ĐBQH NGUYỄN CHU HỒI: KỲ HỌP THỨ 5 TIẾP NỐI TINH THẦN ĐỔI MỚI, VÌ LỢI ÍCH CỬ TRI VÀ NHÂN DÂN

20/05/2023

Trao đổi trước thềm Kỳ họp thứ 5, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết, Kỳ họp này chứng kiến Quốc hội tiếp nối những bước đổi mới như đã thể hiện từ đầu nhiệm kỳ, đặc biệt trong khâu chuẩn bị nội dung, sắp xếp chương trình, để đảm bảo nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động Quốc hội, vì lợi ích của nhân dân và cử tri cả nước.

TRUYỀN TẢI ĐẦY ĐỦ, TOÀN DIỆN THÔNG ĐIỆP, QUYẾT SÁCH CỦA KỲ HỌP THỨ 5 ĐẾN VỚI CỬ TRI

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV sẽ họp phiên trù bị và khai mạc trọng thể vào ngày 22/5/2023, dự kiến bế mạc vào ngày 23/6/2023 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 5 được tiến hành theo 02 đợt, với dự kiến tổng thời gian làm việc 22 ngày.

Trao đổi trước thềm Kỳ họp, Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng cho biết, để tổ chức tiến hành thành công kỳ họp thì công tác chuẩn bị phải vô cùng kỹ lưỡng. Việc chuẩn bị quyết định tới 50% thành công của kỳ họp. Nguyên tắc chuẩn bị từ sớm, từ xa mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhắc đến đã được thực hiện đầy đủ.

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng

Phóng viên: Chỉ vài ngày tới, Kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khóa XV sẽ chính thức khai mạc. Đại biểu đã có sự chuẩn bị như thế nào trước thềm Kỳ họp quan trọng này?

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 08 dự án Luật, 03 dự thảo Nghị quyết, cho ý kiến đối với 09 dự án Luật khác, đồng thời xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Trong đó, có một số Nghị quyết rất thiết thực, có ảnh hưởng trực tiếp với sự phát triển của một số vùng, địa phương, nhận được nhiều sự quan tâm của cử tri và nhân dân trong các cuộc tiếp xúc cử tri.

Có thể nói đây là một Kỳ họp có khối lượng công việc rất lớn. Để chuẩn bị tốt nhất cho Kỳ họp này, trong thời gian qua tôi cùng các đại biểu Quốc hội đã tham gia rất tích cực các hoạt động, hội nghị, hội thảo để chuẩn bị kỹ lưỡng, kịp thời nắm bắt được các thông tin, đồng hành và bắt nhịp cùng tiến độ xây dựng pháp luật và triển khai công tác của Quốc hội theo từng nhóm vấn đề, từng dự án luật và nghị quyết.

Trước thềm Kỳ họp quan trọng này, tôi cùng các đại biểu Quốc hội đã có những nghiên cứu về nhiều nội dung để đưa ra những ý kiến xác đáng nhất, bảo đảm tối đa lợi ích của người dân, đồng thời đáp ứng tính khả thi để cơ quan soạn thảo có thể tiếp thu được.

Phóng viên: Quốc hội dự kiến sẽ xem xét, quyết định nhiều nội dung quan trọng trong Kỳ họp thứ 5. Đại biểu quan tâm đến những nội dung nào nhất trong Kỳ họp sắp tới?

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi- Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Nhiều dự án Luật quan trọng sẽ được Quốc hội xem xét, cho ý kiến, trong đó dự án Luật Đất đai (sửa đổi) vừa được lấy ý kiến nhân dân thời gian qua sẽ nhận được sự quan tâm của đông đảo cử tri, nhân dân cả nước. Với cá nhân tôi, tôi theo dõi, nghiên cứu về nhiều nội dung, nhiều dự án luật, trong đó đặc biệt quan tâm đến dự án luật tôi đã theo sát trong quá trình xây dựng, thẩm tra, đó là dự án Luật Phòng thủ dân sự.

Công tác phòng thủ dân sự này lâu nay vẫn được các ngành, các cấp, các địa phương thực hiện. Tuy nhiên, việc xây dựng luật sẽ hướng đến giải quyết các vấn đề cụ thể, bên cạnh vấn đề xử lý những sự cố thảm họa xảy ra do chiến tranh, còn hướng đến đề ra nguyên tắc giải quyết những sự cố thảm họa thường xảy ra trong đời sống, hoặc trong lĩnh vực hẹp của các ngành.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng thủ dân sự

Hiện nay chúng ta đang đối mặt với nhiều vấn đề nảy sinh về an ninh phi truyền thống, vấn đề đòi hỏi cách tiếp cận liên ngành. Lâu nay, dù ở cấp độ nào, ở quy mô nào, quân đội luôn luôn một lực lượng dự phòng chiến lược, đồng thời cũng là lực lượng tác chiến khi có sự chuyển biến nhanh từ sự cố sang thảm họa. Trong những tình huống cấp bách, có thể khẳng định rằng vai trò của quân đội là rất quan trọng. Đây là lực lượng đặc biệt có kỷ luật, luôn đề cao tính sẵn sàng như một nguyên tắc hoạt động. Trong khi đó, để ứng phó với các sự cố, thảm họa, thiên tai động đến đời sống sinh mạng của người dân trên từng vùng lãnh thổ của đất nước, thì phải duy trì tính sẵn sàng ở mức độ cao. Đó cũng là một trong những nguyên tắc trong việc ứng phó với các sự cố thảm họa.

