ĐBQH NGUYỄN ANH TRÍ: NHIỀU BẤT CẬP CỦA LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH 2009 CẦN ĐƯỢC SỬA ĐỔI CHO PHÙ HỢP VỚI THỰC TIỄN

16/02/2022

Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn ĐBQH Tp.Hà Nội, việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cần được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm sửa đổi những vướng mắc, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý.

 

Tại phiên họp thứ 08, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về đề nghị bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022. Theo GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội, việc bổ sung dự án Luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cần được thực hiện càng sớm càng tốt nhằm sửa đổi những vướng mắc, bất cập của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 và giải quyết những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội đã có cuộc trao đổi với GS.TS, đại biểu Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội xoay quay dự án Luật này.

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội

Phóng viên: Sau hơn 11 năm triển khai thi hành Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, hiện Luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập, những vấn đề nảy sinh trong thực tiễn chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết. Đại biểu có thể phân tích rõ hơn về những bất cập, hạn chế của Luật hiện hành, đồng thời đánh giá về sự cần thiết sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2009 và có hiệu lực từ 1 tháng 1 năm 2011. Luật khám bệnh, chữa bệnh mang tính đột phá trong công tác quản lý hành nghề y trong lĩnh vực khám chữa bệnh; đưa ra một khung pháp lý mới trong việc chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân thông qua việc quản lý hành nghề và bảo đảm tôn trọng quyền của người bệnh.

Tuy nhiên sau 10 năm triển khai, một số nội dung của Luật Khám bệnh, chữa bệnh  chưa phù hợp với thực tế, chưa đáp ứng được với mục tiêu mong đợi, một số quy định còn chưa hội nhập với hoạt động hành nghề khám bệnh, chữa bệnh của các nước trên thế giới và trong khu vực.

Vấn đề khám, chữa bệnh hiện nay đã khác nhiều so với trước đây như cách tổ chức, văn hóa sử dụng dịch vụ y tế… Kỹ thuật cũng như công nghệ khám, chữa bệnh hiện nay đã hiện đại hơn, chuẩn mực hơn, đồng bộ hơn và dễ sử dụng hơn.

Vấn đề khám, chữa bệnh trực tuyến hiện nay cũng khác rất nhiều. Trước đây, bác sỹ phải gặp trực tiếp bệnh nhân để khám, chữa bệnh cho họ một cách chuẩn chỉ, thì nay bệnh nhân không cần gặp bác sỹ, chỉ cần chụp hình ảnh, gửi online các kết quả xét nghiệm hoặc siêu âm… rồi bác sỹ có thể chẩn đoán, kê đơn cho bệnh nhân.

Tôi cho rằng việc sửa đổi Luật Khám bệnh, chữa bệnh là cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn ra trong thời gian dài vừa qua đã cho thấy việc sửa đổi Luật này là vô cùng cần thiết. Nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn nhưng chưa có cơ chế pháp lý để giải quyết.

Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 chỉ quy định cấp chứng chỉ hành nghề cho 6 nhóm đối tượng, quy định này chưa bao phủ hết các đối tượng tham gia hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thực tế như cán bộ khối y tế dự phòng, kỹ sư xạ trị, kỹ sư vật lý y học, người đang làm việc trong lĩnh vực y tế dự phòng nhưng có tham gia vào hoạt động cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh,…gây khó khăn cho người hành nghề và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong quá trình tổ chức thực hiện khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán bảo hiểm y tế.

Bên cạnh đó, việc cấp chứng chỉ hành nghề theo hình thức xét hồ sơ không đánh giá được thực chất năng lực chuyên môn của người hành nghề cũng như chất lượng đào tạo của cơ sở đào tạo.

Tôi nhận thấy, hiện có rất nhiều chuyên khoa mới xuất hiện như chuyên ngành sinh học phân tử. Cách đây 30 năm không có chuyên ngành này, thì nay, học và thi vào chuyên ngành sinh học phân tử rất khó. Nhưng có một nghịch lý là: Trong các mã ngành của y tế nước ta, không hề có mã ngành sinh học phân tử. Điều đó đồng nghĩa người học không được cấp chứng chỉ hành nghề. Thậm chí có một số trường hợp học Thạc sỹ, Tiến sỹ của ngành sinh học phân tử ở nước ngoài nhưng vẫn phải học lại cao đẳng chuyên ngành xét nghiệm ở Việt Nam thì mới được cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh trong nước.

Hệ đào tạo ngành y của nước ta và các nước trên thế giới có sự khác nhau. Ở nước ta hiện nay vẫn còn có sự nhầm lẫn giữa việc học ngành y và việc cấp chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Đây là một bất cập trong việc đào tạo y khoa. Tôi cho rằng, cử nhân tốt nghiệp Đại học Y không có nghĩa họ được hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Họ phải có giấy phép, có chứng chỉ hành nghề thì mới có thể khám bệnh, chữa bệnh. Nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế cũng cho thấy như vậy. Để trở thành bác sỹ khám, chữa bệnh thì phải có chứng chỉ hành nghề và được cấp phép. Vấn đề này ở nước ta hiện nay đang gặp rất nhiều vướng mắc, bất cập.

