TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP SÁNG 31/5: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC
ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương
Phát biểu góp ý tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Đinh Thị Ngọc Dung - Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương bày tỏ nhất trí và đánh giá cao với Báo cáo của Chính phủ. Quan tâm đến việc đảm bảo quyền an sinh xã hội, đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho biết, từ ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 đã khiến thị trường lao động sụt giảm, nhiều lao động mất việc làm, mất nguồn thu nhập chính.
Đại biểu Đinh Thị Ngọc Dung cho rằng, điều này đã gây ảnh hưởng tới đời sống và quyền an sinh xã hội của người lao động. Mất việc làm có thể được xem là một trong những rủi ro lớn nhất. Bởi khi đó người lao động rất dễ bị tổn thương do mất đi nguồn thu nhập chính, mất đi cơ sở kinh tế cần thiết để ổn định cuộc sống cho bản thân và cho cả người phụ thuộc vào họ như trẻ em hay người già không còn sức lao động. Họ không còn khả năng chi trả cho các nhu cầu thiết yếu như chăm sóc sức khỏe, y tế, lương thực, thực phẩm…
Hơn nữa, khi rơi vào hoàn cảnh thất nghiệp, họ còn có nguy cơ đối mặt với những áp lực, thậm chí là khủng hoảng về tinh thần và có thể dẫn tới những hành động tiêu cực, ảnh hưởng không chỉ tới bản thân và gia đình họ mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho xã hội như bạo lực, bỏ học hay tệ nạn xã hội…
Đại biểu băn khoăn, nếu người lao động đột ngột bị mất việc làm, bị giảm giờ làm, bị cắt giảm các khoản phúc lợi hoặc mất đi tiền lương hàng tháng, trong tình huống đó, nếu an sinh xã hội của người lao động không được bảo đảm tốt, không được bù đắp cho thu nhập bị giảm sút, nếu trợ cấp thất nghiệp không đủ chi trả cho nhu cầu thiết yếu hằng ngày thì phản ứng của họ sẽ ra sao? Việc đình công có xảy ra hay không? Liệu rằng Chính phủ đã dự liệu những giải pháp kịp thời và dài hạn cho những rủi ro đó hay chưa?
Theo nữ đại biểu, điều này không chỉ ảnh hưởng tới doanh nghiệp mà còn ảnh hưởng tới nền kinh tế quốc gia. Đại biểu nhấn mạnh, tại thời điểm này người dân và doanh nghiệp đang rất cần những quyết sách thiết thực để duy trì và bảo đảm an sinh xã hội.
Ngoài việc tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách xã hội theo hướng xử lý kịp thời và hiệu quả các rủi ro, đại biểu tỉnh Hải Dương cho rằng, quá trình làm chính sách cần đặt người lao động ở vị trí trung tâm của chính sách và quyền lợi an sinh xã hội của người lao động làm tiêu chí đánh giá chất lượng, hiệu quả của chính sách khi đi vào thực tiễn cuộc sống.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần nghiên cứu và triển khai xây dựng Quỹ dự phòng an sinh xã hội với tầm nhìn dài hạn nhằm hỗ trợ người lao động mất việc làm, ứng phó với những khó khăn, rủi ro đột ngột. Đại biểu cho rằng, việc thiết lập Quỹ dự phòng an sinh xã hội sẽ góp phần giảm tải gánh nặng cho các quỹ an sinh xã hội truyền thống như Quỹ bảo hiểm xã hội, Quỹ bảo hiểm y tế, qua đó bảo đảm tốt nhất quyền lợi và lợi ích của người lao động, góp phần củng cố mức độ an toàn và bền vững của hệ thống an sinh xã hội nước ta.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp
Ngoài ra, liên quan đến vấn đề về giáo dục giới tính trong trường học, đại biểu cho biết, thời gian qua đã có những hệ lụy đáng tiếc, đau lòng của việc quan hệ tình dục ở tuổi vị thành niên, đây không phải là câu chuyện mới. Các vụ việc trẻ vị thành niên mang thai và sinh con gây xôn xao dư luận gần đây khiến chúng ta phải đặt câu hỏi liệu giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên đã được chúng ta quan tâm đúng mức hay chưa?
Theo đại biểu, mang thai ở tuổi thành niên không chỉ đơn thuần là một vấn đề sức khỏe mà điều này còn làm mất đi nhiều cơ hội học tập, lựa chọn của các em trong cuộc sống. Theo Chương trình giáo dục phổ thông mới, nội dung giáo dục giới tính cũng được đưa vào là môn học chính thức bắt buộc lồng ghép trong chương trình môn học tự nhiên xã hội… Tuy nhiên, nội dung vẫn còn mỏng, kiến thức mới dừng lại lý thuyết, giáo viên còn lúng túng trong việc triển khai dạy, học sinh mới chỉ hiểu chứ chưa áp dụng để được bảo vệ bản thân mình…
Bên cạnh đó, việc chia nhỏ và đưa nội dung giáo dục giới tính lồng ghép vào những môn học khác nhau khiến người học không thể tổng hợp những điều mang tính khái quát vào hành vi cụ thể. Ví dụ như khi tiếp cận bài học giáo dục giới tính thì học sinh sẽ lĩnh hội và trả lời các câu hỏi như quan hệ tình dục là hành vi như thế nào, quan hệ tình dục an toàn bằng cách nào, tôi có nên quan hệ tình dục hay không, năng mang thai ra sao và muốn phòng tránh như thế nào?
Tuy nhiên, đại biểu cho rằng, cách tiếp cận này vẫn còn chung chung và mờ nhạt, thậm chí là bị né tránh. Vì vậy, khi Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng nội dung chương trình giáo dục giới tính, dù chính khóa, ngoại khóa hay lồng ghép thì điều quan trọng là cần phải xây dựng thế nào cho đầy đủ. Bởi nếu chỉ gắn vào nội dung chủ đề môn học chính không hiệu quả, thậm chí giáo dục không đến nơi đến chốn sẽ gây tò mò…
Đại biểu nhấn mạnh, có nên chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo cân nhắc xem xét đưa giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản thành một môn học độc lập, có chương trình riêng, giáo trình riêng, nội dung được thiết kế phù hợp theo sự phát triển của từng lứa tuổi.
Bên cạnh đó, ngoài giáo trình chuẩn khoa học, người đứng lớp phải là chuyên gia có kinh nghiệm, sẵn sàng tư vấn, giải thích cụ thể, rõ ràng những thắc mắc của học sinh. Có như vậy giáo dục giới tính mới hiệu quả cao nhất./.