GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: CẦN CÓ GIẢI PHÁP CỤ THỂ ĐỂ PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM TRÊN KHÔNG GIAN MẠNG, TỘI PHẠM CÔNG NGHỆ CAO

08/11/2022

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm tại phiên thảo luận về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là vấn đề tội phạm trên không gian mạng, tội phạm công nghệ cao, nhất là tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội.

TỔNG THUẬT NGÀY 08/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên

Đại biểu Lý Văn Huấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên cho rằng, tội phạm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản qua mạng có chiều hướng gia tăng, gây bức xúc trong xã hội. Thực tế, việc điều tra, khám phá loại tội phạm này chiếm tỷ lệ thấp và thường kéo dài. Đại biểu chỉ rõ có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, song nguyên nhân chủ yếu và căn bản là tình trạng quản lý, sử dụng các tài khoản của các cá nhân, các tổ chức tín dụng chưa được chặt chẽ.

“Việc mua bán các tài khoản vẫn diễn ra công khai trên các mạng xã hội, dùng giấy chứng minh nhân dân giả để mua tài khoản, sau đó bán kiếm lời. Công tác quản lý của các tổ chức tín dụng trong việc phát hành các tài khoản cũng chưa chặt chẽ. Chính vì lý do trên, các đối tượng phạm tội đã sử dụng các tài khoản này để chuyển tiền nhằm hợp pháp hóa đồng tiền sau khi chiếm đoạt”, đại biểu phân tích rõ.

Ngoài ra, đại biểu Lý Văn Huấn nhận thấy, việc cơ quan điều tra điều tra loại tội phạm này cũng rất khó khăn, bởi vì các chủ tài khoản này có địa chỉ ở các tỉnh khác nhau. Bản thân các chủ tài khoản không biết ai đang sử dụng các tài khoản của mình. Chính vì vậy, việc điều tra thường không xác định được bị can, dẫn đến vụ án kéo dài phải tạm đình chỉ.

Để khắc phục các tồn tại nêu trên, đại biểu Lý Văn Huấn đề nghị cần có cơ chế quản lý chặt chẽ trong việc phát hành các tài khoản. Mặc dù Bộ luật Hình sự đã có quy định nhưng chưa chặt chẽ, cơ chế chưa đảm bảo, do đó đại biểu đề nghị việc sử dụng các tài khoản của các cá nhân cần có chế tài xử lý nghiêm minh các trường hợp mua, bán tài khoản, làm giả giấy tờ để mở các tài khoản tại ngân hàng. Đồng thời tăng cường công tác quản lý các tổ chức tín dụng đối với các tài khoản đã phát hành, đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ việc mở các tài khoản của các tổ chức tín dụng.

Cùng quan tâm đến vấn đề này, đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đã chi rõ công tác phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực công nghệ thông tin, mạng viễn thông tiếp tục diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn mới, tinh vi.

Phân tích làm rõ hơn thực trạng tội phạm mạng và sử dụng công nghệ cao, đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, những mối đe dọa an ninh phi truyền thống trên không gian mạng, nền tảng số, nguy cơ về mất an toàn thông tin đang có chiều hướng gia tăng, trở thành mối đe dọa trực tiếp tới sự ổn định, phát triển của không ít quốc gia.

Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong quý 1/2021 đã có tổng số 1.271 cuộc tấn công mạng, gây ra sự cố nhằm vào các hệ thống thông tin tại Việt Nam. Với các phương thức như: Tấn công cài mã độc, tấn công lừa đảo, tấn công thay đổi giao diện. Theo đại biểu, tình trạng rò rỉ dữ liệu người dùng hiện nay vẫn chưa được kiểm soát, nhiều trang mạng trong nước và quốc tế vẫn liên tục rao bán dữ liệu chứa thông tin về căn cước công dân số, điện thoại, thư điện tử của hàng triệu người Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đầu tư vào các sản phẩm bảo mật, diệt virus, quản trị văn phòng vẫn dừng ở các con số khiêm tốn.

Đại biểu Thạch Phước Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh 

Ngoài ra, các hoạt động tội phạm công nghệ cao còn nhắm đến việc phá hoại hệ thống máy tính bằng cách phát tán các mã độc, ăn cắp các thông tin về thẻ tín dụng, tài khoản ngân hàng của nạn nhân, lấy cắp các thông tin tình báo, bí mật quốc gia, mua, bán trái phép vũ khí, ma túy. Đáng lo ngại hơn nữa là sự tràn lan của các tin giả, đối tượng tin tặc không thể tấn công vào hệ thống dữ liệu phần mềm nhưng lại tung tin giả có sức phá hoại, gây thiệt hại không hề kém so với các loại virus, sâu máy tính, phần mềm gián điệp cùng các loại tội phạm trên không gian mạng, nền tảng số khác.