Tổ chức hệ thống y tế Việt Nam còn nhiều bất cập và cũng cần phải thay đổi. Hiện hệ thống tổ chức cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có 4 tuyến gắn với tuyến hành chính và được phân theo 04 tuyến chuyên môn kỹ thuật. Tuy nhiên, Luật Bảo hiểm y tế lại quy định dựa vào phân hạng bệnh viện để xác định cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế,…Vì vậy, trong quá trình hướng dẫn, tổ chức thực hiện phát sinh những mâu thuẫn và bất cập.

Một số nội dung liên quan đến ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh như bệnh án điện tử, khám bệnh, chữa bệnh từ xa, đăng ký hành nghề…. chưa được quy định cụ thể trong Luật nên chưa có cơ chế pháp lý để tổ chức triển khai thực hiện.

Do vậy tôi thấy rằng, việc sửa đổi dự án Luật lần này là rất cần thiết và cấp thiết, vì cuộc sống đã thay đổi, công nghệ đã thay đổi, và nhu cầu của con người cũng như các tương tác trong xã hội đã thay đổi, quỹ thời gian, điều kiện đi lại của mỗi người cũng khác nhau.

Phóng viên: Trước những bất cập, vướng mắc đó, đại biểu có đề xuất như thế nào để khắc phục những tồn tại đó trong dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Tôi nhận thấy, tổ chức hệ thống y tế Việt Nam cần phải thay đổi để hướng đến việc gần dân nhất khi họ mắc các bệnh thông thường, cần phải sâu sát nhất, hiệu quả nhất, tốt nhất khi họ mắc các bệnh nặng. Các bệnh viện theo tiêu chuẩn cũ, lỗi thời thì cần cập nhật bằng được cách tổ chức mới đảm bảo đưa vào sử dụng các công nghệ, kỹ thuật hiện đại.

Cơ sở khám, chữa bệnh gần dân nhất, nhiều nhất không phải chỉ có phòng khám đa khoa, mà còn có trung tâm xét nghiệm, trung tâm chẩn đoán hình ảnh, trung tâm sinh học phân tử, hoặc các trung tâm bồi bổ sức khỏe, thẩm mỹ, làm đẹp… Đầu tư vào các trung tâm này khó và tốn kém hơn nhiều so với đầu tư các cơ sở khám, chữa bệnh đa khoa và phải tập trung hóa. Ví dụ, Hà Nội có nhiều phòng xét nghiệm nhưng xét nghiệm cao cấp, chuyên sâu nên tập trung ở một nơi chứ không nên rải rác, được trang bị đầy đủ máy móc, thiết bị hiện đại nhất.

Theo tôi, trước mắt việc tổ chức hệ thống y tế Việt Nam có thể chia thành 2 hệ thống: Thứ nhất là hệ thống chuyên khoa, chuyên sâu nổi tiếng tập trung lại. Tôi lấy ví dụ như ở Hà Nội, các bệnh viện sản khoa, ngoại khoa, răng hàm mặt, ung thư… có thể tập trung thành một trung tâm y khoa lớn. Thứ hai là hệ thống y tế cơ sở càng gần dân càng tốt, nhỏ gọn, vừa đủ, hiện đại, đồng bộ. Thời gian qua dịch bệnh Covid-19 bùng phát đã thể hiện rất rõ điều này, và những gì không cần thiết thì chúng ta không đầu tư.

Bệnh cạnh đó, chúng ta cần đầu tư vào các trung tâm y khoa mà không cần thiết phải có giường bệnh. Tôi cho rằng, xưa nay chúng ta có tư tưởng rất lỗi thời, lạc hậu là xây bệnh viện, cơ sở y tế thì cần phải có giường bệnh. Thực tế cho thấy, đầu tư giường bệnh không thể lớn bằng đầu tư một trung tâm xét nghiệm, một trung tâm chẩn đoán hình ảnh, không thể lớn bằng đầu tư một trung tâm di truyền sinh học phân tử…

Và chúng ta phải nhìn nhận lại để việc khám, chữa bệnh thích ứng với thời đại công nghệ 4.0. Chẳng hạn như hiện nay BHYT quy định, BHYT sẽ chỉ chi trả, thanh toán cho bệnh nhân khi họ đi chụp phim và có phim, nếu không có phim chụp thì không thanh toán. Bây giờ công nghệ hiện đại, chúng ta hoàn toàn có thể không cần cầm phim chụp trực tiếp mà có thể chuyển sang dạng “hình ảnh mềm” số hóa, thậm chí có thể gửi vào điện thoại của bệnh nhân hoặc gửi cho các bác sỹ giỏi ở xa để chẩn đoán.

Do vậy, ở đây có hai vướng mắc cần tháo gỡ: kỹ thuật hiện đại cho kết quả hiện đại thì BHYT không thanh toán, vẫn chỉ quy định thanh toán theo cách cũ, lỗi thời. Thứ hai là tư vấn của những chuyên gia giỏi, hàng đầu cũng chưa được thanh toán. Tôi cho rằng, đã đến lúc, chúng ta ở Việt Nam vẫn hoàn toàn có thể khám bệnh ở Singapore, Anh, Australia… Chúng ta phải nhìn nhận để tổ chức hệ thống y tế nước ta theo cách mới, nhìn nhận để áp dụng linh hoạt công nghệ thời đại 4.0, nhìn nhận để mở ra các chuyên khoa, chuyên ngành mới, phải có giấy phép hành nghề.

