Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF) là một diễn đàn dành cho các nghị sỹ, nghị viện các nước trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhằm mục tiêu hỗ trợ trực tiếp cho Tổ chức Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực.
Trong khuôn khổ các hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Hội nghị thường niên lần thứ 29 Diễn đàn nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) tại Seoul, Hàn Quốc vào tháng 12 tới do Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dẫn đầu, theo sự phân công của Chủ tịch Quốc hội, Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội đã chủ trì Phiên họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện của Hội nghị APPF-29 từ ngày 08/11 đến ngày 19/11/2021. Phiên thảo luận có sự tham gia của các nghị sĩ đại diện các nước thành viên APPF.
Nghị quyết về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối” là một trong những chủ đề ưu tiên được nhiều Nghị viện thành viên APPF tập trung thảo luận tại Phiên họp trực tuyến chuẩn bị các văn kiện để trình tại Hội nghị APPF-29. Quốc hội Việt Nam cũng dành nhiều thời gian quan tâm và cho ý kiến về Dự thảo Nghị quyết này. Để hiểu rõ hơn về nội dung này và các đề xuất của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam, phóng viên Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung - Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung
Phóng viên: Thưa đại biểu, chủ đề của Hội nghị lần thứ 29 Diễn đàn Nghị viện Châu Á - Thái Bình Dương (APPF-29) tại Hàn Quốc vào tháng 12 tới là “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu Covid-19”. Đại biểu đánh giá như thế nào về chủ đề của Hội nghị lần này và những đóng góp của Quốc hội Việt Nam đối với Diễn đàn kể từ khi là thành viên của APPF đến nay?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung: Chủ đề của Hội nghị APPF-29 về “Vai trò của nghị viện trong việc nâng cao khả năng tự cường phục hồi hậu Covid-19” nhấn mạnh vai trò của nghị viện trong việc tăng cường hợp tác bảo đảm hòa bình, an ninh và phục hồi phát triển kinh tế sau đại dịch. Việc Quốc hội Hàn Quốc và các nghị viện thành viên đang tích cực chuẩn bị cho việc tham dự Hội nghị APPF-29 được tổ chức theo hình thức trực tiếp vào giữa tháng 12/2021 sau gần hai năm (Hội nghị APPF-28 diễn ra vào tháng 1/2020) cho thấy nỗ lực của Quốc hội nước chủ nhà, quyết tâm của các nghị viện thành viên củng cố hợp tác nghị viện đa phương cùng đoàn kết, hợp tác phục hồi sau đại dịch vì một tương lai tốt đẹp hơn.
Việc tham dự hội nghị thường niên APPF là hoạt động đối ngoại đa phương quan trọng trong tổng thể chương trình hoạt động đối ngoại hàng năm của Quốc hội nước ta. Đoàn đại biểu Quốc hội nước ta đã tham dự phần họp trực tuyến Hội nghị APPF-29 nhằm thảo luận và đóng góp ý kiến với các Dự thảo Nghị quyết, Dự thảo Thông cáo chung của APPF-29 để trình Hội nghị APPF-29 họp trực tiếp tại Seoul, Hàn Quốc từ 13/12 - 15/12/2021. Phương châm tham dự của Đoàn Việt Nam là chủ động, tích cực đề xuất các sáng kiến, nghị quyết của Việt Nam tại Hội nghị, tham gia có trách nhiệm đóng góp ý kiến hoàn thiện các văn kiện của Hội nghị với tinh thần thực hiện đường lối đối ngoại của Đảng, nâng tầm đối ngoại đa phương, tiếp tục phát huy vị thế và vai trò là thành viên tích cực của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác liên nghị viện khu vực và thế giới; sẵn sàng hợp tác vì sự phục hồi và phát triển của khu vực sau đại dịch, hướng tới tương lai của một cồng đồng châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định, sáng tạo, gắn kết và phát triển bền vững theo tinh thần của Tuyên bố Hà Nội được thông qua tại Hội nghị APPF-26 năm 2018.
Quốc hội Việt Nam là thành viên chính thức của APPF từ năm 1995. Kể từ khi là thành viên của APPF, Quốc hội Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động của APPF, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Dấu ấn đặc biệt chính là Quốc hội Việt Nam đã đăng cai tổ chức Hội nghị APPF-13 vào tháng 1/2005 tại Hạ Long, Quảng Ninh. Hội nghị đã thu hút sự tham dự đông đảo của 22 Nghị viện thành viên và Nghị viện quan sát viên (Brunei).
Hội nghị APPF-26 tổ chức từ ngày 18/1-21/1/2018 tại Hà Nội với sự tham dự của 22 đoàn Nghị viện thành viên, kể cả Việt Nam, 365 khách quốc tế, trong đó có 7 đoàn Cấp Chủ tịch Quốc hội, 10 đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội, đặc biệt có Chủ tịch IPU, Tổng Thư ký IPU, nguyên Chủ tịch IPU. Thành công của Hội nghị APPF-26 là một điểm nhấn quan trọng trong công tác đối ngoại Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV, góp phần vào những thành công chung về các hoạt động ngoại giao của Việt Nam. Đóng góp quan trọng của Quốc hội Việt Nam tại APPF-26 là Tuyên bố Hà Nội về “Tầm nhìn về sự phát triển của quan hệ đối tác nghị viện châu Á-Thái Bình Dương tới năm 2030”, đánh dấu chặng đường 25 năm phát triển của APPF và định hướng tương lai phát triển của Diễn đàn đến năm 2030. Tuyên bố Hà Nội được đánh giá là một trong năm bản Tuyên bố dấu ấn trong 25 năm hoạt động của APPF.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung dẫn đầu Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận Dự thảo Nghị quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại
Hầu hết Nghị viện các nước ASEAN đều cử đoàn cấp cao tham dự. Hàng năm, Quốc hội đều cử Đoàn tham dự Hội nghị, đặc biệt trong đó có một số đoàn cấp Phó Chủ tịch Quốc hội như Đoàn Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu dự APPF-21 tại Vladivostok, LB Nga (tháng 01/2013), Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng dự APPF-20 tại Nhật Bản (tháng 01/2012). Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dự Hội nghị APPF 27 tại Campuchia (tháng 01/2019), Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng tham dự Hội nghị APPF-28 tại Australia (tháng 01/2020).
Phóng viên: Nhằm chuẩn bị các văn kiện của Hội nghị APPF-29, cùng với các Nghị viện thành viên APPF khác, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã tập trung thảo luận, cho ý kiến vào Dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối”. Ý kiến của đại biểu như thế nào về Dự thảo Nghị quyết này trong các Dự thảo Nghị quyết về các vấn đề kinh tế và thương mại?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung: Ban đầu, Việt Nam đề xuất 02 Nghị quyết về “Tăng cường vai trò nghị viện trong thúc đẩy kinh tế số” và “Phụ nữ, hòa bình, an ninh và hợp tác phục hồi hậu COVID-19” nhưng cùng với đề xuất của các nước, với vai trò nước chủ nhà, Ban Tổ chức APPF-29 đã tổng hợp thành 12 Nghị quyết để thảo luận tại các phiên họp soạn thảo văn kiện. Việt Nam được đưa vào đồng bảo trợ 4 dự thảo Nghị quyết, trong đó có 02 Nghị quyết về kinh tế, thương mại như sau:
(1) Nghị quyết về "Thúc đẩy kinh tế số và tăng cường kết nối": đồng bảo trợ gồm có Hàn Quốc, Canada, Indonesia, Philippines và Việt Nam.
(2) Nghị quyết về "Tăng cường hội nhập kinh tế và thuận lợi hóa thương mại": đồng bảo trợ gồm có Hàn Quốc, Nhật Bản, Liêng Bang Nga và Việt Nam.
Sơ bộ, những Dự thảo Nghị quyết này về cơ bản phù hợp với những văn kiện quốc tế trong đó có Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế, các nghị quyết của APEC, APPF và các Tuyên bố của APPF, góp phần tăng cường hợp tác Nghị viện khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác APEC, vì hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển phục hồi sau đại dịch COVID-19.
Sau phiên thảo luận trực tuyến ngày 9/11/2021, về cơ bản các nước đã đồng thuận với 02 Nghị quyết nêu trên. Trong đó, việc thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối là chủ đề được ưu tiên tại các diễn đàn của Liên hợp quốc cũng như trong hợp tác khu vực của APEC và phù hợp với quan tâm, các định hướng thúc đẩy hợp tác quốc tế của Việt Nam.
