ĐBQH LÊ VĂN KHẢM: TẬP TRUNG CAO ĐỘ HOÀN THIỆN DỰ THẢO LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI) ĐẢM BẢO MỤC TIÊU ĐỀ RA ĐỂ QUỐC HỘI SỚM BIỂU QUYẾT THÔNG QUA

25/10/2022

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã được Quốc hội thảo luận lần hai trong phiên toàn thể tại hội trường vào sáng 24/10. Đây là dự án luật quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cử tri và Nhân dân cả nước. Chia sẻ bên lề kỳ họp, đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã được điều chỉnh nhiều nội dung, bổ sung thêm nhiều điều khoản và chỉnh lý các chi tiết kỹ thuật...

TỔNG THUẬT SÁNG 24/10: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT KHÁM BỆNH, CHỮA BỆNH (SỬA ĐỔI)

Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)

Dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sau khi chỉnh lý có 12 chương và 121 điều, nhiều hơn 15 điều so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 3. Về phạm vi điều chỉnh, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Điều 1 của dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng bổ sung đầy đủ nội dung theo tên các chương, mục của dự thảo Luật và bỏ khoản 2 Điều 1 quy định về nội dung Luật không điều chỉnh.

Chia sẻ về dự thảo luật được Quốc hội cho ý kiến lần này, đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, Dự thảo Luật lần này đã được điều chỉnh nhiều nội dung, bổ sung thêm nhiều điều khoản và chỉnh lý các chi tiết kỹ thuật... Trong những ngày tới, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan sẽ phải tập trung cao độ để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luận và có báo cáo tiếp thu giải trình thật kỹ lưỡng và thuyết phục, đạt mục tiêu đặt ra để Quốc hội sớm thông qua.

Phóng viên: Thưa Đại biểu, sáng 24/10, Quốc hội đã tiến hành thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Vậy, Đại biểu có đánh giá như thế nào về dự thảo Luật sau khi đã được tiếp thu?

Đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được nhận định là một đạo luật có tác động sâu sắc đến mọi người dân và đến nhiều mặt của đời sống xã hội và kinh tế; đồng thời được xem là đạo luật có tính “xương sống” trong hoạt động của ngành y tế. Vì thế, đây là một đạo luật nhận được sự quan tâm rất lớn của đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân cả nước, cũng như của ngành y tế.

Dự thảo Luật đã được trình Quốc hội xem xét cho ý kiến tại kỳ họp thứ 3 và tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách. Tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, đồng thời với việc tiếp tục lấy ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, ý kiến chuyên gia, ý kiến đóng góp của các cơ quan hữu quan, Dự thảo Luật đã được điều chỉnh nhiều nội dung, bổ sung thêm nhiều điều khoản và chỉnh lý các chi tiết kỹ thuật. Kết quả là đã có một dự thảo luật được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 được đánh giá là có chất lượng tốt, toàn diện, phản ánh được đòi hỏi của thực tiễn và đáp ứng yêu cầu về mục tiêu chất lượng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực khám chữa bệnh. 

Cùng với một bản Dự thảo Luật trình Quốc hội tại kỳ họp lần thứ 4 này là bản báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội và bản báo cáo thẩm tra rất toàn diện, chi tiết với những luận giải sâu sắc, cụ thể cho mỗi vấn đề được quan tâm như vấn đề xã hội hóa, giá dịch vụ y tế, phân cấp chuyên môn kỹ thuật, điều kiện cấp giấy phép hành nghề, chất lượng cơ sở khám chữa bệnh,.v.v. Điều này cũng thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm, sự cầu thị và nỗ lực, cố gắng của cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan đối với dự án Luật quan trọng này.

Đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Phóng viên: Theo Đại biểu, đâu là nội dung cần tiếp tục hoàn thiện và làm rõ tại dự thảo luật trước khi Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi)?

Đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Trong buổi thảo luận sáng ngày 24/10/2022 về dự thảo Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), đã có rất nhiều đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu và đăng ký tranh luận. Các ý kiến của đại biểu thể hiện sự quan tâm, tâm huyết, trách nhiệm và cả những kỳ vọng về chất lượng, về tính phù hợp thực tiễn, nhất là khắc phục những tồn tại hiện nay, tính ổn định lâu dài và phù hợp với định hướng phát triển hệ thống y tế.

Các vấn đề được đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm và góp ý, kiến nghị làm rõ hoặc bổ sung trong dự thảo luật mà cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và cơ quan hữu quan phải tập trung hoàn thiện đó là:

(1) Phân cấp chuyên môn kỹ thuật phải thể hiện được rõ chức năng nhiệm vụ của từng cấp, mối quan hệ giữa các cơ sở khám chữa bệnh thuộc các cấp khác nhau, và nhất là chính sách của nhà nước đối với đảm bảo hoạt động của mỗi cấp;

(2) Giá dịch vụ y tế cần phải được tính đúng, tính đủ, phải quy định cụ thể các chi phí, các yếu tố cấu thành giá dịch vụ y tế, đồng thời với việc kiểm soát được giá dịch vụ y tế;

(3) Các hình thức xã hội hóa hay thu hút nguồn lực trong xã hội cho khám chữa bệnh cũng cần cụ thể hơn, nhất là phải có hình thức đặc thù đối với hoạt động khám chữa bệnh như liên doanh, liên kết hay “mượn” thiết bị, máy móc để làm xét nghiệm – đây là những hình thức được đánh giá là phát huy hiệu quả rất tốt xét trên phương diện đầu tư và hiệu quả sử dụng;

(4) Vấn đề tự chủ bệnh viện được nhiều đại biểu thảo luận và đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật làm cơ sở để các bệnh viện phát huy được tính năng động, sáng tạo trong quản lý điều hành, trong cung ứng dịch vụ y tế, và đạt được tính tự chủ đúng nghĩa;

(5) Thiết chế Hội đồng y khoa quốc gia cũng cần quy định rõ về chức năng, nhiệm vụ, cơ chế hoạt động.

Những vấn đề trên được các đại biểu Quốc hội thảo luận, đóng góp ý kiến là rất xác đáng, thể hiện mong muốn có một dự luật với sự thay đổi căn bản về chất, khắc phục được những bất cập hiện nay và là cơ sở pháp lý để hệ thống khám chữa bệnh hoạt động ổn định, phát triển, đúng với quan điểm khi xây dựng luật là “lấy người bệnh làm trung tâm”.

Phóng viên: Nhiều ý kiến cho rằng, việc Quốc hội sớm quyết định thông qua dự luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) là cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vậy quan điểm của Đại biểu như thế nào về vấn đề này?

Đại biểu Lê Văn Khảm, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương: Việc Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) với các quy định đáp ứng mục tiêu đặt ra được Quốc hội sớm thông qua là mong muốn của cư tri và Nhân dân cả nước, đặc biệt là với ngành y tế, với các thầy thuốc, nhân viên y tế đang làm việc tại các cơ sở khám chữa bệnh công lập cũng như tư nhân.

Hiện nay, ngành y tế, các cơ sở khám chữa bệnh đang gặp phải một số khó khăn nhất định và đứng trước những thách thức về đảm bảo đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh ngày càng cao của nhân dân, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, bảo đảm quyền lợi của người bệnh, hiệu quả công tác quản lý, thu hút và phát triển nguồn nhân lực y tế, cơ chế và cách thức sử dụng hiệu quả nguồn lực cho công tác khám chữa bệnh. Điều này có nghĩa là cử tri mong đợi những quy định mới của Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) sớm đi vào cuộc sống.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra đối với các dự án Luật nói chung và Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) nói riêng là phải đáp ứng được yêu cầu trước mắt, đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện kinh tế xã hôi và sự ổn định lâu dài. Trong những ngày tới, cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan sẽ phải tập trung cao độ để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luận và có báo cáo tiếp thu, giải trình thật kỹ lưỡng và thuyết phục, đạt mục tiêu đặt ra để Quốc hội sớm thông qua.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Đại biểu!

Lê Anh - Trọng Quỳnh