ĐBQH NGUYỄN THỊ MINH TRANG: ĐẨY MẠNH THANH TRA, KIỂM TRA VIỆC CHẤP HÀNH CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT VỀ LAO ĐỘNG

10/06/2023

Thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long cho rằng chú trọng công tác đẩy mạnh các biện pháp thanh, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Đồng thời, tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động.

 

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long​

Đảm bảo cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động

Tham gia thảo luận tại phiên họp, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long nhận thấy, dưới sự điều hành linh hoạt, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần hiện thực hóa chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và những tháng đầu năm 2023, được cử tri và nhân dân cũng như cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá của Chính phủ cũng cho thấy, hiện nay có nhiều vấn đề kinh tế - xã hội phát sinh, tác động tiêu cực đến tâm trạng chung của toàn xã hội khiến cử tri và nhân dân cả nước băn khoăn, quan tâm, lo lắng. 

Theo đó, trong những tháng đầu năm 2023, bình quân 1 tháng có 19,2 nghìn doanh nghiệp rút khỏi thị trường, không chỉ doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa gặp khó mà cả những doanh nghiệp lớn, đa ngành, đa lĩnh vực cũng đối diện với tình trạng thiếu đơn hàng, áp lực trả nợ lớn nên phải ngưng hoạt động, giải thể hoặc chuyển nhượng doanh nghiệp, bán cổ phần. Hệ lụy liền kề là người lao động bị giảm, giãn việc, mất việc diễn ra tại nhiều khu công nghiệp; trong đó, số người rút bảo hiểm xã hội một lần tăng 20% so với cùng kỳ năm 2022. 

Thực trạng trên cho thấy, trong giai đoạn này, cả doanh nghiệp và người lao động đang cần những chính sách hỗ trợ vượt trội. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết liệt chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục rà soát, nghiên cứu, đánh giá, dự báo các yếu tố ảnh hưởng, xu hướng vận động cũng như khả năng phát triển của các lĩnh vực đầu tư kinh doanh để kịp thời điều chỉnh các cơ chế, chính sách về tín dụng, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư kinh doanh. Ưu tiên nguồn lực, tạo động lực tăng trưởng để tăng khả năng tiếp cận hấp thụ vốn của doanh nghiệp gắn với chỉ đạo đẩy mạnh thanh tra công vụ, nhìn thẳng, nói thật về những hạn chế, yếu kém trong nền hành chính công vụ hiện nay để nâng cao hiệu quả phối hợp. Khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các ngành trong thực thi công vụ; đơn giản hóa thủ tục hành chính, không ban hành chính sách quy định mới làm phát sinh chi phí thủ tục, thời gian không cần thiết ở tất cả các lĩnh vực. Qua đó, giúp doanh nghiệp có môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi, có điều kiện phục hồi, phát triển và tham gia thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm lo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động.

Đại biểu cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành hữu quan nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các dự án luật có liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ, lợi ích chính đáng, hợp pháp của người lao động. Cần chú trọng công tác đẩy mạnh các biện pháp thanh, kiểm tra chủ sử dụng lao động về việc chấp hành chính sách pháp luật về lao động, việc làm. Tăng cường đối thoại với người lao động để kịp thời gỡ khó, đảm bảo sự cân đối, hài hòa về quyền lợi, nghĩa vụ của doanh nghiệp và người lao động. Đặc biệt, đề nghị Chính phủ và các ngành chức năng quyết liệt chỉ đạo triển khai các biện pháp đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhất là các chính sách thí điểm ưu đãi tích hợp trong huy động vốn, tín dụng gắn với các chính sách về quỹ đất. Định hướng quy hoạch sử dụng đất, vị trí triển khai các dự án để đảm bảo đồng bộ về hạ tầng kiến trúc, góp phần hiện thực hóa Đề án xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030.

Hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em

Đối với công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang nêu rõ, mặc dù Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt và ban hành nhiều chương trình, mục tiêu phòng, chống xâm hại; phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em. Các cơ quan quản lý nhà nước các cấp và các ngành, địa phương đã tăng cường nhiều biện pháp phối hợp thực hiện. Tuy nhiên, thời gian qua, số vụ xâm hại trẻ em, số trẻ em bị xâm hại, số trẻ em bị tai nạn, thương tích vẫn còn nhiều. Trong đó, đuối nước là nguyên nhân thứ hai ở trẻ em nhóm từ 5 đến 14 tuổi, trung bình mỗi ngày có 6 đến 7 trẻ em dưới 15 tuổi tử vong do đuối nước. 

Đại biểu chỉ rõ, với một số từ khóa liên quan đến đuối nước tìm kiếm từ công cụ Google đã có thể đưa ra hàng ngàn, hàng triệu kết quả liên quan đến các vụ đuối nước thương tâm, cướp đi sinh mạng của nhiều trẻ em. Có những lý do gây ra đuối nước khiến cho không ít người phải bất ngờ. Có những sự thật về đuối nước không phải ai cũng biết, bởi chỉ một phút lơ là có thể để lại nỗi đau thương tâm không gì bù đắp được.

Tuy Chính phủ đã xác định rõ điểm nghẽn này trong công tác bảo vệ trẻ em nhưng chưa nêu lên nguyên nhân chính của thực trạng trên và chưa có giải pháp căn cơ để kéo giảm vấn nạn này. Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp tục xem xét, đánh giá đúng thực trạng triển khai thực thi chính sách pháp luật cũng như kiểm điểm vai trò, trách nhiệm của từng bộ, ngành có liên quan trong công tác phối hợp chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về chăm sóc, giáo dục trẻ em theo hướng toàn diện, đa ngành, đa lĩnh vực và huy động được sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ nguồn lực, kỹ thuật của các tổ chức quốc tế trong chương trình phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống đuối nước ở trẻ em để đảm bảo an toàn tính mạng cho trẻ em trên khắp mọi miền đất nước./.

Minh Thành