Một vấn đề nan giải khác mà đại biểu Thạch Phước Bình nêu là các tổ chức tội phạm về ma túy, cờ bạc, khiêu dâm, mua, bán người đang coi không gian mạng là môi trường kinh doanh kiếm lợi và dễ dàng che đậy hành vi phạm tội.

Từ những tồn tại nêu trên, đại biểu Thạch Phước Bình đã chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập đó là do khuôn khổ pháp lý của chúng ta chưa hoàn chỉnh, chưa đồng bộ, trở thành điểm nghẽn đầu tiên trong không gian số, cụ thể là những vướng mắc trong Luật Giao dịch điện tử, chứng thực điện tử, hợp đồng điện tử trong giao dịch.

Hiện nay, khung luật Việt Nam liên quan đến an ninh thông tin chủ yếu nằm trong các Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Công nghệ thông tin, Luật An toàn thông tin mạng và một số văn bản khác. Mặt khác, chế tài còn chưa đủ nghiêm khắc, luật chưa quy định rõ ràng và cụ thể các điều kiện thu thập thông tin, mức độ hay biện pháp cần phải tiến hành để bảo vệ thông tin cũng như các giải pháp ứng cứu, khắc phục hay ngăn chặn xâm nhập. Chính vì vậy, đại biểu nhận thấy, thông tin cá nhân có thể thu thập là bất kỳ thông tin nào từ tên tuổi, địa chỉ cho tới khuynh hướng tình dục, quan điểm chính trị, thói quen tiêu dùng, đặc biệt ảnh hưởng tới quyền riêng tư của mỗi cá nhân. Hơn nữa, luật cũng chưa có quy định cụ thể, rõ ràng về việc đền bù khi xảy ra hành vi vi phạm an toàn thông tin cá nhân.

Bên cạnh đó, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, ý thức trong việc truy cập Internet, sử dụng dịch vụ nền tảng số của người Việt Nam còn tương đối thấp và còn rất chủ quan. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 80 trên thế giới về ứng dụng công nghệ thông tin. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có ý thức trong việc bảo đảm an toàn thông tin chỉ khoảng 11%, trong khi đó, tại các nước phát triển, tỷ lệ này chiếm tới 60%.

“Sự tồn tại dày đặc của những lỗ hổng bảo mật trong hệ thống website như hiện nay có thể khiến quá trình xây dựng, hoàn thiện các mô hình quản lý như Chính phủ điện tử, Chính phủ số và tương lai là Chính phủ thông minh sẽ phải đối diện với rất nhiều rủi ro tiềm ẩn, bởi bất kỳ mắt xích yếu nào tồn tại trong các mô hình như vậy đều có thể dẫn đến thiệt hại về vật chất và nghiêm trọng hơn là đe dọa an ninh quốc gia, nhất là khi công nghệ thông tin như Internet vạn vật hay dữ liệu lớn đều hướng tới một hệ thống dữ liệu mở, dễ dàng truy cập”, đại biểu phân tích thêm.

Ngoài ra, đại biểu Thạch Phước Bình cho rằng, do hạn chế về cơ sở hạ tầng, liên quan đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng số đồng bộ, tập trung, chuẩn bị kỹ thuật kết nối, chuẩn dữ liệu, cơ sở dữ liệu dùng chung, hạ tầng an ninh, bảo mật, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật thông tin buộc các lĩnh vực phải xây dựng hệ thống bảo mật, đảm bảo hoạt động liên tục, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Trong khi đó, việc đầu tư cho hạ tầng, cho bảo mật thông tin khi chuyển đổi số có chi phí rất lớn, gây khó khăn cho các tổ chức, doanh nghiệp có thể áp dụng.

Góp phần hạn chế, phòng, chống tội phạm mạng, tội phạm công nghệ cao, đại biểu kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành, tổ chức, cá nhân có liên quan cần quan tâm một số giải pháp sau:

Một, tiếp tục ban hành chính sách, biện pháp cụ thể đảm bảo an ninh, trật tự trong phát triển các lĩnh vực khoa học, công nghệ nhằm phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có quy định chi tiết một số điều về Luật An ninh mạng và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Thủ tướng, của Chính phủ.

