GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KIẾN NGHỊ NHIỀU GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

11/11/2022

Một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm tại phiên thảo luận ở hội trường về Báo cáo công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2022 tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV là công tác phòng, chống tham nhũng. Các ý kiến đề nghị cần tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng.

TỔNG THUẬT NGÀY 08/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG TỘI PHẠM; CÔNG TÁC THI HÀNH ÁN; CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2022

Đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang 

Đồng tình nhất trí cao với nội dung đánh giá trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp, đại biểu Trần Văn Tuấn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Giang nhận thấy, năm 2022 công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có những bước tiến mạnh, đột phá, tham nhũng tiếp tục được kiềm chế, ngăn chặn, có chiều hướng thuyên giảm; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng được đẩy mạnh; vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong phòng, chống tham nhũng ngày càng được khẳng định và phát huy; công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, nghiêm minh.

Đại biểu Trần Văn Tuấn nhấn mạnh, những kết quả nêu trên tiếp tục khẳng định quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ, đã tạo được hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được cán bộ, đảng viên và Nhân dân đồng tình ủng hộ, bạn bè quốc tế ghi nhận.

Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Trần Văn Tuấn đề nghị tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống tham nhũng. Trong đó, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo, nhất là Luật Khiếu nại theo hướng giao cho tòa án các cấp nhiều trách nhiệm hơn trong giải quyết khiếu nại đối với các hành vi hành chính. Cụ thể là, đối với các trường hợp khiếu nại từ lần thứ hai trở đi, đại biểu đề nghị chỉ giải quyết theo trình tự, thủ tục tố tụng hành chính, qua đó nhằm hướng tới 2 mục tiêu.

Mục tiêu thứ nhất là nhằm phát huy tốt hơn vai trò của cơ quan tư pháp trong kiểm sát quyền lực đối với các cơ quan hành pháp, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Mục tiêu thứ hai là góp phần nâng cao hiệu quả công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo để bảo đảm công tác này được khách quan hơn, tránh sự đùn đẩy, né tránh và khắc phục tình trạng đơn thư khiếu nại phức tạp như trong thời gian hiện nay.

Cùng quan tâm đến nội dung này, đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương nhận thấy, trong những năm gần đây, nhân dân rất phấn khởi về kết quả của việc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Thể hiện khâu “chống tham nhũng”, tức là chúng ta đã đưa ra được nhiều vụ án lớn, xét xử kịp thời; đưa ra những đối tượng phạm tội ở vị trí có chức vụ cao.

Đại biểu Trần Công Phàn cho rằng, từ các vụ đấu tranh chống tham những, các cơ quan tư pháp tiếp tục kiến nghị và chỉ ra được nguyên nhân dẫn đến tham nhũng để làm sao chúng ta phòng ngừa với tinh thần  “không thể”, “không dám”, “không muốn tham nhũng”. Mặc dù chúng ta đang làm tốt rồi nhưng cần cố gắng làm tốt hơn trước, vì vậy, đại biểu Trần Công Phàn đề nghị cần chú ý đến khâu “phòng tham nhũng”, phòng làm sao để cho không tham nhũng.

Đại biểu Trần Công Phàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, đây là vấn đề nóng nhưng cũng khá nhạy cảm. Tham nhũng có thể nói là có ở mọi nơi trên thế giới. Đại biểu nêu dẫn chứng, hiện nay, các chỉ số chống tham nhũng ở các nước đạt cao trên thế giới như Bắc Âu, Đan Mạch hay New Zealand thì chỉ số cũng chỉ đạt 88 điểm, còn Phần Lan, Singapore đứng thứ 2 đạt 85 điểm, không có nước nào đạt 100 điểm. Như vậy, việc tham nhũng xảy ra khắp nơi trên thế giới, ngay cả ở các nước phát triển, còn Việt Nam đang đạt 36 điểm.

Học tập kinh nghiệm của những nước phát triển về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Nguyễn Quang Huân bày tỏ 3 quan điểm:

Thứ nhất, cần phải xây dựng một bộ quy tắc ứng xử theo tiêu chuẩn liêm chính ở cả cơ quan công quyền và cả khối doanh nghiệp cũng như các tổ chức xã hội nghề nghiệp khác như đại biểu Trần Công Phàn đã nêu, việc phòng là quan trọng, chúng ta làm tốt thì chính là bảo vệ cán bộ.

