ĐBQH VÕ MẠNH SƠN: CÂN NHẮC VIỆC THỎA THUẬN SỬ DỤNG CÁC LOẠI CHỮ KÝ ĐIỆN TỬ

08/12/2022

Phát biểu góp ý về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử trong việc công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài.

TỔNG THUẬT SÁNG 11/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ DỰ ÁN LUẬT GIAO DỊCH ĐIỆN TỬ (SỬA ĐỔI)

Đại biểu Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) phát biểu góp ý về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)

Cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử

Góp ý về công nhận và sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong dự thảo Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết, tại Điều 28 dự thảo luật quy định về việc sử dụng và công nhận chữ ký điện tử nước ngoài, Nhà nước sẽ thực hiện việc công nhận giá trị pháp lý cũng của chữ ký điện tử và chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài. Theo đại biểu Võ Mạnh Sơn, quy định như vậy có thể dẫn đến cách hiểu là tất cả các giao dịch điện tử sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài sẽ phải trải qua thủ tục kiểm tra về mặt giá trị pháp lý.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị Ban soạn thảo cần cân nhắc cho phép các bên được tự thỏa thuận về việc sử dụng các loại chữ ký điện tử hoặc chứng thư điện tử, bởi tôn trọng quyền tự do lựa chọn của các bên giao dịch thương mại có đặc điểm là tôn trọng tối đa quyền tự do lựa chọn của các bên, pháp luật chỉ can thiệp khi trái với quy định của pháp luật, thuần phong mỹ tục và đạo đức xã hội. Việc loại trừ với các giao dịch thương mại sẽ thúc đẩy giao thương xuyên biên giới, các bên có thể tự do lựa chọn bất kỳ hình thức chữ ký điện tử nào phù hợp với hoạt động của mình để thực hiện giao dịch. Các bên thương nhân đều là các bên tương đối bình đẳng về mặt pháp luật, do đó có thể tự thỏa thuận về vấn đề này. Ngược lại, quy định về việc công nhận giá trị pháp lý của chữ ký điện tử nước ngoài có thể gia tăng chi phí cho các bên, tạo rào cản cho giao dịch xuyên biên giới.

Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Việc giải quyết tranh chấp sẽ được thực hiện ở các cơ quan giải quyết tranh chấp nếu các bên có tranh chấp, trong đó có tranh chấp về giá trị pháp lý của chữ ký điện tử. Cơ quan giải quyết tranh chấp nên dựa vào độ tin cậy của phương tiện điện tử để ra quyết định mà không cần các cơ quan nhà nước công nhận.

Do vậy, đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng như sau, cho phép các bên trong hoạt động thương mại được tự thỏa thuận về việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài hoặc chứng thư chữ ký điện tử nước ngoài, trong trường hợp đó chữ ký điện tử nước ngoài vẫn có giá trị xác nhận giao dịch giữa các bên. Việc sử dụng chữ ký điện tử nước ngoài trong các hợp đồng thương mại cho mục đích giao dịch với các cơ quan nhà nước vẫn phải thực hiện theo quy định và công nhận chữ ký điện tử ở trên.

Về dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, đại biểu Võ Mạnh Sơn nhấn mạnh, Điều 31 dự thảo bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh có điều kiện mới là dịch vụ chứng thực thông điệp dữ liệu, tuy nhiên quy định này có nguy cơ chồng chéo, trùng lặp với dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử quy định tại Nghị định 52 sửa đổi Nghị định 85 của Chính phủ. Do vậy, đại biểu đề nghị các cơ quan soạn thảo cân nhắc nâng cấp toàn bộ quy định về dịch vụ chứng thực hợp đồng điện tử tại Nghị định số 52 lên thành dịch vụ chứng thực dữ liệu điện tử, đồng thời xác định rõ bộ chuyên ngành quản lý dịch vụ này để phù hợp với các nguyên tắc việc ban hành, điều kiện kinh doanh, phải tiết kiệm thời gian, chi phí tuân thủ cho nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi)​.

