ĐBQH NGUYỄN THỊ LAN: CẦN QUAN TÂM ĐẦU TƯ, TẠO ĐỘNG LỰC PHÁT TRIỂN KHOA HỌC CÔNG NGHỆ

28/10/2022

Về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội đề nghị quan tâm đầu tư, tạo động lực phát triển khoa học công nghệ.

TỔNG THUẬT SÁNG NGÀY 28/10: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN KẾT QUẢ PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2022, DỰ KIẾN KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KT-XH NĂM 2023

Chính sách bất cập, thiếu đồng bộ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho biết, năm 2022, bên cạnh những điểm thuận lợi, đất nước còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả đại dịch Covid-19, tình hình xung đột Nga – Ukraine và các tác động của biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt, khó lường đã làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng giá cả, lạm phát tăng cao nhưng với sự vào cuộc tích cực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, với những chủ trương, quyết sách sáng suốt, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và sự đồng hành của Quốc hội, sự ủng hộ, tin tưởng của các tầng lớp nhân dân, sự ủng hộ của bạn bè quốc tế, tình hình kinh tế - xã hội, đời sống nhân dân đã ổn định, tiếp tục phát triển khá ấn tượng.

Việt Nam được thế giới đánh giá là điển hình về phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19, đại biểu Nguyễn Thị Lan đánh giá cao nhiều kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023 với 12 nhóm giải pháp khá toàn diện với tính khả thi cao. Đặc biệt, trong giải pháp số 7 của Báo cáo Chính phủ đã chú trọng đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, khoa học công nghệ và đặc biệt chú trọng đến thị trường khoa học công nghệ. Đây là chìa khóa để thúc đẩy đổi mới sáng tạo và kinh tế - xã hội phát triển bền vững.

Quốc hội tiếp tục thảo luận về Kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan nhấn mạnh, chủ trương đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ, coi khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo là động lực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã được thể hiện trong các văn kiện Đại hội Đảng XIII, trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết của Quốc hội và trong Chiến lược phát triển khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo đến năm 2030, kế hoạch hành động của các bộ, ngành, địa phương.

Trong thời gian vừa qua, mặc dù tình hình thiên tai, dịch bệnh gây ra nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã kế thừa, phát huy và nhân rộng tinh thần khởi nghiệp, đẩy mạnh khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo với quyết tâm cao, được cử tri, nhân dân đồng tình, ủng hộ và hưởng ứng cao, có rất nhiều hoạt động quan trọng, nhiều hội nghị, hội thảo đã được triển khai từ Trung ương đến địa phương, thu hút đông đảo các thành phần tham gia và tập trung thảo luận nhiều vấn đề khó khăn, vướng mắc và giải pháp để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp. Cụ thể, Hội nghị phát triển thị trường khoa học công nghệ đồng bộ, hiệu quả, hiện đại và hội nhập do Thủ tướng Chính phủ chủ trì vào tháng 9 vừa qua. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tập trung chỉ đạo thúc đẩy phát triển thị trường khoa học công nghệ, coi thị trường khoa học công nghệ là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Phát triển mạnh mẽ thị trưởng khoa học công nghệ là một nhiệm vụ giải pháp chủ yếu để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh đang diễn ra cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Đại biểu Nguyễn Thị Lan cho rằng, thị trường khoa học công nghệ là nơi diễn ra các giao dịch giữa bên bán, bên cung cấp công nghệ và bên mua công nghệ, bên có nhu cầu công nghệ, sản phẩm khoa học công nghệ, sự phát triển của thị trường khoa học công nghệ liên quan chặt chẽ đến sự hợp tác giữa doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ, trang trại với các trường đại học, viện nghiên cứu. Thị trường khoa học công nghệ được xem là có tính quyết định trong đổi mới mô hình tăng trưởng của nhiều nước, phát triển như Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Hàn Quốc và đối với Việt Nam thị trường khoa học công nghệ mặc dù đã hình thành nhưng sự phát triển còn chậm hơn so với các thị trường khác. Về thể chế, chính sách phát triển thị trường khoa học công nghệ còn bất cập, thiếu đồng bộ, việc hợp tác giữa bên cung và cầu trên thị trường khoa học công nghệ gặp nhiều khó khăn, ách tắc.

