TỔNG THUẬT CHIỀU 09/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT PHÒNG THỦ DÂN SỰ
Quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của “thảm họa” và “sự cố”.
Góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự, đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang nêu quan điểm, phòng thủ dân sự là bộ phận quan trọng của phòng thủ đất nước, phòng thủ dân sự với các biện pháp như phòng, chống, khắc phục hậu quả chiến tranh, thảm họa, sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhằm bảo vệ Nhân dân, cơ quan, tổ chức và nền kinh tế quốc dân, góp phần quan trọng xây dựng thế trận lòng dân, góp phần tạo thế chủ động chiến lược, ngăn chặn, đẩy lùi các nguy cơ, bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, giữ nước từ khi nước chưa nguy.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú, Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang góp ý vào dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Góp ý về các nội dung cụ thể, đại biểu cho biết tại khoản 2, khoản 3 Điều 2 dự thảo luật quy định "sự cố là tình huống nguy hiểm, nghiêm trọng do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh có nguy cơ dẫn tới thảm họa". Còn "thảm họa là biến động do thiên nhiên, dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng hoặc do con người gây ra hoặc do hậu quả chiến tranh làm thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường".
Đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, theo quy định này thì sự cố là tình huống nguy hiểm, nghiêm trọng, có nguy cơ dẫn tới thảm họa, còn thảm họa là đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản, môi trường. Như vậy, sự cố và thảm họa có mối quan hệ với nhau nhưng tính chất, mức độ nghiêm trọng và hậu quả là khác nhau. Tuy nhiên, đại biểu nhận thấy một số nội dung trong dự thảo luật chỉ quy định chung các biện pháp phòng, chống, ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố, thảm họa. Điều 18 dự thảo luật quy định chung các biện pháp được áp dụng khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố. Mục 3 Chương II dự thảo luật cũng quy định chung các hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố mà chưa có các quy định riêng biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa với biệt pháp ứng phó, khắc phục hậu quả sự cố.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú nhấn mạnh, do tính chất, mức độ và hậu quả giữa thảm họa và sự cố là khác nhau, nên bên cạnh việc quy định các biện pháp chung thì cũng cần quy định riêng các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của thảm họa và các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả của sự cố.
Cân nhắc kỹ việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự căn cứ vào địa giới hành chính.
Khoản 2 Điều 21 dự thảo luật quy định 4 cấp độ phòng thủ dân sự. Theo đó, cấp độ 1 được áp dụng để ứng phó, khắc phục hậu quả thảm họa, sự cố trong phạm vi địa bàn cấp huyện, cấp độ 2 là trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh… Về nội dung này, đại biểu Nguyễn Danh Tú cho rằng, việc quy định cấp độ phòng thủ dân sự là nội dung rất quan trọng. Quy định cấp độ phòng thủ dân sự là cơ sở quy định thẩm quyền ban bố, bãi bỏ và các biện pháp được áp dụng trong từng cấp độ phòng thủ dân sự. Tuy nhiên, khoản 2 Điều 21 của dự thảo luật quy định cấp độ phòng thủ dân sự dựa trên cơ sở phạm vi địa giới hành chính, theo tôi cần được cân nhắc kĩ.
Đại biểu lý giải, các thảm họa, sự cố cùng tính chất, mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng, cùng tính chất, mức độ thiệt hại về người, tài sản, môi trường nhưng có thể được xác định ở các cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau. Như trường hợp thảm họa, sự cố xảy ra tại 2 xã nhưng 2 xã này cùng trong phạm vi địa bàn 1 huyện thì được xác định là cấp độ 1 của phòng thủ dân sự. Nhưng trường hợp 2 xã này thuộc 2 huyện trong tỉnh thì lại có thể được xác định là cấp độ 2 của phòng thủ dân sự, mặc dù tính chất, mức độ thảm họa, sự cố trong hai trường hợp này là tương tự. Theo đại biểu như vậy là có điểm chưa phù hợp, hơn nữa việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau sẽ dẫn đến các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả được áp dụng trong từng cấp độ phòng thủ dân sự cũng là khác nhau, mặc dù tính chất, mức độ thảm họa, sự cố trong hai trường hợp này là như nhau.
Bên cạnh đó, cùng một thảm họa, sự cố nhưng có thể được xác định ở các cấp độ phòng thủ dân sự khác nhau, như trường hợp xảy ra thảm họa sự cố ở một xã, căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 thì thảm họa sự cố này xảy ra trong phạm vi địa bàn cấp huyện, nên có thể được xác định là cấp độ 1 của phòng thủ dân sự.
Toàn cảnh phiên thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Phòng thủ dân sự.
Ngoài ra, thảm họa, sự cố này cũng xảy ra trong địa bàn cấp tỉnh nên cũng có thể được xác định là cấp độ 2 của phòng thủ dân sự. Như vậy, theo tôi là chưa phù hợp, trong quá trình triển khai, quy định này có thể dẫn đến thực hiện không thống nhất.
Đại biểu Nguyễn Danh Tú cũng lưu ý, phòng thủ dân sự cấp độ 2 là cao hơn phòng thủ dân sự cấp độ 1, tuy nhiên không phải mọi trường hợp hậu quả thảm họa, sự cố xảy ra trong địa bàn phạm vi cấp tỉnh cũng lớn hơn hậu quả thảm họa, sự cố xảy ra trong địa bàn phạm vi cấp huyện. Có thể có trường hợp thảm họa, sự cố xảy ra trong phạm vi cấp huyện gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản lớn hơn nhiều so với thiệt hại do thảm họa, sự cố xảy ra trên một khu vực nhất định trong phạm vi địa bàn cấp tỉnh, từ đó đòi hỏi các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả cũng phải cao hơn.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Danh Tú đề nghị cần cân nhắc kỹ việc xác định cấp độ phòng thủ dân sự căn cứ vào địa giới hành chính quy định tại khoản 2 Điều 21 dự thảo luật. Dự thảo luật nên căn cứ vào tính chất, mức độ nguy hiểm, nghiêm trọng, tính chất, mức độ thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tài sản, môi trường do các thảm họa, sự cố gây ra để xác định cấp độ phòng thủ dân sự, với các biện pháp ứng phó, khắc phục tương ứng với từng cấp độ phòng thủ dân sự./.