ĐBQH NGUYỄN THỊ VIỆT NGA: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943 - ĐỘNG LỰC THÚC ĐẨY NGUỒN LỰC NỘI SINH PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG ĐẤT NƯỚC

02/03/2023

Đề cương văn hóa Việt Nam năm 1943 là văn kiện Đảng quan trọng đối với sự phát triển văn hóa của đất nước. Theo Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, với những ý nghĩa to lớn và sâu sắc, Đề cương văn hóa Việt Nam cần được tuyên truyền sâu rộng, góp phần tạo nên động lực thúc đẩy sự phát triển của văn hóa – nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước.

ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM - SỨC SỐNG TRONG DÒNG CHẢY CHÍNH SÁCH CỦA ĐẢNG

ĐỀ CƯƠNG VỀ VĂN HÓA VIỆT NAM NĂM 1943 – VĂN KIỆN CHÍNH THỨC ĐẦU TIÊN CỦA ĐẢNG VỀ VĂN HÓA

PGS.TS-ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: ĐỀ CƯƠNG VĂN HÓA VIỆT NAM 1943 VÀ BƯỚC CHUYỂN MÌNH CỦA VĂN HÓA DÂN TỘC

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Phóng viên: Đã 80 năm trôi qua, Đề cương về Văn hóa Việt Nam năm 1943 với ba nguyên tắc: dân tộc, khoa học, đại chúng - vẫn có những ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn về lý luận và thực tiễn đối với công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Ý kiến của đại biểu về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Đề cương văn hóa Việt Nam do Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo năm 1943 đã ra đời tròn 80 năm. Trong 80 năm ấy, tình hình đất nước, tình hình thế giới cũng như những nhiệm vụ Cách mạng của Đảng, của dân tộc đã có nhiều biến chuyển, nhưng bản “Đề cương về văn hóa” vẫn còn nguyên giá trị.

Đảng ta luôn luôn coi trọng việc gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, coi đó là nền tảng vô cùng quan trọng để phát triển toàn diện đất nước, cũng là một phần cốt lõi của sự nghiệp Cách mạng. “Đề cương về văn hóa” với ba nguyên tắc cơ bản :dân tộc, đại chúng và khoa học không chỉ có ý nghĩa sâu sắc trong “cuộc vận động văn hóa nước Việt Nam trong giai đoạn này” mà vẫn có những ý nghĩa, giá trị hết sức to lớn về lý luận và thực tiễn đối với công cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Tuy nhiên, với tình hình thực tế hiện nay, nội hàm của ba nguyên tắc trên mang ý nghĩa mở rộng, linh hoạt hơn so với giai đoạn bản “Đề cương về văn hóa” ra đời. Ví dụ: trong bối cảnh chiến tranh thế giới lần 2 diễn biến nhanh chóng, khốc liệt;  ở Việt Nam, Chính phủ Pháp thực hiện chính sách đầu hàng phát xít Nhật để duy trì ách thống trị thực dân. Phát xít Nhật nung nấu âm mưu biến Việt Nam thành bán thuộc địa của Nhật nên đẩy mạnh chính sách xâm chiếm Việt Nam trên mọi phương diện, từ quân sự, chính trị, kinh tế cho đến văn hóa. Song song với đó, thực dân Pháp cũng ra sức truyền bá những tư tưởng văn hóa độc hại vào Việt Nam như chủ nghĩa đầu hàng, văn hóa ngu dân, chủ nghĩa hư vô... thì nguyên tắc “dân tộc hóa” về văn hóa là việc nỗ lực  chống lại mọi chủ trương nô dịch và thuộc địa để văn hóa Việt Nam phát triển một cách độc lập.

Ngày nay, tính dân tộc trong văn hóa là việc chúng ta phải ra sức giữ gìn những tinh hoa bản sắc văn hóa Việt Nam, thực hiện “hội nhập mà không hòa tan” trong bối cảnh giao lưu, tiếp thu văn hóa toàn cầu.

Phóng viên: Trong bối cảnh mới và hội nhập quốc tế, theo đại biểu, những quan điểm, nguyên tắc xây dựng văn hóa của Đề cương đã thể hiện tính đúng đắn ra như thế nào?