Đại biểu cho rằng, xây dựng bộ quy tắc ứng xử để bảo vệ cán bộ thanh tra chứ không phải để ngăn chặn hoặc gây ức chế trong quá trình công tác. Bởi ở các nước phát triển có bộ quy tắc phân định rất rõ hành vi tham nhũng, thế nào là tham nhũng được định nghĩa rõ. “Giữa bôi trơn và tham nhũng là khác nhau. Hành vi vận động hành lang gọi là lobby đúng cách thì không phải là tham nhũng. Khi cán bộ, công chức thực thi trong đấy, người ta biết lằn ranh tới đâu được làm, tới đâu không được làm”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu ví dụ.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Thứ hai, phải tăng lương đủ hấp dẫn cho cán bộ, công chức. Về cơ bản lương tăng gấp nhiều lần so với vị trí làm bên ngoài về khối doanh nghiệp thì mới đủ thu hút được cán bộ, công chức a đam mê, cống hiến và phải có trách nhiệm với công vụ của mình.

Thứ ba, phải kiên trì nâng cao nhận thức. Đại biểu Nguyễn Quang Huân tin rằng, cùng với quá trình phát triển kinh tế, cùng với quá trình phát triển xã hội thì nhận thức chung của xã hội sẽ dần dần đi lên. Bởi vì, công cuộc chống tham nhũng không phải là một bộ phận này hay một bộ phận kia, nhóm cộng đồng này, nhóm dân cư kia mà phải là toàn xã hội, toàn lực lượng.

“Chỉ khi nào toàn xã hội cùng có chung một nhận thức thì lúc đấy công tác tham nhũng mới được thuyên giảm. Nếu chúng ta làm thường xuyên như rửa mặt hàng ngày, như Bác Hồ nói thì có thể hy vọng sau 1-2 thế hệ nữa thì chỉ số nhận biết tham nhũng của Việt Nam có thể ở mức trên trung bình của thế giới”, đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu rõ.

Đồng quan điểm với các đại biểu về công tác phòng, chống tham nhũng, đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá đề nghị Chính phủ cần đặc biệt quan tâm đến phòng, chống tham nhũng trong lĩnh vực đất đai. Cụ thể, cần tăng cường thực thi pháp luật và xử lý nghiêm hành vi sử dụng đất bất hợp pháp, với ý nghĩa đây là việc được quyền sử dụng nguồn lực đất đai thông qua hành vi trái pháp luật.

Theo đại biểu Lê Thanh Hoàn, cũng giống như các hành vi phạm tội thông thường dưới góc độ kinh tế, sử dụng đất trái pháp luật có thể được coi là hành vi kinh tế dựa trên vấn đề quyết định về chi phí và lợi ích. Việc theo đuổi lợi ích rất lớn thu được từ đất đai của các tổ chức và cá nhân có liên quan, nhu cầu thu ngân sách và sự cạnh tranh để tăng trưởng kinh tế của chính quyền địa phương được coi là yếu tố chính thúc đẩy việc vi phạm pháp luật đất đai.

Đại biểu Lê Thanh Hoàn - Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hoá

“Việc quyết định vi phạm pháp luật đất đai của các bên liên quan phụ thuộc vào cách họ xác định mối quan hệ giữa lợi ích của việc sử dụng đất bất hợp pháp và chi phí và hậu quả của nó. Một khi họ tin rằng lợi ích mong đợi của việc sử dụng đất bất hợp pháp cao hơn chi phí và hậu quả họ phải trả thì với tư cách là người kinh doanh họ sẽ quyết định vi phạm pháp luật”, đại biểu phân tích.

Do đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn cho rằng, việc tăng cường thực thi pháp luật đất đai có hiệu quả sẽ tác động rất lớn, rất quan trọng đến những chi phí, hậu quả khi cá nhân, tổ chức vi phạm pháp luật phải bỏ ra và gánh chịu. Bởi phần lớn chi phí cố định như bồi thường kinh tế, thời gian hoặc lao động, vốn đầu tư mà người vi phạm pháp luật phải trả cho việc sử dụng đất bất hợp pháp sẽ không cao hơn so với việc sử dụng đất hợp pháp. Và một khi hiệu quả của việc thực thi pháp luật đất đai tăng lên thì khả năng bị điều tra và trừng phạt sẽ tăng lên, khi đó thiệt hại và hậu quả từ hành vi vi phạm pháp luật sẽ rất lớn, thường sẽ vượt quá lợi ích thu được nếu mà thực hiện đúng pháp luật về đất đai.

Như vậy, nếu chúng ta thực thi pháp luật về đất đai không nghiêm sẽ dẫn đến tình trạng vi phạm pháp luật đất đai ngày càng tăng và ngược lại nếu chúng ta thực thi nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về đất đai cũng như tạo ra cơ chế, chính sách phù hợp thì chắc chắn vi phạm pháp luật về đất đai trong thời gian tới sẽ giảm.

Cùng với đó, đại biểu Lê Thanh Hoàn đề nghị nghiên cứu, xem xét việc thành lập các cơ quan kiểm tra, thanh tra, giám sát đất đai quốc gia theo vùng trực thuộc cơ quan trung ương đóng tại địa phương./.

Bích Ngọc

Các bài viết khác