TỔNG THUẬT CHIỀU 03/11: CHẤT VẤN VÀ TRẢ LỜI CHẤT VẤN VẤN ĐỀ THỨ NHẤT – LĨNH VỰC XÂY DỰNG
Đại biểu Tô Thị Bích Châu - Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh
Theo đó, Bộ Xây dựng nhận được Phiếu chất vấn của Đại biểu Quốc hội Tô Thị Bích Châu thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh với nội dung chất vấn: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết đến khi nào Bộ Xây dựng có Thông tư liên tịch (hoặc phối hợp) để Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính có sự thống nhất về các trình tự, thủ tục và cách hiểu thống nhất để giải quyết các dự án còn tồn đọng và đẩy nhanh tiến độ thực hiện, nhất là các dự án tồn đọng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh”.
Về nội dung này, Bộ Xây dựng cho biết, hiện nay, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành không còn hình thức văn bản Thông tư liên tịch giữa các Bộ, ngành. Tuy nhiên, theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022 và các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 của Quốc hội, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, nghiên cứu xây dựng dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) để báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến vào kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2023).
Trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ Xây dựng đã đề xuất quy định về quá trình đầu tư xây dựng dự án nhà ở, trong đó xác định rõ việc thực hiện dự án nhà ở phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan như: thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về nhà ở; việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; việc giao đất, cho thuê, chuyển mục đích sử dụng đất để thực hiện dự án được thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai; việc lập, thẩm định, phê duyệt, triển khai thực hiện dự án, nghiệm thu, bàn giao đưa vào sử dụng được thực hiện theo quy định của pháp luật về xây dựng... để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, thúc đẩy phát triển dự án xây dựng nhà ở./.