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Như tôi đã nói ở trên, trong bối cảnh mới, những nguyên tắc xây dựng văn hóa Việt Nam cũng mang nội hàm mới, phong phú và sâu sắc hơn. Nguyên tắc “đại chúng hóa” thời kỳ Đề cương về văn hóa ra đời là “chống mọi chủ trương hành động làm cho văn hóa phản lại đông đảo quần chúng hoặc xa đông đảo quần chúng”, còn thời hiện tại, bên cạnh ý nghĩa đó, còn là việc làm cho văn hóa hướng đến đối tượng phục vụ là đông đảo quần chúng nhân dân, là kết tinh vẻ đẹp tâm hồn, ý chí và nguyện vọng của nhân dân. Đặc biệt là trong sáng tạo văn học nghệ thuật, bên cạnh việc bộc lộ cái tôi cá nhân của người nghệ sỹ, thì cái tôi ấy cũng phải có chung nhịp đập với  triệu triệu trái tim quần chúng nhân dân, phản ánh được khát vọng, tình yêu cũng như những nỗi lo âu, trăn trở, đau đớn... của nhân dân.

Tính đại chúng của văn hóa trong thời hiện tại còn bao hàm cả tính nhân loại. Nghĩa là văn hóa Việt Nam không chỉ khuôn trong phạm vi ảnh hưởng, tác động, phục vụ nhân dân Việt Nam mà còn vươn ra thế giới. Trên thực tế, chúng ta đã thấy rất rõ điều này. Hàng năm, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam để thưởng thức, khám phá văn hóa Việt Nam ngày một tăng. Việt Nam cũng được nhiều tạp chí, tổ chức về du lịch uy tín thế giới bình chọn là điểm đến văn hóa hấp dẫn. Nhiều nghệ sỹ của Việt Nam đã ghi dấu ấn của mình ở những đấu trường quốc tế...

Tính khoa học của văn hóa ngày nay không những là việc “chống lại tất cả những gì làm cho văn hóa trái khoa học, phản tiến bộ” mà còn là việc chủ động ứng dụng những thành tựu của khoa học hiện đại vào việc sáng tạo, bảo tồn, truyền bá, thưởng thức... văn hóa. Việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa của thế giới cũng là biểu hiện của tính khoa học trong phát triển văn hóa.

Càng mở rộng hội nhập và hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa thì những nguyên tắc: dân tộc, đại chúng và khoa học về phát triển văn hóa càng mang ý nghĩa lớn lao để nuôi dưỡng, gìn giữ và phát huy sức mạnh của nền văn hóa dân tộc.

Phóng viên: Theo đại biểu, việc tuyên truyền sâu rộng nội dung, ý nghĩa Đề cương về Văn hóa Việt Nam 1943 qua hàng năm có ý nghĩa và tầm quan trọng ra sao? 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga - Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Tôi cho rằng, với những ý nghĩa to lớn và sâu sắc, là kim chỉ nam cho đường lối phát triển văn hóa nước nhà, Đề cương về văn hóa Việt Nam cần được tuyên truyền sâu rộng. Việc tuyên truyền này không chỉ có ý nghĩa giúp cho toàn thể nhân dân nắm được về nội dung, ý nghĩa, bối cảnh ra đời... của Đề cương về văn hóa mà còn là động lực thúc đẩy sự phát triển của văn hóa – nguồn lực nội sinh để phát triển bền vững đất nước.

Nhất là trong thời điểm hiện tại, với sự phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng của công nghệ số, với cường độ gấp gáp của nhịp sống hiện đại, với sự giao lưu, hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, có lúc có nơi còn có biểu hiện của sự sao nhãng về phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa, của những nhận thức còn lệch lạc về văn hóa.

Và khi chúng ta đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về những biểu hiện đạo đức xã hội xuống cấp thì việc bồi đắp tâm hồn, tình cảm, lối sống đẹp đẽ cho con người không thể nào tách rời việc bồi đắp và phát triển văn hóa.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Thu Phương

Các bài viết khác