Cần quy định rõ ràng về các giao dịch điện tử tại các cơ quan nhà nước

Liên quan đến vấn đề giao dịch điện tử giữa các cơ quan nhà nước với cơ quan, tổ chức, cá nhân tại khoản 3 Điều 40, đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết, qua phản ánh của các cử tri và doanh nghiệp, hiện nay tình trạng một số doanh nghiệp và người dân mong muốn được thực hiện các giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước nhưng nhiều trường hợp bị từ chối tiếp nhận văn bản điện tử hoặc tiếp nhận xong vẫn yêu cầu doanh nghiệp và người dân nộp thêm bàn giấy. Điều này gây cản trở rất lớn đối với việc điện tử hóa các dịch vụ công, thủ tục hành chính gây mất thời gian, công sức, tiền bạc của người dân và doanh nghiệp, thậm chí là cơ hội cho những nhũng nhiễu, tiêu cực. Vấn đề nằm ở việc các cơ quan nhà nước có chấp nhận giao dịch điện tử hay không, thường được quy định ở pháp luật chuyên ngành nào, chuyên ngành do chính cơ quan đó soạn thảo, tốc độ chuyển biến rất chậm. Vì vậy, dự thảo cần có quy định đủ mạnh và rõ ràng về các giao dịch với các cơ quan nhà nước.

Theo đó, đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cơ quan soạn thảo cần bổ sung nguyên tắc cơ quan nhà nước buộc phải tiếp nhận và xử lý giao dịch điện tử gửi đến từ người dân và doanh nghiệp. Các cơ quan này không được phép từ chối hoặc yêu cầu nộp thêm hồ sơ là bản cứng thì mới tiến hành xử lý hồ sơ. Quy định về các tiêu chuẩn cụ thể, tối thiểu về chữ ký điện tử, chứng thực chữ ký để người dân, cơ quan nhà nước có thể áp dụng ngay mà không cần chờ văn bản pháp luật chuyên ngành sửa đổi.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm tại về dự án Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi).

Về dữ liệu mở, đại biểu đề nghị sửa đổi khoản 1 Điều 44 theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ. Các ngoại lệ này phải được quy định trong nghị định hoặc là quyết định của Thủ tướng Chính phủ, bởi hiện nay Luật Tiếp nhận thông tin đã quy định các thông tin phải được công khai rộng rãi mà công dân được quyền tiếp cận, tức là quyền được đọc, xem, nghe, ghi chép, sao chép và chụp thông tin. Một trong những hình thức công khai thông tin là hình thức điện tử trên cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước. Đây hoàn toàn có thể là nguồn dữ liệu phù hợp để mở.

Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho rằng cần bổ sung quy định theo hướng các dữ liệu được công khai theo quy định pháp luật được coi là nguồn dữ liệu mở, ngoại trừ các ngoại lệ. Ngoại lệ này cần phải được quy định trong các nghị định hoặc quyết định của Thủ tướng Chính phủ như trên là phù hợp, giảm bớt các thủ tục cơ quan nhà nước công bố dữ liệu mở như dự thảo luật quy định.

Về xử lý vi phạm, tại khoản 8 Điều 6 quy định về nội dung quản lý nhà nước về giao dịch điện tử, thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về giao dịch điện tử, nhưng dự thảo chưa có quy định cụ thể về các vi phạm và xử lý vi phạm. Đại biểu đề nghị dự thảo cần quy định cụ thể để làm rõ tính chất, mức độ vi phạm và chế tài phù hợp đối với từng mức độ vi phạm nhất định hoặc các quy định dẫn chiếu cụ thể dẫn đến luật chuyên ngành về phương thức giải quyết tranh chấp đặc thù liên quan đến việc ký kết và thực hiện giao dịch điện tử.

Về vấn đề công chứng, chứng thực hợp đồng điện tử, Đại biểu Võ Mạnh Sơn cho biết Luật Giao dịch điện tử quy định về hợp đồng điện tử và trên thực tế, hợp đồng điện tử đã và đang được áp dụng để giao kết rộng rãi. Tuy nhiên, pháp luật về công chứng, chứng thực, đăng ký giao dịch đảm bảo chưa có quy định hướng dẫn các hoạt động này cho các loại hình hợp đồng điện tử, dẫn đến hạn chế trong các bên quá trình lựa chọn phương thức giao kết hợp đồng. Đại biểu Võ Mạnh Sơn đề nghị cần cân nhắc, xem xét bổ sung thêm các điều khoản, nguyên tắc về công chứng, chứng thực đăng ký hợp đồng điện tử để làm khung pháp lý cho các hoạt động này và là căn cứ để sửa đổi, bổ sung Luật Công chứng hoặc các văn bản liên quan đến công chứng./.

Trọng Quỳnh

Các bài viết khác