Một bất cập hiện nay là hệ thống giáo dục, đào tạo y khoa của nước ta rất khác so với quốc tế nên chưa hội nhập được. Tôi nghĩ rằng, vấn đề đào tạo y tế cần được sửa đổi luôn trong Dự án luật lần này. Khảo sát kinh nghiệm quốc tế, tôi nhận thấy, sau khi học 4 năm đại học, cử nhân y khoa nhận được bằng tốt nghiệp, chủ yếu là lý luận y khoa, một phần nào đó được thực tập trong bệnh viện nhưng không trở thành bác sỹ. Từ cử nhân y khoa, những người giỏi, am hiểu về lâm sàng có thể đệ đơn để học bác sỹ y khoa thêm 2-3 năm và được nhận bằng bác sỹ y khoa nhưng vẫn chưa được khám bệnh. Muốn được khám bệnh thì người học cần phải thi và học tiếp chuyên khoa thêm 3-4 năm nữa, dưới sự dìu dắt của các thầy, cô giáo, như vậy học viên cần học 11 năm thì mới có 1 bác sỹ để khám, chữa bệnh.

Một lựa chọn khác sau khi có bằng cử nhân y khoa, học viên có thể lựa chọn đệ đơn học 2 năm thạc sỹ y khoa về giảng dạy, nghiên cứu khoa học, tiếp đó cũng có thể học lên tiến sỹ y khoa nhưng điều quan trọng phân nhánh này họ không được khám, chữa bệnh.

Vì thế, tôi cho rằng, hệ thống giáo dục, đào tạo y khoa nước ta cần sớm sửa đổi và tháo gỡ những vấn đề này, khảo sát kinh nghiệm quốc tế để xây dựng lại hệ thống giáo dục, đào tạo y khoa một cách toàn diện, thống nhất.

Phóng viên: Đại biểu đánh giá thế nào về việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022? Và dự án Luật này cần lưu ý những vấn đề nào để dự án Luật đi vào thực tiễn cuộc sống, thưa đại biểu?

GS.TS Nguyễn Anh Trí - Đoàn đại biểu Quốc hội Tp. Hà Nội: Tôi cho rằng, việc bổ sung dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 cần được thực hiện càng sớm càng tốt vào Kỳ họp thứ 3 tới. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp suốt thời gian qua thì việc sửa đổi dự án Luật là rất cần thiết, cấp thiết, và cần đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật như tính đồng bộ với dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi), trong đó cần đẩy mạnh kinh doanh bảo hiểm sức khỏe.

Để dự án Luật đi vào thực tiễn cuộc sống, chúng ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

Thứ nhất, theo tôi, cần phải tổ chức lại hệ thống y tế ở Việt Nam theo hướng toàn diện, liên tục và lồng ghép theo 3 cấp: Chăm sóc ban đầu, chăm sóc cấp 2, chăm sóc cấp 3.

Thứ hai, xây dựng một số bệnh viện hiện đại ngang tầm khu vực và quốc tế. Sớm hoàn thành việc sắp xếp các đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng cấp tỉnh và Trung ương thành trung tâm phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh cùng cấp trên cơ sở sáp nhập các tổ chức, đơn vị có cùng chức năng, nhiệm vụ và hoạt động lồng ghép.

Thứ ba, tổ chức lại đội ngũ y bác sỹ, xem xét vấn đề cấp phép, tạo mọi điều kiện cho y, bác sỹ được khám, chữa bệnh tốt hơn, đúng hơn, hiệu quả hơn và người dân có điều kiện tiếp cận với những thầy thuốc giỏi nhiều hơn. Cần lưu ý đến chính sách đào tạo cán bộ y bác sỹ, tuyển dụng, mã ngành.

Thứ tư, điều chỉnh, sắp xếp lại các bệnh viện bảo đảm mọi người dân đều có thể tiếp cận thuận lợi về mặt địa lý. Chuyển dần các bệnh viện thuộc Bộ Y tế và các bộ, cơ quan nhà nước ở Trung ương về địa phương quản lý (trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an; một số ít bệnh viện chuyên khoa đầu ngành, bệnh viện của các trường đại học).

Thứ năm, tất cả những chính sách liên quan đến thanh toán do BHYT chi trả cần được xem xét, tháo gỡ sao cho nhanh chóng, thuận tiện cho người dân.

Tôi cho rằng, nếu chúng ta biết tổ chức lại hệ thống y tế thì sẽ không có khoảng trống quá lớn và giảm được tình trạng thiếu bác sỹ. Chẳng hạn như nếu tổ chức được mô hình khám, chữa bệnh từ xa thì bệnh nhận sẽ có điều kiện gặp được nhiều bác sỹ giỏi hơn để khám, chữa bệnh nhanh chóng, thuận tiện hơn.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu./.

Bích Ngọc