Cá nhân tôi đã có những nghiên cứu chuyên sâu về vấn đề này, Tôi cho rằng việc phát huy vai trò của quân đội và thống nhất sự quản lý nhà nước qua hoạt động của lực lượng quân đội để xử lý các rủi ro sự cố thảm họa là điều hợp lý. Việc thống nhất quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự không thay thế các nhiệm vụ giải quyết sự cố, rủi ro, thảm họa của các ngành. Thay vào đó, dự án luật sẽ kết nối và điều chỉnh hành vi cũng như những phối hợp hỗ trợ tác chiến để các cơ quan có thể giải quyết nhanh trên diện rộng và quy mô lớn của vấn đề. Chủ trương của chúng ta là thống nhất quản lý nhà nước trên cơ sở phân công phân cấp phân nhiệm rõ ràng. Trong dự án Luật Phòng thủ dân sự lần này tôi thấy các điều khoản của sự thảo luận đã thể hiện rõ nội dung này.

Phóng viên: Quốc hội khóa XV đã thể hiện nhiều đổi mới trong tư duy, tổ chức thực hiện, không ngừng thay đổi, cải thiện để thực hiện tốt hơn nữa vai trò của mình. Đại biểu nhận định gì về những đổi mới trong công tác chuẩn bị Kỳ họp lần này?

Đại biểu Nguyễn Chu Hồi - Đoàn ĐBQH Tp.Hải Phòng: Trong kỳ họp mới này, chúng ta tiếp tục chứng kiến Quốc hội tiếp nối những bước đổi mới như đã thể hiện từ đầu nhiệm kỳ. Sự đổi mới đó được thể hiện ngay từ trong khâu chuẩn bị nội dung, sắp xếp chương trình, khi chia kỳ họp ra làm hai đợt và có quãng nghỉ ở giữa. Tôi cho rằng, đây là cách sắp xếp hợp lý để các cơ quan chuyên môn cũng như các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm tại địa phương có thể giải quyết tốt được khối lượng công việc của mình.

Cụ thể, các đại biểu quốc hội chuyên trách, các cơ quan chuyên môn có đủ thời gian xử lý, tổng hợp tiếp thu, sửa đổi, chỉnh lý, đảm bảo văn bản quy phạm pháp luật đạt được chất lượng cao nhất. Bên cạnh đó, cách sắp xếp này cũng dành thời gian để các đại biểu Quốc hội kiêm nhiệm trở về địa phương để giải quyết các vấn đề cụ thể thực tế tại các địa phương. Thực tế, trong kỳ họp, những ngày nghỉ thường được các đại biểu Quốc hội thường tận dụng tối đa để nghiên cứu tài liệu, chuẩn bị ý kiến, qua đó đưa ra những đề xuất kiến nghị xác đáng nhất. Quá trình nghiên cứu tài liệu nghiên cứu dự án luật là rất quan trọng để có được những ý kiến phù hợp đảm bảo truyền tải tốt nhất ý kiến kiến nghị của cử tri của người dân cũng như các nhà chuyên môn tới nghị trường Quốc hội.

Tôi cho rằng, để tổ chức tiến hành thành công kỳ họp thì công tác chuẩn bị phải vô cùng kỹ lưỡng. Việc chuẩn bị quyết định tới 50% thành công của kỳ họp. Nguyên tắc chuẩn bị từ sớm, từ xa mà Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhiều lần nhắc đến đã được thực hiện đầy đủ.

Cùng với đó, trong công tác chuẩn bị, chúng ta đã quán triệt nghiêm túc nguyên tắc: chỉ trình Quốc hội những dự án luật đã chín, đã rõ, đã đảm bảo được các tiêu chí về chất lượng. Có những dự án luật do chưa đảm bảo đủ điều kiện nên chúng ta chưa trình Quốc hội tại Kỳ họp lần này. Đây là một điều không dễ dàng, nhưng chúng ta đã làm được, giữ vững được nguyên tắc. Nhờ chuẩn bị tốt nên sẽ có được sự tập trung trong quá trình thảo luận.

Tôi cho rằng, hướng tới thành công của Kỳ họp, Quốc hội cần làm tốt hơn nữa công tác truyền thông, phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí để truyền thông đầy đủ, chính xác và kịp thời quyết sách của Kỳ họp tới cử tri. Việc truyền thông kịp thời, chân thực cũng sẽ giúp cho cử tri thêm tin tưởng và có thêm động lực phản ánh nhanh chóng, kịp thời, chính xác thực tế đến với các đại biểu Quốc hội. Lắng nghe ý kiến của người dân là việc hết sức quan trọng để Đại biểu có thể mang được tiếng nói của Nhân dân, của cử tri lên tới nghị trường Quốc hội, qua đó có thể giúp Quốc hội ngày càng hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, vì lợi ích của nhân dân và cử tri cả nước.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đại biểu!

Minh Hùng

Các bài viết khác