mỏi văn bản hướng dẫn và thậm chí đã chuẩn bị rất kỹ lưỡng, sẵn sàng để dạy văn hóa. Tuy nhiên, các trường nghề vẫn chưa biết Bộ GD&ĐT hướng dẫn như thế nào và chính các em học sinh cũng rất là thiệt thòi. Nếu đúng thời gian có hiệu lực, quy định mới đã được áp dụng ngay từ đầu năm học tuy nhiên đến thời điểm này vẫn phải chờ hướng dẫn.

Tôi cho rằng, đây là sự chậm trễ rất là đáng tiếc của Bộ GD&ĐT, kiến nghị trong thời gian tới sự chậm trễ này sẽ sớm được Bộ khắc phục để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho các trường nghề cũng như các em học sinh được áp dụng quy định mới.

Phóng viên: Để tháo gỡ khó khăn cho các trường nghề cũng như để các em học sinh được yên tâm lựa chọn hình thức học tập hiệu quả cho mình. Theo Đại biểu thì Bộ GD&ĐT cần phải thực hiện giải pháp căn cơ gì trong thời gian tới?

Đại biểu Đoàn Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Trong thời gian tới, để khắc phục tình trạng này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo GD&ĐT cần khẩn trương ban hành Thông tư hướng dẫn để các trường nghề có cơ sở áp dụng. Đồng thời, khi ban hành quy định cụ thể thì Bộ GD&ĐT nên có sự thống nhất với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội bởi vì dạy văn hóa thì Bộ GD&ĐT quản lý nhưng các trường nghề lại do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý. Chính vì vậy, nên hai bộ phải có sự thống nhất, với nhau để xác định khối lượng kiến thức văn hóa dạy trong các trường nghề như thế nào cho phù hợp. Chúng ta không thể coi các trường nghề đào tạo văn hóa như các trường dạy phổ thông bình thường được. Do đó, việc xác định khối lượng văn hóa, khối lượng kiến thức cần thiết để dạy cho học sinh học nghề là như thế nào cho phù hợp là vô cùng quan trọng.

Bên cạnh đó, cũng phải có sự khảo sát hết sức tỉ mỉ để phân luồng học sinh. Bởi vì, có những học sinh cũng chỉ cần tốt nghiệp trường nghề và có tốt nghiệp văn hóa nhưng có những học sinh có nhu cầu sau khi tốt nghiệp trường nghề sẽ tiếp tục thi và học lên các cấp học cao hơn như liên thông lên đại học, cao đẳng thì khối lượng kiến thức phải như thế nào thì cần có sự rà soát hết sức tỉ mỉ trong hệ thống các trường nghề để làm sao đáp ứng yêu cầu tốt nhất của việc dạy văn hóa. Nếu như chúng ta ban hành chính sách ra mà không có sự đánh giá, khảo sát tỉ mỉ và không có sự liên kết chặt chẽ giữa hai Bộ thì sẽ rơi vào tình trạng rất là khó khăn cho các trường nghề khi áp dụng.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh