ĐBQH TRẦN HOÀNG NGÂN: QUỐC HỘI CẦN QUAN TÂM HƠN ĐẾN VẤN ĐỀ HẬU GIÁM SÁT

21/07/2021

Thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022 diễn ra vào sáng 21/7, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) kiến nghị Quốc hội cần quan tâm hơn nữa đến công tác “hậu giám sát” để việc triển khai thực hiện giám sát được hiệu quả, thực chất hơn.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn DDBQH TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường.

Thảo luận tại hội trường về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2022, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) cơ bản nhất trí với Tờ trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đánh giá rất sát những bài học rút ra từ quá trình thực hiện các đoàn giám sát trong thời gian qua.

Trong bối cảnh tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các đoàn giám sát có thể bị ảnh hưởng và gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện giám sát thời gian tới, do đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh) đề nghị cần chuẩn bị kỹ các kịch bản, phương án về giãn cách, lịch trình di chuyển, đi lại của các đoàn giám sát, bố trí nhân sự tham gia các đoàn giám sát theo “danh sách mở”. Đại biểu cho rằng khi địa phương có dịch Covid-19 thì cần phân công nhân sự ở địa phương, khu vực đó, đại diện cho đoàn thực hiện việc giám sát của địa phương đó.

Cho rằng trong thời gian qua, các báo cáo, tài liệu giám sát của các đơn vị gửi cho đoàn giám sát vẫn chưa đảm bảo chất lượng, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần có số liệu báo cáo gửi đầy đủ, cụ thể cho các thành viên trong đoàn giám sát. Đồng thời cần có các cơ quan chuyên môn, các chuyên gia của mỗi lĩnh vực đó để thẩm định, tư vấn thêm cho đoàn giám sát nhằm đem lại đầy đủ cơ sở thực tiễn, cơ sở khoa học và đảm bảo giám sát được hiệu quả.

Một những trong nội dung được đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận là vấn đề hậu giám sát. Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, các báo cáo hậu giám sát vẫn còn rất ít, sau khi giám sát xong, chưa rõ các đơn vị, địa phương đó thực hiện những yêu cầu của đoàn giám sát như thế nào. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại của hoạt động giám sát tối cao nêu trong Tờ trình. Đó là hoạt động “hậu giám sát” thời gian qua còn hạn chế. Do đó, đại biểu đề nghị cần chú ý đến công tác hậu giám sát để việc triển khai thực hiện giám sát được hiệu quả, thực chất hơn.

Nhận thấy việc thực hiện quyền giám sát của đại biểu Quốc hội thời gian qua còn lúng túng, đại biểu đề nghị Quốc hội cần sớm xây dựng cơ chế, hướng dẫn quy trình cho các đại biểu Quốc hội, tổ đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát của mình tại cơ sở. Đại biểu nêu dẫn chứng các tổ đại biểu địa phương có thể họp lại để giám sát những vấn đề nóng, vấn đề bức xúc mà cử tri đặc biệt quan tâm.

Liên quan đến 4 chuyên đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu ra trong Tờ trình, đại biểu Trần Hoàng Ngân đồng tình về nội dung giám sát của 4 chuyên đề, đồng thời cho rằng rất cần thiết thực hiện giám sát tối cao với chuyên đề 1 (việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021) và chuyên đề 2 (việc thực hiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch kể từ khi Luật Quy hoạch được ban hành).

Chuyên đề 3 (việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 01/7/2016 đến ngày 01/7/2021) và chuyên đề 4 (việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021) có thể thực hiện giám sát theo chuyên đề.

Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, dịch bệnh Covid-19 kéo dài từ năm 2020-2021 hết sức khốc liệt, nguy cơ có thể tái đi tái lại đến năm 2022, bên cạnh công tác tiêm chủng vaccine thì vấn đề an sinh xã hội cũng rất quan trọng. Vì vậy, Quốc hội cần xem xét, tiến hành giám sát về gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng trong năm 2020 và gói hỗ trợ 26.000 tỷ đồng trong năm 2021./.

Bích Ngọc