ĐBQH ĐOÀN THỊ LÊ AN: LÀM RÕ CHÍNH SÁCH ƯU TIÊN CỦA NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI CÔNG TÁC CHĂM SÓC SỨC KHỎE CHO ĐỒNG BÀO DTTS&MN

29/07/2022

Góp ý hoàn thiện dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng 

Góp ý vào dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, đại biểu Đoàn Thị Lê An - Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng bày tỏ sự nhất trí cao với sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) cũng như các mục đích, quan điểm chỉ đạo đối với việc sửa đổi luật tại Tờ trình số 164 của Chính phủ.

Liên quan đến quy định về chính sách của Nhà nước về khám bệnh, chữa bệnh tại Điều 4 của dự thảo, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho biết, Điều 58 của Hiến pháp năm 2013 ghi rõ: “Nhà nước, xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của nhân dân, thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có chính sách ưu tiên chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn”. Đại biểu Đoàn Thị Lê An nhận thấy, Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, của Ủy ban Xã hội và tiếp thu ý kiến của đại biểu tại các phiên thảo luận tổ về việc ưu tiên chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là đã ưu tiên đưa nhóm này lên nửa đầu tiên tại điểm a, b Khoản 1 và Khoản 2, Khoản 3, Điều 4.

Tuy nhiên, để đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật được thể chế theo đúng quy định của Điều 58 Hiến pháp năm 2013 và quy định của Điều 68 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Đoàn Thị Lê An đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Đồng thời, đại biểu cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.

Về sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh của người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, đại biểu nhất trí cao những quy định tại Điều 24 của dự thảo luật. Tuy nhiên, tại Khoản 1 có nêu việc đánh giá mức độ thành thạo tiếng Việt thực hiện theo quy định của pháp luật về giáo dục. Đại biểu nhận thấy, quy định này còn rất chung chung và cũng băn khoăn về tiêu chí “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ”. Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần xác định rõ tiêu chí “biết tiếng Việt thành thạo” và “cùng ngôn ngữ mẹ đẻ” nhằm đảm bảo tính minh bạch của quy định, hạn chế những rào cản về thủ tục cũng như nhằm quản lý chặt chẽ trong cấp phép khám bệnh, chữa bệnh đối với người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam.

Mặt khác, đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người dân tộc thiểu số. Vì trên thực tế hiện nay có nhiều lương y, nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số hành nghề tại khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã tương đối nhiều. Do đó có cần phải quy định về trường hợp này. Ngoài ra, đại biểu cũng đóng góp ý kiến về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề quy định tại Điều 26 của dự thảo Luật.

Liên quan đến thẩm quyền cấp thu hồi giấy phép hành nghề tại Điều 26, đại biểu Đoàn Thị Lê An cho rằng, Tờ trình Chính phủ đề cập đến 2 phương án về thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép hành nghề và cả hai phương án này đều đánh giá những ưu điểm, nhược điểm cụ thể. Tuy nhiên, đại biểu nghiêng về phương án 2. Các ý kiến của các đại biểu còn băn khoăn việc dự thảo Luật quy định giao Hội đồng Y khoa quốc gia thực hiện chức năng cơ quan quản lý nhà nước trong quản lý hành nghề khám chữa bệnh hiện nay, trong khi lại chưa quy định rõ cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám bệnh, chữa bệnh, cũng như không quy định về địa vị pháp lý Hội đồng Y khoa quốc gia nhằm xác định rõ vai trò, chức năng, mối quan hệ của Hội đồng đối với các cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực khám, chữa bệnh. Đại biểu Đoàn Thị Lê An nhận thấy, để giao cho Hội đồng Y khoa xem xét việc cấp và thu hồi các chứng chỉ hành nghề cần phải cân nhắc, nếu chúng ta thực hiện thì số lượng giấy phép là rất lớn, có thể xảy ra một số tiêu cực hoặc nảy sinh một số thủ tục hành chính có thể phát sinh một số giấy phép con gây khó khăn cho lực lượng y tế.

Đại biểu Đoàn Thị Lê An đồng tình với việc Hội đồng Y khoa kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề khám, chữa bệnh của cán bộ y tế. Tuy nhiên đề nghị nên phân cấp, phân quyền để cho các địa phương đó là các cơ sở y tế như mô hình sát hạch về tay nghề thống nhất trong cả nước về lĩnh vực y tế. Trên cơ sở đó chúng ta sẽ phân cấp về cho các địa phương cấp giấy phép hành nghề để tránh tình trạng khó khăn trong các cơ sở y tế khi thực hiện việc xin cấp, gia hạn chứng chỉ hành nghề./.

Bích Ngọc