CHẤT VẤN ĐỂ TÌM RA GIẢI PHÁP TỐI ƯU GIẢI QUYẾT TỒN TẠI, BẤT CẬP CỦA NGÀNH VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

10/08/2022

Chất vấn không chỉ để đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, trưởng ngành, mà còn là cơ hội để đại biểu trình bày, gợi ý cho cơ quan thực thi pháp luật những giải pháp giải quyết bất cập trong thời gian tới. Đây là ý kiến của nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Viết Chức về phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Tổng thuật chiều 10/8: Phiên Chất vấn và trả lời chất vấn Nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực và trách nhiệm của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Theo chương trình, chiều ngày 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch về các nhóm vấn đề:

- Việc thực hiện chính sách, pháp luật để du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn.

- Việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp kích cầu, phục hồi du lịch sau đại dịch Covid-19, việc thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động trong ngành du lịch. Chính sách khuyến khích xã hội hóa trong phát triển ngành du lịch.

Công tác quản lý, bảo tồn, cải tạo và phát huy giá trị các di tích lịch sử Quốc gia, đặc biệt là các khu di tích lịch sử cách mạng, góp phần giáo dục truyền thống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; xây dựng nếp sống văn hóa và bảo tồn, phát triển văn hóa xã hội.

Theo chương trình Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời chất vấn tại Phiên họp thứ 14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Là người có nhiều năm công tác và từng giữ các chức vụ quan trọng trong lĩnh vực văn hóa, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Viết Chức cho rằng, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội rất quan trọng nhằm chuẩn bị các nội dung cho kỳ họp Quốc hội cuối năm.

Ông Nguyễn Viết Chức khẳng định, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII quan tâm đặc biệt đến văn hóa, sau đó Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã được tổ chức, điều này cho thấy văn hóa đang được quan tâm đặc biệt.

“Tôi cho rằng, văn hóa là lĩnh vực rộng lớn, mỗi vấn đề trong đời sống xã hội đều liên quan đến văn hóa, tôi quan tâm đến lĩnh vực phát triển du lịch; việc giữ gìn và phát huy di sản văn hóa. Ngoài ra, tôi cho rằng, các đại biểu cũng sẽ quan tâm đến các nội dung về văn hóa được đề cập trong Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, trong đó có việc xây dựng con người, xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam. Bởi nguyên nhân sâu xa dẫn tới tội phạm, tệ nạn xã hội là không xây dựng được chuẩn giá trị con người Việt Nam để áp dụng rộng rãi. Đây giống như một chiếc phao để bám vào trong cuộc sống sôi động. Tôi nghĩ rằng, đây là vấn đề quan trọng cần được đặt ra, mong muốn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có phương hướng giải quyết”, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Viết Chức nêu quan điểm.

Ngoài ra, ông Nguyễn Viết Chức cũng quan tâm đến xây dựng văn hóa trong chính trị, văn hóa trong kinh tế, nói cách khác đó là phát triển công nghiệp văn hóa, bởi văn hóa vừa là động lực, vừa là mục tiêu thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối, chịu tránh nhiệm chính trong việc xây dựng phương hướng, kế hoạch cụ thể hỗ trợ các địa phương phát triển công nghiệp văn hóa, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nêu, cũng như các nội dung được đề cấp trong Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Ông Nguyễn Viết Chức cho biết, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, có ý kiến đặt câu hỏi tại sao không bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ đúng tầm, đúng chuyên môn từ cấp trung ương tới cấp cơ sở mà Hội nghị Trung ương 4 đã đề ra là xây dựng đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, uy tín, năng lực.

“Tôi cho rằng, vai trò, vị trí của văn hóa rất cao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần trình Chính phủ triển khai những chương trình cụ thể nào để đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, vì vậy, việc chất vấn cần đi sâu vào vấn đề lớn. Bên cạnh đó, phát triển du lịch rất cần thiết, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế, bởi du lịch là điểm mạnh, mũi nhọn để giúp kinh tế Việt Nam sớm phục hồi sau đại dịch Covid-19”.

Để phát triển ngành du lịch, ông Nguyễn Viết Chức cho rằng không chỉ riêng ngành văn hóa có thể làm được, mà cần sự vào cuộc của các ngành khác, như Bộ Công an cấp hộ chiếu cho khách du lịch; Bộ Ngoại giao cấp thị thực, visa. Du lịch không chỉ là ngành kinh tế mũi nhọn, mà còn là ngành kinh tế tổng hợp, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cần có chương trình hành động cụ thể để phối hợp với các ngành, các cấp, chính quyền địa phương tạo ra sự phát triển bền vững.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Viết Chức.

Ông Nguyễn Việt Chức nhấn mạnh: “Thời gian trước, ở một số nơi, một số địa phương sự quan tâm tới văn hóa chưa tương xứng với phát triển kinh tế, vì vậy, hiện ngành văn hóa phải có sự chủ động đón nhận sự quan tâm của Đảng, Nhà nước như thế nào? Tôi cho rằng ngành văn hóa cần có kế hoạch bảo tồn di sản vì đây cũng là tài sản, trong đó giữ gìn di sản phải đi đôi với phát huy di sản để di sản trở thành giá trị vật chất và tinh thần cho cuộc sống hôm nay, có như vậy việc bảo tồn mới có ý nghĩa”.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Viết Chức tin tưởng, các đại biểu sẽ đặt nhiều câu hỏi để Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời; đồng thời cùng thảo luận để tìm giải pháp tối ưu. Bởi không có cơ quan nào có vị thế, chức năng quan trọng như Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội được phép giám sát tối cao (bằng hình thức chất vấn).

Việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội lựa chọn chất vấn rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay tệ nạn xã hội, tệ nạn mại dâm, tệ nạn ma túy diễn biến phức tạp. Đây là những vấn đề liên quan đến con người, vì nếu xây dựng con người tốt thì tệ nạn sẽ giảm xuống, đó mới là cái gốc, nhưng việc xử lý kịp thời cần sự phối hợp của các ngành khác, không riêng của ngành văn hóa.

“Tôi cũng kỳ vọng thông qua phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không chỉ để đánh giá hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ trưởng, mà còn là cơ hội để đại biểu trình bày, gợi ý cho cơ quan thực thi pháp luật những giải pháp giải quyết những bất cập trong thời gian tới”.

Lan Hương