Hai, có giải pháp nâng cao nhận thức cho nhân viên, người tiêu dùng, bộ phận chuyên trách về an toàn thông tin, đào tạo, huấn luyện đội ngũ chuyên trách. Đồng thời nâng cao ý thức sử dụng các dịch vụ thông tin, nhất là nguồn thông tin từ nước ngoài, nâng cao khả năng nhận biết, tiếp nhận thông tin, khả năng tự vệ, miễn dịch trước những thông tin độc hại đối với sinh viên, học sinh, về nguy cơ yếu tố đe dọa an toàn thông tin.

Ba, cần phân tách các vùng mạng và có phương án bảo vệ riêng, mỗi vùng mạng thiết lập và bảo vệ các kết nối VPN, thiết lập hệ thống phòng, chống xâm nhập cho các vùng thông tin xác thực mạnh và chữ ký số.

Đại biểu Cao Mạnh Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa

Cũng đề cập đến tội phạm trên không gian mạng, đại biểu Cao Mạnh Linh - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa cho rằng, vấn đề tội phạm và vi phạm pháp luật trên không gian mạng đang có diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn, phương thức mới tinh vi hơn. Với sự thay đổi, phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, ngày nay, môi trường mạng xã hội như một xã hội thứ hai mà tại đó, ngoài đời thực có gì thì trên không gian mạng hầu như cũng có. Đời thực có các loại vi phạm pháp luật, tội phạm gì thì cơ bản hầu như cũng xảy ra trên không gian mạng như: lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng, tín dụng đen, mua bán trái phép vũ khí, phát tán, chia sẻ thông tin sai sự thật, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, đăng tải thông tin chống phá Đảng, Nhà nước…

Đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng, ngoài sự đa dạng, phức tạp thì tính chất, mức độ của tội phạm và vi phạm pháp luật diễn ra trên không gian mạng còn có giác độ nguy hiểm hơn ngoài đời thực bởi tính chất đặc thù của môi trường không gian mạng.

Thứ nhất, tính không biên giới của môi trường không gian mạng, đối tượng vi phạm phạm tội có thể ở bất cứ đâu, kể cả ở nước ngoài. Thứ hai, do sự thay đổi nhanh chóng về công nghệ, vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng thường đi trước một bước. Do vậy, đại biểu nhấn mạnh, nếu không kịp thời phát hiện, ngăn chặn thì khi hậu quả xảy ra rất khó xử lý. Nhiều trường hợp khi người bị hại tố giác thì đối tượng đã kịp xóa dấu vết và tẩu tán tài sản do phạm tội mà có. Ngoài việc là nơi diễn ra vi phạm pháp luật và tội phạm, không gian mạng còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động và là nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật ngoài đời thực.

Với tính chất đặc thù như vậy, đại biểu Cao Mạnh Linh đề nghị cần tiếp tục chú trọng hơn nữa công tác này, trong đó việc tuyên truyền phải bảo đảm thiết thực hơn, giúp người dân nhận biết, nhận diện được phương thức, thủ đoạn của tội phạm để chủ động phòng ngừa, xây dựng các chương trình tuyên truyền vào khung giờ vàng trên sóng truyền hình để bảo đảm tuyên truyền đến số đông người dân, phát huy vai trò của chính quyền cấp cơ sở để tuyên truyền đến từng nhà, từng người dân trên địa bàn. Hiện nay rất nhiều người dân sử dụng điện thoại thông minh và mạng xã hội như zalo, facebook nên đây cũng là cách tiếp cận rất thuận lợi trong công tác tuyên truyền.

Đồng thời cần tiếp tục phát huy vai trò của người dân mà trực tiếp là người dùng trên không gian mạng trong công tác phòng ngừa, phát hiện các vi phạm pháp luật và tội phạm trên không gian mạng. Cần xây dựng cơ chế để người dân có thể cung cấp thông tin thật thuận tiện, đơn giản, phù hợp như lập số điện thoại đường dây nóng, cung cấp địa chỉ báo tin.

Bênh cạnh đó, đại biểu Cao Mạnh Linh cho rằng, cần có các phương thức phù hợp, thuận tiện với thói quen của người dùng trên không gian mạng như lập hòm thư điện tử, lập tài khoản mạng xã hội để người dân thuận tiện cung cấp thông tin về tội phạm cho cơ quan chức năng. Tuy nhiên, cũng cần lưu ý các biện pháp để bảo đảm các đối tượng không giả mạo được các tài khoản, hòm thư để lừa đảo.

Bên cạnh các vai trò chủ động của các cơ quan chức năng, đại biểu Cao Mạnh Linh nhận thấy, các giải pháp nêu trên sẽ là một giải pháp hữu hiệu để giúp mọi người có khả năng chủ động bảo vệ mình trước các yếu tố tiêu cực của không gian mạng./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác