ĐBQH NGUYỄN THỊ KIM ANH: CẦN PHÂN ĐỊNH RẠCH RÒI PHẠM VI HOẠT ĐỘNG, ĐỐI TƯỢNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC GIỮA THANH TRA HÀNH CHÍNH VỚI THANH TRA CHUYÊN NGÀNH.

12/09/2022

Góp ý vào Dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh cần phân định rạch ròi phạm vi hoạt động, đối tượng, trình tự, thủ tục giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh.

Tham gia thảo luận về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đánh giá cao việc nghiêm túc nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan chủ trì soạn thảo. Dự thảo Luật đưa ra thảo luận lần này đã có bước tiến lớn, cơ bản tiếp thu đầy đủ và giải trình xác đáng các ý kiến của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV.

Về hoạt động thanh tra chuyên ngành theo quy định dự thảo Luật Thanh tra, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, cơ quan thanh tra chuyên ngành đều là cơ quan thanh tra nhà nước có Thanh tra viên, đồng thời sẽ không còn cơ quan thanh tra chuyên ngành tại các chi cục thuộc Sở. Hoạt động thanh tra chuyên ngành tại địa phương trước đây được thể hiện bởi các chi cục nay sẽ được tổ chức thực hiện bởi Thanh tra cấp tỉnh, cấp sở. Điều này góp phần bảo đảm tính chuyên nghiệp, nâng cao hiệu quả hoạt động của công tác thanh tra chuyên ngành. Tuy nhiên, các nội dung quy định về hoạt động Thanh tra tại Chương 4 dự thảo Luật Thanh tra chỉ phù hợp với thanh tra hành chính, chưa thực sự phù hợp với đặc thù của thanh tra chuyên ngành là một nội dung nhưng nhiều đối tượng thanh tra, thời hạn thanh tra ngắn. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cần phân định rạch ròi phạm vi hoạt động, đối tượng, trình tự, thủ tục giữa thanh tra hành chính với thanh tra chuyên ngành nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong chủ động thực hiện công tác thanh tra.

Đồng thời, bên cạnh các tiêu chuẩn chung của Thanh tra viên, dự thảo Luật Thanh tra cũng chỉ quy định Thanh tra viên chuyên ngành phải có kiến thức chuyên môn về chuyên ngành đó, không yêu cầu bắt buộc về chuyên môn được đào tạo. Trong đó, một số lĩnh vực có đối tượng quản lý rộng chuyên sâu như tài nguyên môi trường có lĩnh vực đất đai, môi trường, đa dạng sinh học, khoáng sản; nông nghiệp và phát triển nông thôn có lĩnh vực chuyên ngành thủy sản, thủy lợi, trồng trọt, chăn nuôi… Điều này dẫn đến khó bảo đảm chất lượng, hiệu quả, thực chất, tính chính xác, khách quan của công tác thanh tra chuyên ngành. Do đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định về thanh tra chuyên ngành, thành phần Đoàn thanh tra chuyên ngành, tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành cho phù hợp hơn.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho rằng, việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra quy định tại Điều 73 dự thảo Luật Thanh tra phù hợp đối với Thanh tra Chính phủ, thanh tra cấp tỉnh và các cuộc thanh tra với quy mô lớn, khối lượng công việc nhiều, nội dung phức tạp. Tuy nhiên với Thanh tra bộ là không phù hợp.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh cho biết, các cuộc thanh tra hành chính do Thanh tra bộ cũng như Thanh tra cấp sở, cấp huyện tiến hành để đánh giá việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và chấp hành quy định của pháp luật đối với cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi quản lý. Việc thu thập hồ sơ, tài liệu, đánh giá chứng cứ trong hoạt động thanh tra thường không phức tạp. Vì vậy để bảo đảm tính chính xác, khách quan của kết luận thanh tra, đại biểu đề nghị việc thẩm định dự thảo kết luận thanh tra do Đoàn thanh tra cấp bộ thực hiện chỉ nên quy định theo hướng thực hiện khi cần thiết giống như quy định đối với thanh tra cấp sở, cấp huyện. Đồng thời đề nghị bổ sung nội dung do Chính phủ quy định chi tiết điều này./.

Ánh Nguyệt

Các bài viết khác