Các nước tham gia APPF-29 đều cho rằng, để tăng cường phục hồi kinh tế hậu đại dịch COVID-19, nhiệm vụ quan trọng hiện nay là phải tăng cường hợp tác quốc tế, xác định kinh tế số và thương mại điện tử là động lực thúc đẩy phục hồi tăng trưởng, đưa thương mại điện tử và kinh tế số trở thành ưu tiên trong các chiến lược, chính sách phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch COVID-19, thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển nền kinh tế số, phê duyệt/phê chuẩn khi cần thiết các thỏa thuận hợp tác quốc tế công nhận lẫn nhau về tiêm chủng, hợp tác sản xuất vắc-xin, chia sẻ vắc-xin và thuốc điều trị giữa các nền kinh tế APEC; tạo thuận lợi đi lại giữa các nước, đẩy nhanh các biện pháp thích nghi, chuyển đổi mô hình phát triển trong đó chú trọng tính bền vững và hiệu quả, phát triển hệ sinh thái và môi trường thương mại điện tử thông qua các biện pháp hỗ trợ về hạ tầng, tài chính, công nghệ thông tin và viễn thông.
Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam tham dự Phiên thảo luận Dự thảo Nghị quyết về “Thúc đẩy nền kinh tế số và tăng cường kết nối” theo hình thức trực tuyến
Phóng viên: Đại biểu có thể phân tích cụ thể hơn những đề xuất, kiến nghị của Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam về việc tăng cường vai trò nghị viện trong thúc đẩy kinh tế số trong bối cảnh phục hồi tăng trưởng và thích ứng với đại dịch COVID-19?
Ủy viên Thường trực Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Thái Quỳnh Mai Dung: Để tăng cường vai trò nghị viện trong thúc đẩy kinh tế số, Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam đã đề xuất các khuyến nghị APPF bao gồm:
Thứ nhất, khẳng định quyết tâm của các Nghị viện thành viên APPF trong việc phát huy tối đa vai trò hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, thể chế quốc gia nhằm hỗ trợ phát triển hơn nữa nền kinh tế số, ưu tiên xây dựng Chính phủ điện tử, quản lý các nền tảng thương mại điện tử; chia sẻ kinh nghiệm phát triển cơ chế sandbox đối với FinTech (công nghệ tài chính); thúc đẩy hợp tác về thương mại điện tử; bảo mật thông tin giao dịch, bảo vệ quyền riêng tư cá nhân, an toàn mạng, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp và doanh nghiệp đổi mới sáng tạo;
Thứ hai, ủng hộ APEC hiện thực hóa Tầm nhìn 2040, phát triển nền kinh tế kỹ thuật số bền vững, thúc đẩy đổi mới sáng tạo hướng tới tương lai số, tăng cường cơ sở hạ tầng và công nghệ số nhằm tạo thuận lợi cho các giao dịch số và dữ liệu tự do đồng thời tôn trọng luật pháp và quy định hiện hành trong nước;
Thứ ba, tăng cường sự tham gia của nghị viện nhằm thúc đẩy hiểu biết lẫn nhau và tăng cường hợp tác về các cách tiếp cận lập pháp tác động đến Internet và kinh tế số;
Thứ tư, khẳng định lại cam kết mạnh mẽ hỗ trợ hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ, tự do, cởi mở, công khai và minh bạch, tự cường, bao trùm, chủ động thích ứng phục hồi sau COVID-19;
Thứ năm, nâng cao tính bao trùm của Internet và kinh tế số thông qua thúc đẩy nâng cao năng lực để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía trên khía cạnh địa lý và xã hội;
Thứ sáu, tăng cường hợp tác giữa các Nghị viện thành viên APPF, chia sẻ kinh nghiệm quản lý tài sản số, tập trung vào mã thông báo không thể thay thế, tiền điện tử; chia sẻ kinh nghiệm về xây dựng pháp luật tạo điều kiện nâng cao cơ sở hạ tầng cho nền kinh tế số, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn; phát triển các chương trình và/hoặc hoạt động chung trong giáo dục và đào tạo kỹ năng để đáp ứng nhu cầu số hóa;
Thứ bảy, thúc đẩy vai trò giám sát của nghị viện về số hóa kinh tế, các hoạt động của chính phủ nhằm hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực công nghệ cao, hỗ trợ phát triển kinh tế số và kết nối trong khu vực;
Thứ tám, khuyến khích trao đổi, hợp tác giữa các nghị viện APPF và với tất cả các bên liên quan bao gồm cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức quốc tế thông qua hội nghị, hội thảo và các kênh khác nhằm nâng cao hiểu biết, trao đổi kinh nghiệm về kinh tế số và kết nối số.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn Bà!