ĐBQH ĐỖ THỊ VIỆT HÀ: BẢO ĐẢM TÍNH THỐNG NHẤT, ĐỒNG BỘ TRONG HỆ THỐNG PHÁP LUẬT KHI SỬA ĐỔI LUẬT TẦN SỐ VÔ TUYẾN ĐIỆN

24/08/2022

Tham gia ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tần số vô tuyến điện đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn hơn các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện

Đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang

Phát biểu ý kiến nhằm hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Tần số vô tuyến điện, đại biểu Đỗ Thị Việt Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang tán thành cao với sự cần thiết ban hành và phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án luật, đánh giá cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị rất kỹ hồ sơ để trình dự án luật này xin ý kiến Quốc hội.

Đối với quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là một trong 3 phương thức cấp giấy phép quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu cho rằng, việc đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là phương thức công khai, minh bạch, công bằng, thể hiện rõ nét tính minh bạch và cho phép tối đa hóa nguồn thu và phản ánh chính xác nhất giá trị kinh tế của băng tần. Theo Tờ trình của Chính phủ thì có 78/132 nước đã sử dụng phương thức đấu giá này. Ở Việt Nam thì phương thức này đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành, Luật Đấu giá tài sản năm 2016 và Nghị định 88/2021, tuy nhiên cho đến nay vẫn chưa được triển khai tổ chức thực hiện trên thực tế.

Khoản 2 Điều 18 được sửa đổi, bổ sung tại dự thảo luật này cũng đã quy định phương thức cấp phép thông qua đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số vô tuyến điện có thể áp dụng đối với 2 trường hợp.

Trường hợp thứ nhất là băng tần có giá trị thương mại cao, bao gồm nhưng không giới hạn băng tần để thiết lập mạng viễn thông công cộng di động mặt đất. Trường hợp thứ hai là kênh tần, số có giá trị thương mại cao và có nhu cầu vượt quá khả năng phân bổ xác định trong quy hoạch tần số vô tuyến điện. Theo đó, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện tiếp tục được luật hóa, là một trong các phương thức để cấp phép sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu cho rằng quy định này cũng không khác nhiều so với quy định hiện hành.

Để đảm bảo tính phù hợp, tính thống nhất, tính khả thi của quy định về đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo quan tâm đánh giá kỹ hơn và giải trình vướng mắc tại sao qua hơn 13 năm thi hành Luật Tần số vô tuyến điện mà chính sách này cũng chưa được thực hiện. Nguyên nhân của vướng mắc do đâu, bất cập như thế nào? Đồng thời, cần có dự báo tác động toàn diện của chính sách đến kinh tế - xã hội, lợi ích của các doanh nghiệp có liên quan, nhất là các vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát, đánh giá kỹ hơn, toàn diện hơn hơn các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính phù hợp, thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật hiện hành như Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Viễn thông, Luật Đấu giá tài sản, Luật Phí, lệ phí, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công. Chẳng hạn, đối với Luật Đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện đã được quy định tại Luật Tần số vô tuyến điện hiện hành và Luật Đấu giá tài sản năm 2016 tại điểm n khoản 1 Điều 4 đã quy định quyền sử dụng tần số vô tuyến điện là một loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá. Bên cạnh đó, Điều 3 của luật này khi quy định về áp dụng Luật Đấu giá tài sản và trình tự, thủ tục đấu giá các loại tài sản khác đã có quy định rất rõ là "trường hợp có sự khác nhau giữa quy định về trình tự, thủ tục đấu giá của luật này và quy định của luật khác thì áp dụng quy định của luật này, trừ trường hợp đấu giá đối với chứng khoán thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán, việc đấu giá đối với tài sản nhà nước ở nước ngoài thì được thực hiện theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước". Như vậy, theo quy định của Luật Đấu giá thì quyền sử dụng tần số vô tuyến điện chỉ được bán thông qua hình thức đấu giá. Do đó, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát, đánh giá, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định này để bảo đảm không vướng mắc, không mâu thuẫn, không chồng chéo với quy định của Luật Đấu giá hiện hành.

Trong trường hợp cần thiết, đại biểu cho rằng có thể bổ sung vào dự thảo luật này điều khoản để sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đấu giá tài sản ở những quy định có liên quan, đồng thời, quy định về các tiêu chí, điều kiện của băng tần, kênh tần số được đấu giá, những trường hợp phải đấu giá, trình tự, thủ tục, nguyên tắc lớn để bảo đảm sự thống nhất trong quy định về đấu giá tần số vô tuyến điện.

Theo dõi quá trình xây dựng dự thảo luật này, đại biểu chỉ rõ dự thảo trước khi trình Quốc hội cho ý kiến đã bổ sung một trong 4 chính sách, trong đó có chính sách về đấu giá tần số vô tuyến điện, như là bổ sung Điều 20b, 47b để quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá sử dụng tần số vô tuyến điện và giao cho Chính phủ quy định chi tiết, tuy nhiên dự thảo luật trình Quốc hội cho ý kiến lần này không còn những quy định nêu trên. Hiện nay, Nghị định 88 ngày 1/10/2021 của Chính phủ về thu tiền cấp quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, đấu giá, cấp phép, chuyển nhượng, đấu giá quyền sử dụng tần số vô tuyến điện, trong đó đã có quy định một số nội dung về đấu giá băng tần. Tuy nhiên, đại biểu cho rằng những quy định cơ bản như đã nêu trên về đấu giá tài sản này cần phải được luật hóa trong dự thảo luật.

Đại biểu cũng cho biết, quy định của Điều 18 dự thảo luật không quy định rõ ràng, không bắt buộc phải cấp phép thông qua đấu giá hay thi tuyển mà quy định theo hướng giao cho cơ quan có thẩm quyền quản lý về tần số vô tuyến điện quyết định có thể áp dụng phương thức đấu giá hoặc thi tuyển. Nghiên cứu Tờ trình số 162 của Chính phủ cho thấy, Chính phủ đã đưa ra lý do tại sao lại quy định mang tính nguyên tắc là “có thể” mà không quy định bắt buộc. Đại biểu chỉ ra rằng việc sử dụng thuật ngữ "có thể" tại quy định này là chưa phù hợp với khoản 1 Điều 8 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, ngôn ngữ sử dụng trong văn bản quy phạm pháp luật phải chính xác, phổ thông, cách diễn đạt rõ ràng, dễ hiểu. Đại biểu đề nghị hết sức cân nhắc khi sử dụng cụm từ này.

Đại biểu nhấn mạnh các nội dung sửa đổi, bổ sung tại luật này cần phải tạo được sự đột phá so với luật hiện hành và cần phải quy định rõ ràng trong trường hợp nào áp dụng cấp phép thông qua đấu giá, trong trường hợp nào thông qua thi tuyển. Đồng thời cũng cần phải quy định cụ thể về quy trình, thủ tục, điều kiện để bảo đảm tính công khai, minh bạch, tạo sự cạnh tranh, sử dụng hiệu quả các băng tần quý hiếm và xây dựng thị trường viễn thông phát triển lành mạnh. Mặt khác cũng sẽ tránh được tình trạng luật mang tính luật khung và phụ thuộc nhiều vào nghị định quy định chi tiết do Chính phủ hay là thông tư do bộ chuyên ngành ban hành.

Minh Hùng

Các bài viết khác