ĐBQH HỒ THỊ KIM NGÂN: QUY ĐỊNH VỀ TƯ VẤN VÀ TRỢ GIÚP PHÁP LÝ TRONG DỰ THẢO LUẬT PHÒNG, CHỐNG BẠO LỰC GIA ĐÌNH (SỬA ĐỔI) CẦN THỐNG NHẤT VỚI PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH

30/09/2022

Góp ý vào Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) trước khi trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đề nghị rà soát quy định về tổ chức thực hiện tư vấn và trợ giúp pháp lý thống nhất trong Dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) với pháp luật hiện hành.

ĐBQH Nguyễn Anh Trí: Quốc hội ngày càng làm tốt công tác giám sát, đảm bảo lợi ích của người dân

Về nội dung này, tại khoản 1 Điều 30 của dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi), tư vấn, trợ giúp pháp lý về bạo lực gia đình, trong đó điểm a, người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn, trợ giúp pháp lý tại Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Điều 38 của dự thảo luật có ghi: Cơ sở trợ giúp xã hội và Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước; Khoản 2 quy định Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước thực hiện cung cấp dịch vụ pháp lý cho người bị bạo lực gia đình theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý. Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, nội dung này chưa phù hợp với Luật trợ giúp pháp lý, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu và hoàn thiện.

Liên quan đến các dịch vụ trợ giúp pháp lý, tại Điều 27 của Luật trợ giúp pháp lý quy định rất rõ các dịch vụ được cung cấp đó là tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và đại diện ngoài tố tụng. Tuy nhiên, tại Điểm a, khoản 1, Điều 30 dự thảo Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) đang quy định là người bị bạo lực gia đình được hỗ trợ dịch vụ tư vấn. Đại biểu cho rằng đây là một trong những hoạt động và nội dung quyền trợ giúp pháp lý. Vì vậy, đại biểu đề nghị bỏ cụm từ hỗ trợ dịch vụ tư vấn, chỉ quy định “người bị bạo lực gia đình được trợ giúp pháp lý theo Luật trợ giúp pháp lý” là phù hợp.

Liên quan đến tổ chức thực hiện tư vấn, trợ giúp pháp lý, theo Luật trợ giúp pháp lý, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý không chỉ là Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước thuộc các tỉnh, thành phố, mà các tổ chức khác cũng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định tại Điều 10 của Luật Trợ giúp pháp lý bao gồm: các tổ chức luật sư và các tổ chức khác được giao được thực hiện trợ giúp pháp lý theo luật và tổ chức luật sư hành nghề luật sư và tổ chức khác khi đăng ký thực hiện trợ giúp pháp lý với Sở Tư pháp hoặc đăng ký hoạt động và đăng ký hành nghề. Trên cơ sở đó sẽ được cấp phép hoạt động và Sở Tư pháp sẽ ký hợp đồng đối với tổ chức hành nghề luật sư này. Vì vậy, nếu chỉ quy định tổ chức trợ giúp pháp lý là Trung tâm trợ giúp pháp lý của Nhà nước là chưa đầy đủ theo quy định của Luật trợ giúp pháp lý. Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu bổ sung đầy đủ theo đúng quy định của Luật trợ giúp pháp lý.

Đại biểu Hồ Thị Kim Ngân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Bên cạnh đó, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân quan tâm, tham gia góp ý liên quan đến chính sách hỗ trợ cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản, nội dung này đang được thiết kế tại ba Điều: Tại Điều 6 về chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình; tại Điều 12 quyền và trách nhiệm của cá nhân trong phòng, chống bạo lực gia đình và Điều 34 về bảo vệ, hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình và người báo tin tố giác vụ việc bạo lực gia đình. Theo đại biểu Hồ Thị Kim Ngân, cùng một chính sách của Nhà nước liên quan đến hỗ trợ người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình có thiệt hại về tính mạng, tài sản, về sức khỏe nhưng được thiết kế chưa thống nhất.

Cụ thể, tại khoản 4 Điều 6 quy định chính sách của Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình, người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình nếu bị thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản thì được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật, tức là thiệt hại về sức khỏe, tính mạng và tài sản thì được hỗ trợ được hưởng chế độ. Còn Điều 12, Điều 34 quy định trường hợp người tham gia thiệt hại về sức khỏe và tài sản được hỗ trợ theo quy định của pháp luật, Đại biểu cho rằng nội dung liên quan đến thiệt hại về tính mạng thì lại không được thể hiện tại Điều 12 và Điều 34 liên quan đến chính sách của Nhà nước.

Ngoài ra, quy định được hưởng chế độ theo quy định của pháp luật, đại biểu Hồ Thị Kim Ngân đề nghị quy định rõ các chế độ cụ thể là chế độ nào; Điều 12 và Điều 34 thì chỉ nêu hỗ trợ theo quy định, nhưng Điều 34 hỗ trợ theo quy định của Chính phủ; đại biểu đề nghị cần thiết kế đảm bảo thống nhất và hoàn thiện. Bởi theo quy định của pháp luật, có thể là luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định, thông tư; còn theo quy định của Chính phủ đó là nghị định, nghị quyết./.

Ánh Nguyệt