ĐBQH TRẦN THỊ HOA RY: NHỮNG CÔNG TRÌNH KÉM HIỆU QUẢ, LÀM NGHÈO ĐẤT NƯỚC THÌ PHẢI ĐƯỢC TẠM DỪNG NGAY

01/11/2022

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn ĐBQH tỉnh Bạc Liêu đề nghị Quốc hội cần thể hiện chính kiến liên quan đến những lĩnh vực nếu đã kiểm đếm được, xác định được là những công trình kém hiệu quả, làm nghèo đất nước thì phải có câu kèm theo là “phải được tạm dừng ngay”.

ĐBQH TRẦN QUANG MINH: CÓ NHỮNG CÔNG TRÌNH SAU HÀNG CHỤC NĂM "ĐẮP CHIẾU" ĐƯỢC CHUYỂN ĐỔI CÔNG NĂNG SỬ DỤNG NHƯNG KHÔNG HIỆU QUẢ

Thực hiện Kỳ họp thứ 4, Quốc hội vừa thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đóng góp vào nội dung trên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu cho rằng, việc thực hiện giám sát về lĩnh vực chính sách pháp luật về tiết kiệm và chống lãng phí là một lĩnh vực rất rộng. Quốc hội lựa chọn giám sát này có ý nghĩa to lớn để chúng ta đánh giá một cách toàn diện liên quan đến lĩnh vực này. Trong Báo cáo giám sát đã tổng hợp và chỉ ra được những công trình không hiệu quả, làm nghèo đất nước, những công trình làm chậm tiến độ hoặc những vấn đề còn khiếm khuyết, hạn chế mà bấy lâu nay chúng ta đã đề cập.


Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, những vấn đề trên không phải đến bây giờ chúng ta mới nhận diện mà có những vấn đề chúng ta đã nhận diện tồn tại từ bấy lâu nay, vậy thì đến khi nào mới có thể khắc phục được? Chính vì vậy, trong Nghị quyết, đề nghị Quốc hội cần thể hiện chính kiến liên quan đến những lĩnh vực nếu đã kiểm đếm được, xác định được là những công trình kém hiệu quả, làm nghèo đất nước thì phải có câu kèm theo là “phải được tạm dừng ngay”.

Liên quan đến vấn đề quản lý, sử dụng đất nông, lâm trường là một chủ đề rất “nóng” và đã được Quốc hội khóa XIII chọn giám sát tối cao vào năm 2015 và đã ban hành Nghị quyết 112. Đến năm 2018, Hội đồng Dân tộc đã giám sát lại. Tuy nhiên, có nhiều nội dung được thể hiện trong Nghị quyết 112 cũng như những kiến nghị của Đoàn giám sát đặt ra đến hiện nay vẫn chưa được xem xét, thực hiện đến nơi, đến chốn.

Theo báo cáo của Chính phủ, hiện nay có khoảng 9 triệu hec-ta đất có nguồn gốc nông, lâm trường do các tổ chức, công ty, ban quản lý, hộ gia đình quản lý, trong đó có khoảng 10% là do Ủy ban nhân dân xã, hộ gia đình quản lý và khoảng 90% đất do tổ chức, công ty quản lý còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả và nhiều công ty thua lỗ, hiệu quả sử dụng không cao nhưng vẫn giữ đất, chưa đề xuất phương án giải thể. Vấn đề đặt ra là có những vấn đề đã nhận diện trong kiến nghị như là một số công ty nông, lâm nghiệp giữ diện tích đất quá lớn, hàng chục ngàn hecta mà nhân lực thì quá mỏng. Bình quân mỗi lao động có những công ty sử dụng từ 500 đến 1000 hec-ta dẫn đến quản lý, sử dụng không hiệu quả, lãng phí nhưng kiến nghị đến nay vẫn chưa được xem xét giải quyết, đến nơi, đến chốn.


Đại biểu Trần Thị Hoa Ry – Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu.

Trong khi việc quản lý, sử dụng đất nguồn gốc từ nông, lâm trường còn bất cập, không hiệu quả thì rất là nhiều hộ gia đình, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số đang thiếu đất ở, đất sản xuất, hoặc là có đi chăng nữa còn đang ở giữa vị trí khó khăn, đất dốc, đất bạc màu và thiếu nước để sản xuất. Đồng bào dân tộc thiểu số phần lớn ở miền núi, vùng nông thôn sinh kế gắn liền với các hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, do đó việc sản xuất có vai trò đặc biệt quan trọng. Vì vậy, thiếu đất sản xuất cũng là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến nhiều hộ đồng bào rất là khó khăn trong thời gian vừa qua. Nếu mà được quan tâm giải quyết tốt, đây cũng là một trong những nội dung mà chúng ta sẽ góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả đối với chương trình mục tiêu quốc gia.

Đề cập nguyên nhân dẫn đến những lãng phí được đề cập nêu trên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, việc tổ chức thực hiện Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí vẫn còn mang dáng dấp hình thức, chưa được triển khai một cách triệt để, nhất là quy định liên quan về đất đai, chưa đánh giá, chưa lượng hóa được mức độ, lĩnh vực, phạm vi lãng phí. Điều này khó quy trách nhiệm cũng như nhìn nhận được mức độ nghiêm trọng, lãng phí trong lĩnh vực này đối với quản lý và sử dụng đất nguồn gốc từ nông, lâm trường.

Từ những vấn đề phân tích nêu trên, đại biểu Trần Thị Hoa Ry cho rằng, việc thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, nhất là trong lĩnh vực đầu tư công, sử dụng hiệu quả nguồn lực, tài sản công là nhiệm vụ rất khó khăn và đòi hỏi phải có sự quyết tâm lớn, kiên trì lớn của cả hệ thống chính trị. Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cần tăng cường hơn nữa việc giám sát, xem xét các kiến nghị trong Báo cáo thẩm tra hàng năm của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng như những kiến nghị trong báo cáo Kiểm toán./.

Bích Lan