ĐBQH NGUYỄN HẢI ANH: ÁP DỤNG CƠ CHẾ CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ ĐỂ TP. HCM PHÁT TRIỂN NHƯNG LUÔN ĐẢM BẢO KHÔNG ĐỂ AI BỊ BỎ LẠI PHÍA SAU

08/06/2023

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 5, chiều 08/6, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp.HCM. Phát biểu tại hội trường, đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp cho rằng, áp dụng cơ chế chính sách đặc thù để thành phố phát triển nhưng luôn đảm bảo không để ai bị bỏ lại phía sau.

THÍ ĐIỂM MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ĐẶC THÙ PHÁT TRIỂN TP.HỒ CHÍ MINH: TỔNG KẾT ĐÁNH GIÁ KỸ LƯỠNG, KHÔNG ĐỂ LÃNG PHÍ CHÍNH SÁCH

 Đại biểu Nguyễn Hải Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp 

Theo đại biểu Nguyễn Hải Anh, Thành phố Hồ Chí Minh có vị trí địa chính trị, địa kinh tế đặc biệt quan trọng. Nhân dân cả nước và kiều bào ta ở nước ngoài đều rất mong muốn, kỳ vọng Thành phố Hồ Chí Minh ngày càng phát triển, thực sự là đô thị hạt nhân, là cực và động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng, phát triển của toàn vùng và của cả nước.

Với ý nghĩa đó, đại biểu hoàn toàn nhất trí với sự cần thiết ban hành cũng như nội dung dự thảo Nghị quyết về thí một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh. Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua, đại biểu tỉnh Đồng Tháp, kiến nghị 04 nội dung cụ thể:

Thứ nhất, về đối tượng áp dụng, quy định tại Điều 3:  Đề nghị bổ sung tại khoản 1 đối tượng là “Các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ” để đảm bảo thống nhất với chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng tại Kết luận số 158 ngày 2/1/2020 về tiếp tục thực hiện Kết luận số 102 của Bộ Chính trị khóa XI về hội quần chúng trong tình hình mới, trong đó nêu rõ các Hội quần chúng do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ được giao biên chế, kinh phí và điều kiện hoạt động phù hợp với nhiệm vụ được giao.

Vì vậy, bổ sung nhóm các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ vào khoản 1 là phù hợp với chỉ đạo của Đảng, kịp thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, đảm bảo sự liên thông, thống nhất và đồng bộ với các văn bản khác về tổ chức bộ máy và cán bộ.

Thứ hai, về quản lý vốn đầu tư, quy định tại Điều 4: Tại điểm c khoản 2, về thí điểm phát triển mô hình đô thị theo định hướng phát triển giao thông, dự thảo Nghị quyết nêu “Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông, Ủy ban nhân dân Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy chuẩn xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu”, đề nghị bổ sung và nhấn mạnh nguyên tắc “đảm bảo phù hợp với kế hoạch phòng chống thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu” nhằm đảm bảo các đô thị ở vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt và vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố đáp ứng được yêu cầu tăng trưởng bền vững, cũng như thích ứng trước những kịch bản của biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, thảm họa ngay từ khâu quy hoạch, thiết kế đồ án.

Đồng thời, đề nghị bổ sung nguyên tắc này vào khoản 2 và khoản 3, Điều 6, dự thảo Nghị quyết để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ trong toàn bộ Nghị quyết.

Tại điểm c, khoản 5: quy định thành phố được áp dụng hợp đồng BOT đối với dự án đầu tư công trình đường bộ hiện hữu: đề nghị chỉ áp dụng đối với các dự án mở rộng và hiện đại hóa các công trình đường bộ hiện hữu, không áp dụng đối với các dự án nâng cấp nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của nhân dân, nhà nước và doanh nghiệp; đồng thời cũng khẳng định trách nhiệm, vai trò của Thành phố trong bố trí nguồn vốn đầu tư nâng cấp các tuyến đường giao thông hiện hữu mà không còn điều kiện, khả năng để mở rộng mặt đường.

Thứ ba, về Tài chính ngân sách, quy định tại Điều 5: Tại điểm a, khoản 1. Chính sách phí, lệ phí, đại biểu cơ bản đồng tình với quy định cho “Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí”, tuy nhiên, đề nghị bổ sung Phụ lục về các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong Luật Phí và lệ phí mà Hội đồng Nhân dân Thành phố dự kiến áp dụng; cũng như danh mục các loại phí và lệ phí mà Hội đồng nhân dân thành phố dự kiến điều chỉnh mức hoặc tỉ lệ thu so với mức đã được cấp có thẩm quyền quy định; đồng thời đề nghị Hội đồng nhân dân Thành phố khi ban hành Nghị quyết về các loại phí, lệ phí bổ sung và điều chỉnh cần quy định rõ những đối tượng được miễn áp dụng, nhất là những gia đình có công, người dễ bị tổn thương, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn Thành phố và các cơ sở nhân đạo đang nuôi dưỡng, chăm lo các đối tượng bảo trợ xã hội.

Cũng tại khoản 1 điều 5, đồng tình với dự thảo quy định tại điểm b “ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí, tuy nhiên đại biểu đề nghị quy định rõ hơn nội dung chi từ số thu tăng thêm này theo hướng ưu tiên cho một số lĩnh vực.

Theo đại biểu chỉ nên tập trung chi cho một số nội dung, như: “chi để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội, chi thí điểm cơ chế tài chính thực hiện biện pháp giảm phát thải khí nhà kính theo các cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ các-bon (quy định tại khoản 10, điều 5) và ưu tiên chi hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội, hỗ trợ các đối tượng dễ bị tổn thương, các đối tượng bảo trợ xã hội, nhất là trẻ em mồ côi, người già không nơi nương tựa, hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ bảo hiểm y tế cho các đối tượng dễ bị tổn thương chưa được hưởng 100% hỗ trợ kinh phí từ Ngân sách nhà nước…, nhằm đảm bảo thực hiện chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước là phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Thứ tư, về thu hút nhà đầu tư chiến lược, quy định tại Điều 7: Đề nghị đổi tên Điều 7 thành “Về ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố Hồ Chí Minh” bởi nội dung của Điều 7 quy định nhiều nội dung khác ngoài ngành, nghề ưu tiên thu hút; do vậy cần đổi tên Điều để đảm bảo thống nhất với các quy định bên trong.

Tại khoản 8, đại biểu cơ bản đồng ý với những ưu đãi dành cho nhà đầu tư chiến lược. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát để đảm bảo những ưu đãi này vẫn còn nguyên giá trị, sự hấp dẫn khi Việt Nam thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp FDI trên phạm vi cả nước trong khuôn khổ thực thi Thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu năm 2024.

Mặt khác, như phát biểu của Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam thì những yếu tố quyết định để thu hút vốn FDI đó là: “môi trường chính trị, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường pháp luật, chất lượng hạ tầng, khả năng chống chịu của hạ tầng và chất lượng nguồn nhân lực”. Vì vậy, đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc, bổ sung những ưu đãi mang tính cam kết, thể hiện rõ hơn trách nhiệm cũng như những lợi thế cạnh tranh riêng có mà Thành phố dành cho các nhà đầu tư chiến lược, ví dụ như được ưu tiên xây dựng hạ tầng chất lượng cao, xanh, sạch và thân thiện, có khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao, cũng như những cơ chế ưu tiên đặc biệt về thời gian giải quyết thủ tục hành chính đối với các nhà đầu tư chiến lược./.

Lê Anh - Nghĩa Đức - Phạm Thắng