ĐBQH DƯƠNG VĂN PHƯỚC: GIỮ GÌN KHÔNG GIAN TRANG NGHIÊM CỦA DI SẢN VĂN HÓA CỘT CỜ HÀ NỘI

03/02/2023

Quan tâm đến vấn đề quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chất vấn đối với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng về Cột cờ Hà Nội và việc thu phí tham quan di tích.

 

Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam 

Trả lại không gian trang nghiêm vốn có của di sản văn hóa Cột cờ Hà Nội

Theo đại biểu Dương Văn Phước, cùng với phát triển du lịch là bảo tồn và giữ gìn các công trình kiến trúc nghệ thuật, các di sản văn hóa. Về vấn đề này, tại Kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV, đại biểu đã nêu vấn đề thực trạng kinh doanh, buôn bán xâm lấn không gian di sản văn hóa Cột cờ Hà Nội với Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, được cử tri cả nước và nhiều Đại biểu Quốc hội quan tâm.

Nhằm giám sát lại vấn đề đã chất vấn, đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết, đến nay Bộ đã thực hiện những nội dung cụ thể nào để loại bỏ hàng quán xâm phạm di sản văn hóa Cột cờ Hà Nội, trả lại không gian trang nghiêm vốn có của di sản văn hóa Cột cờ Hà Nội? Đồng thời, đâu là những vướng mắc, trở ngại trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay nói chung và di sản văn hóa Cột cờ Hà Nội nói riêng?

Cũng theo đại biểu Dương Văn Phước, xuất phát từ việc phát huy các giá trị di sản văn hóa phải đi đôi với việc bảo tồn, quản lý và tôn tạo các di sản văn hóa, việc thu phí tham quan chỉ nên để chi phục vụ vào việc quản lý và phát huy giá trị các di sản văn hóa mà không tính vào ngân sách nhà nước vì di tích là tài sản của Nhân dân, bản chất nguồn thu phí tham quan di tích là khách du lịch chi trả. Về vấn đề này, cũng đã được quy định tại Điều 58 Luật di sản văn hóa, Điều 17 Nghị định số 109/2017/NĐ-CP ngày 21/9/2017 của Chính phủ. Tuy nhiên, thực tế hiện nay, nguồn thu phí tham quan này lại nộp vào ngân sách, được sử dụng để xác định số thu ngân sách địa phương, cân đối chung cho chi thường xuyên và chi đầu tư, không được sử dụng để chi cho hoạt động bảo vệ và quản lý di sản văn hóa theo quy định của Luật di sản văn hóa.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về vấn đề này? Giải pháp nào để khắc phục tình trạng trên để nguồn thu từ phí tham quan được dành để chi cho việc quản lý, phát huy giá trị các di sản văn hóa?

Nhận thức về vai trò, tầm quan trọng và giá trị di sản văn hóa còn chưa đầy đủ

Trả lời văn bản chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, Cột cờ Hà Nội là một hạng mục của di tích Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội (di sản được UNESCO ghi danh), thuộc thẩm quyền quản lý trực tiếp của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị di tích.

Để bảo vệ và phát huy giá trị di tích, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang triển khai Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội. Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Dự án đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thẩm định tại Công văn số 2477/BVHTTDL-DSVH ngày 03/7/2020, theo đó Kỳ đài (di tích Cột cờ Hà Nội) được đề xuất bảo quản, tu bổ và tôn tạo với nội dung: "Không gian xung quanh Kỳ đài sẽ được xử lý giải tỏa các nhà dân, vườn cây, trả lại khoảng không thông thoáng, mở rộng tầm nhìn từ các hướng đến công trình".

Trong quá trình triển khai tiếp theo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ hướng dẫn, có ý kiến đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan liên quan lưu ý tôn tạo, chỉnh trang khu vực đảm bảo tôn nghiêm, trang trọng và mỹ quan.

