GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: GIẢM THUẾ GTGT - THỜI GIAN ÁP DỤNG PHẢI ĐỦ ĐỂ CHÍNH SÁCH ĐI VÀO CUỘC SỐNG

28/05/2023

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng (GTGT) 2% trong thời gian từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội đề nghị, cân nhắc thời gian áp dụng phải phù hợp đủ để đánh giá được hiệu quả của chính sách, đảm bảo chính sách đi vào cuộc sống…

KHAI MẠC TRỌNG THỂ KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHÓA XV: ĐỂ CÁC QUYẾT SÁCH CỦA QUỐC HỘI THỰC SỰ ĐỒNG HÀNH, TẠO THUẬN LỢI TỐI ĐA CHO NGƯỜI DÂN VÀ DOANH NGHIỆP

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Chính sách giảm thuế GTGT được ban hành tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong 2 năm 2022-2023 đã phát huy những tác dụng nhất định nhưng đã hết hiệu lực thi hành vào 31/12/2022.

Năm 2023 Chính phủ đề xuất tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế GTGT 2% quy định tại điểm a khoản 1.1 Điều 3 Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian từ ngày 01/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023. Cụ thể: Giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sau: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hóa và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành chính sách giảm thuế GTGT, các đại biểu cho rằng, ban hành chính sách nhằm  tiếp tục hỗ trợ cho khu vực sản xuất, kinh doanh và người dân đã gặp rất nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19 trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng đã bắt đầu thể hiện chiều hướng suy giảm từ Quý IV/2022 và nhất là trong các tháng đầu năm 2023.

Đại biểu Lê Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau

Theo đại biểu Lê Quân – Đoàn ĐBQH tỉnh Cà Mau cho rằng, cần có sự điều chỉnh mạnh mẽ hơn về chính sách tiền tệ như hỗ trợ doanh nghiệp vay vốn với lãi suất thấp để doanh nghiệp  có thể tính toán cân đối kinh doanh và tránh rủi ro trong sản xuất.

“Khi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp được phục hồi và phát triển thì mới có thể tạo công ăn việc làm và "giữ chân" được lao động làm việc cho doanh nghiệp đó…”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với đề xuất về tiếp tục thực hiện chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, đại biểu Lê Quân còn ủng hộ đề xuất của Bộ Tài chính là giảm 2% mức thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng áp dụng thuế suất 10% (còn 8%); giảm 20% mức tỷ lệ % để tính thuế giá trị gia tăng đối với cơ sở kinh doanh (bao gồm cả hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) khi thực hiện xuất hóa đơn đối với tất cả các hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng 10%. Điều này cũng là để hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển kinh doanh tốt hơn.

Tuy nhiên, theo đại biểu Lê Quân, việc giảm thuế nếu chỉ tính đến hết năm 2023 thì không thể đánh giá được hết hiệu quả của chính sách hỗ trợ giảm thuế. Vì vậy, đề nghị Quốc hội nên xem xét kéo dài thời gian hỗ trợ doanh nghiệp đến ngày 01/7/2024 hoặc hết năm 2024.

 Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh 

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh nhấn mạnh tính cấp thiết của việc xem xét quyết định  giảm thuế VAT 2%. Đây là giải pháp rất cần và phù hợp với tinh thần Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội. “Người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ giải pháp này do doanh nghiệp giảm chi phí, hạ giá thành hàng hóa, dịch vụ, giúp kích cầu tiêu dùng tốt hơn, đẩy mạnh luân chuyển hàng hoá và sản xuất, qua đó mang lại lợi ích cho cả doanh nghiệp và Nhà nước….”, đại biểu lý giải.

Cho biết có một số ý kiến cho rằng, mức giảm 2% thuế VAT (xuống còn 8%) là khiêm tốn, đại biểu nêu rõ, việc giảm thuế cũng cần phải tính toán để đảm bảo cân đối nguồn thu ngân sách.  Vì vậy, nếu giảm nhiều quá thì cũng sẽ ảnh hưởng tới nguồn thu của cả nước.

Bày tỏ băn khoăn về thời gian áp dụng giảm thuế VAT, đại biểu cho biết, theo đề xuất của Chính phủ, chính sách giảm thuế VAT áp dụng trong thời gian 6 tháng từ ngày 1/7 đến hết ngày 31/12/2023, tức. Cho rằng khoảng thời gian như đề xuất là quá ngắn với 2% thuế VAT thì không thể kích cầu được, đại biểu đề nghị áp dụng chính sách này trong thời gian ít nhất từ 1 năm đến 1 năm rưỡi để thấy chính sách phát huy hiệu quả, nhất là trong bối cảnh hiện nay còn nhiều vướng mắc về thể chế, ách tắc trong giải ngân vốn đầu tư công, thị trường bất động sản, thị trường trái phiếu.

Nêu quan điểm về nội dung này, đại biểu Tạ Thị Yên, Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên cho biết, việc giảm thuế GTGT 2% là hết sức cần thiết để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp theo như Nghị quyết số 43/2022/QH15. Tuy nhiên, Chính phủ cần có báo cáo rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc đã nêu khi thực hiện chính sách này trong năm 2022, để tránh lặp lại khi thực hiện trong năm nay.

Về thời gian dự kiến áp dụng 6 tháng cuối năm 2023, ĐB Tạ Thị Yên đặt câu hỏi liệu có ngắn hay không? Theo đại biểu tỉnh Điện Biên, trong trường hợp kinh tế phục hồi và phát triển thì việc giảm thuế 6 tháng cuối năm là phù hợp; tuy nhiên trường hợp khó khăn có thể kéo dài sang năm 2024./.

Lê Anh