ĐBQH ĐỖ THỊ LAN: CẦN ĐÁNH GIÁ SÁT VỚI THỰC TIỄN, TÌM RA NGUYÊN NHÂN VÀ GIẢI PHÁP CỤ THỂ ĐỂ ĐẠT CÁC CHỈ TIÊU PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI

25/05/2023

Thảo luận tại tổ về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho rằng, năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế, đề nghị Chính phủ có đánh giá sát với thực tiễn, đưa ra nguyên nhân và giải pháp cụ thể, kịp thời để đạt các chỉ tiêu và thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 9: ĐỀ NGHỊ CHÍNH PHỦ CÓ GIẢI PHÁP TOÀN DIỆN HƠN ĐỂ PHỤC HỒI KINH TẾ SAU ĐẠI DỊCH

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại phiên thảo luận tại Tổ 9

Phát biểu thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết, năm 2022 là năm sau đại dịch Covid-19 kéo dài, dưới sự lãnh đạo của BCH Trung ương, Quốc hội đã kịp thời ban hành nhiều Nghị quyết, trong đó có Nghị quyết để tháo gỡ những vướng mắc trong phòng chống dịch Covid-19, hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, người lao động các giải pháp để phục hồi phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chính phủ đã kịp thời quyết định mở cửa sớm, vừa phòng chống dịch, vừa thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hôi.

Do vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan nhận thấy, năm 2022 là kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt toàn diện trên các lĩnh vực. Hầu hết các chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch đã đề ra trong Nghị quyết của Quốc hội. Chỉ có 2 chỉ tiêu chưa đạt được là chỉ tiêu về năng suất lao động và chỉ tiêu tỉ trọng chế biến chế tạo trong công nghiệp. Đại biểu cho rằng, nếu không có giải pháp kịp thời thì chỉ tiêu này sẽ tiếp tục không đạt trong năm 2023.

Cần có giải pháp phù hợp để đạt các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội

Nhận định năm 2023 còn nhiều khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế, đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, Chính phủ đã nỗ lực, cố gắng, sự quyết liệt được thể hiện rõ ở việc phân công cho các Phó Thủ tướng, lãnh đạo các bộ ngành trực tiếp xuống các địa phương để tháo gỡ những vướng mắc, nắm bắt tình hình để tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ ở các địa phương. Tuy nhiên, đại biểu bày tỏ băn khoăn vẫn còn khó khăn từ nội tại của nền kinh tế. Về các chỉ tiêu thực hiện của năm 2023, đánh giá tỉ lệ thất nghiệp của 4 tháng đầu năm nay giảm 0,07 điểm, hiện đang ở mức 2,25%, đạt mức tương đối thấp so với mục tiêu đặt ra nên gây nhiều lo lắng. Tỉ lệ thiếu việc làm của 4 tháng đầu năm 2023 cũng giảm. Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, đây là chỉ tiêu đang giảm so với cùng kỳ. Quý 1/2023 được đánh giá tăng trưởng thấp, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, nhiều đơn hàng không thể thực hiện được. Tỉ lệ doanh nghiệp rút khỏi thị trường rất cao… Do đó, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cần có đánh giá sát với thực tiễn để đưa ra những giải pháp phù hợp.

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh

Về chỉ tiêu trong lĩnh vực y tế, số bác sỹ/10 vạn dân và số giường bệnh/10 vạn dân của Quý I/2023 có khả năng đều vượt. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần đánh giá chỉ tiêu này trong khu vực công, “trong khu vực cung cấp khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước có thiếu bác sỹ không, có đảm bảo được chỉ tiêu tỷ lệ bác sỹ/10 vạn dân không?”. Do đó, đại biểu đề nghị cần đánh giá cụ thể hơn để có giải pháp phù hợp, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe của nhân dân.

Về tỉ lệ dân số tham gia BHYT, đại biểu cho rằng, đây là chỉ tiêu mà Nghị quyết của Quốc hội đặt ra là năm 2023 đạt 93,2%, chỉ tiêu năm 2022 đạt 92% tuy nhiên đại biểu nhận thấy, việc đạt được chỉ tiêu này không mang tính bền vững do đang phụ thuộc Chương trình tặng thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Theo Quyết định 861/QĐ-TTg của Thủ trướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã khu vưc III, khu vực II, khu vực I, các chính sách hỗ trợ cho người dân được mua thẻ BHYT không còn nữa, do đó đại biểu cho rằng, quy định như vậy sẽ gây khó khăn trong việc thực hiện tỉ lệ bao phủ thẻ BHYT mà Quốc hội đề ra. Đại biểu Đỗ Thị Lan cho rằng, trong năm 2023 nếu không có giải pháp thì khả năng chỉ tiêu sẽ không đạt 93,2%.

Từ các phân tích nêu trên, trước tình hình khó khăn của năm 2023, đại biểu Đỗ Thị Lan đề nghị cần đánh giá sát với thực tiễn, đưa ra nguyên nhân và giải pháp rất cụ thể để đạt các chỉ tiêu và thực hiện Nghị quyết của Quốc hội đã đề ra.

Đánh giá rõ nguyên nhân không thực hiện được gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp

Các đại biểu tại phiên thảo luận ở Tổ 9

Đồng tình với Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đánh giá về một số điểm nghẽn trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, đại biểu Đỗ Thị Lan chỉ ra một số vướng mắc và nguyên nhân trong thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đại biểu cho rằng, gói hỗ trợ chỉ thực hiện trong thời hạn năm 2022-2023 nên kết quả thực hiện đạt rất thấp so với mục tiêu đặt ra. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp gặp khó khăn để đáp ứng điều kiện tiếp cận vốn hiện nay, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khó khăn của các Tổ chức tín dụng đáp ứng thủ tục thực hiện gói hỗ trợ này về chính sách tiền tệ và đáp ứng chính sách tín dụng và các chính sách theo Nghị quyết 43/2022/QH15.

Do vậy, đại biểu Đỗ Thị Lan bày tỏ đồng tình Chính phủ cần tiếp tục gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp theo kế hoạch đặt ra của Nghị quyết 43/2022/QH15. Tuy nhiên, đề nghị cần chỉ rõ vướng mắc tỉ lệ doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ này còn rất thấp, điều kiện để tiếp cận vốn cũng rất thấp. Vì có 87% khách hàng thuộc lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất nhưng không đáp ứng đủ điều kiện. Do đó, cần đánh giá rõ nguyên nhân không thực hiện được (do ban hành chính sách không sát với thực tiễn, hay xác định đối tượng không phù hợp, hay điều kiện quá khắt khe, chưa phù hợpviệc hỗ trợ để phục hồi kinh tế - xã hội?…). Vì vậy, cần đề xuất giải pháp để tháo gỡ vướng mắc nêu trên và tiếp thục thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2% cho doanh nghiệp trong thời gian tới được thực hiện tốt hơn./.

Bích Ngọc - Phạm Thắng