Cột cờ Hà Nội là một hạng mục của di tích Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội

Về những vướng mắc, trở ngại trong việc quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiện nay nói chung và di sản văn hóa Cột cờ Hà Nội nói riêng, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ: Nhận thức của toàn xã hội về vai trò, tầm quan trọng và giá trị di sản văn hóa còn chưa đầy đủ và tương xứng với vai trò và vị trí của di sản trong đời sống xã hội, chưa coi việc bảo tồn di sản văn hóa là mục tiêu và động lực phát triển bền vững kinh tế xã hội, chưa chú trọng ưu tiên cho việc bảo tồn, giữ gìn di sản. Ở các di tích, bên cạnh việc chấp hành tốt quy định pháp luật trong bảo vệ di sản văn hóa, tình trạng ưu tiên xây dựng các công trình khai thác di sản, mà ít tập trung ngân sách cho việc bảo tồn, tu bổ vẫn còn diễn ra ở một số địa phương. Nhiều nơi còn lúng túng trong việc xử lý hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển; giữa kinh tế và văn hóa, giữa lợi ích trước mắt với sự phát triển bền vững... Việc phát triển du lịch một cách ồ ạt trong khi chưa đầu tư hợp lý cho cơ sở hạ tầng đã làm cho di sản có nguy cơ bị ô nhiễm do quá tải, nhất là trong mùa lễ hội. Tại một số di sản tiêu biểu, như Tràng An, Phong Nha - Kẻ Bàng, Hạ Long, núi Bà Đen, núi Sam đã cho thấy những tiềm năng rất lớn để khai thác du lịch, dẫn đến tình trạng một số tổ chức, cá nhân đã tự ý xây dựng các công trình dịch vụ, du lịch… để đón khách khi chưa được cơ quan thẩm quyền cấp phép (như: việc xây dựng công trình đường lên núi Cái Hạ trong khu vực di sản thế giới Quần thể danh thắng Tràng An ở Ninh Bình, xây dựng tượng Bà Chúa Xứ tại Núi Sam ở An Giang…).

Trên thực tế, hiện nay vẫn còn di tích bị tu bổ sai quy cách, nhất là các di tích được tu bổ bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, do buông lỏng quản lý, do sự 3 thiếu hiểu biết của chính quyền và nhân dân ở các địa phương, của những người trụ trì đền, chùa và đơn vị thi công, muốn thay mới toàn bộ các cấu kiện kiến trúc cho bền chắc nên phản đối việc áp dụng các biện pháp nối vá, gắn chắp... theo nguyên tắc của tu bổ di tích; muốn di tích được "xứng tầm", hoặc vì chạy theo lợi nhuận đã dẫn đến làm mới di tích.

Bộ trưởng cũng cho biết, nguồn lực đầu tư cho tu bổ, giữ gìn di sản văn hóa còn thấp, nhất là di sản văn hóa phi vật thể: Những năm qua, ngân sách Nhà nước đều hỗ trợ cho mục tiêu bảo tồn chống xuống cấp di tích nhưng so với nhu cầu vốn vẫn ở mức thấp, nhiều di tích quốc gia bị hư hỏng, nhưng chưa được hỗ trợ kinh phí tu bổ. Đối với những di tích đã được hỗ trợ từ kinh phí của Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa (nay là Chương trình phát triển văn hóa), nguồn kinh phí đầu tư đối ứng của địa phương rất thấp. Việc triển khai lồng ghép các chương trình ở một số địa bàn tỉnh, thành phố còn thiếu đồng bộ, còn tâm lý trông chờ ỷ lại nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương. Thiếu chính sách để huy động các nguồn lực tham gia vào đầu tư tu bổ di tích. Việc tái đầu tư nguồn thu trở lại cho hoạt động bảo vệ, tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị di sản chưa được thực hiện đầy đủ.

Nguồn nhân lực quản lý di sản văn hóa còn chưa tương xứng với yêu cầu thực tiễn: Còn thiếu các chuyên gia hàng đầu ở các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực đòi hỏi kinh nghiệm chuyên sâu về bảo tồn, tu bổ di tích; về vật liệu, hóa bảo quản; về khảo cổ, lịch sử, mỹ thuật; các kiến trúc sư - lực lượng chủ chốt thực hiện tu bổ di tích chưa được tham gia sâu các khóa đào tạo chuyên môn hóa; công tác đào tạo về bảo tồn, tu bổ di tích chỉ mới bắt đầu ở một số trường đại học.

Đối với chất vấn liên quan đến việc thu phí tham quan di tích, Bộ trưởng nêu rõ các điều, khoản có liên quan được quy định tại Luật phí và lệ phí năm 2015. Đồng thời khẳng định, theo các quy định nêu tại Luật phí và lệ phí năm 2015, phí tham quan di tích là khoản thu thuộc ngân sách nhà nước, không chịu thuế; do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định đối với công trình thuộc địa phương quản lý; việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí theo quy định tại Điều 12 Luật phí và lệ phí năm 2015 (trong đó có việc sử dụng chi cho hoạt động bảo vệ và quản lý di tích theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa)./.

Lê Anh

Các bài viết khác