Mạnh dạn thí điểm cơ chế đột phá cho tổ chức khoa học, công nghệ.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan - Đoàn ĐBQH Tp. Hà Nội

Để thị trường khoa học, công nghệ phát triển theo đúng kỳ vọng của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu rõ, cả bên cung và bên cầu cần được quan tâm đầu tư nguồn lực, động lực và tạo điều kiện thích đáng với góc nhìn từ một cơ sở đào tạo và nghiên cứu với vai trò là người đứng đầu của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nơi có đội ngũ các nhà khoa học khá đông đảo được coi là bên cung thị trường khoa học, công nghệ còn là thành viên của đội ngũ trí thức khoa học. Đại biểu Nguyễn Thị Lan nêu 3 kiến nghị:

Một là, Chính phủ, Quốc hội quan tâm sớm rà soát, sửa đổi, bổ sung tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, rào cản pháp lý, các quy định còn thiếu hoặc chưa phù hợp với thực tiễn đã được các nhà khoa học, các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp và cử tri đã góp ý và được kết luận trong các chuỗi hội nghị, hội thảo, tham vấn vừa qua để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở nghiên cứu, tạo ra nhiều sản phẩm khoa học có chất lượng cao, có tiềm năng thương mại hóa, làm phong phú thị trường khoa học công nghệ.

Hai là, Chính phủ mạnh dạn cho thí điểm một số cơ chế đột phá cho các tổ chức khoa học công nghệ, giao thêm nhiệm vụ đặt hàng, nghiên cứu, theo dõi kinh phí ít nhất là 5 năm để các cơ sở chủ động trong chiến lược nghiên cứu tạo sản phẩm nghiên cứu khoa học có tiềm năng để thúc đẩy thị trường khoa học công nghệ.

Đổi mới cơ chế tài chính, thanh quyết toán, đấu thầu các nhiệm vụ khoa học công nghệ cho phù hợp với thực tiễn, đòi hỏi của hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Có cơ chế đầu tư mạo hiểm, động viên, chia sẻ rủi ro với các nhà khoa học tiên phong nghiên cứu trong lĩnh vực mới và khó. Cho thí điểm các mô hình doanh nghiệp trong trường đại học như mô hình spin-off, mô hình hợp tác xã trong trường đại học và nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo khác.

Ba là, Chính phủ, Quốc hội ưu tiên đầu tư mạnh mẽ thêm cho khu vực nghiên cứu đổi mới sáng tạo, nơi cung cấp sản phẩm khoa học công nghệ cho thị trường khoa học công nghệ. Hiện nay, ngân sách nghiên cứu dành cho khoa học công nghệ của Việt Nam rất thấp so với các nước, số cán bộ nghiên cứu trên 1 triệu dân của Việt Nam cũng thấp hơn các nước.

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội rà soát lại các tổ chức khoa học công nghệ, các trường đại học để quy hoạch lại các viện nghiên cứu chiến lược đầu tư nghiên cứu trọng tâm, trọng điểm, đúng địa chỉ để đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các tổ chức khoa học công nghệ có cần tăng đầu tư kinh phí trợ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ cho các viện nghiên cứu, các trường đại học nơi có đội ngũ nhân lực khoa học công nghệ đông đảo và coi đây là nơi tạo ra tri thức nền tảng của xã hội, tạo nên tầm vóc và thế đứng của đất nước trên trường quốc tế, tạo nên chân dung hình ảnh của một quốc gia, một dân tộc. Đây chính là cái nôi cho sự sáng tạo, đổi mới công nghệ và cũng là nơi cung cấp các sản phẩm khoa học công nghệ có chất lượng cao làm cho thị trường khoa học, công nghệ phong phú, giàu tiềm năng, mang lại giá trị cao, góp phần thúc đẩy đất nước phát triển phồn vinh tươi đẹp./.

Ánh Nguyệt