ĐBQH NGÔ CHÍ CƯỜNG: LÀM RÕ "HỘ GIA ĐÌNH" CÓ THUỘC ĐỐI TƯỢNG "NGƯỜI SỬ DỤNG ĐẤT" HAY KHÔNG?

14/06/2023

Góp ý kiến hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Ngô Chí Cường- Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh đề nghị dự thảo Luật cần làm rõ "Hộ gia đình" có thuộc đối tượng là "người sử dụng đất" hay không?

ĐBQH TẠ ĐÌNH THI: CẦN CÓ QUY ĐỊNH VỀ ĐIỀU TRA, XÁC ĐỊNH VÀ ĐƯA DIỆN TÍCH KHU VỰC DỰ KIẾN LẤN BIỂN VÀO QUY HOẠCH SỬ DỤNG ĐẤT

ĐBQH Ngô Chí Cường-  Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh

Góp ý về dự án Luật Đất đai (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 5, ĐBQH Ngô Chí Cường-  Đoàn ĐBQH tỉnh Trà Vinh bày tỏ cơ bản đồng tình với nhiều nội dung của dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) mới nhất, sau khi được tiếp thu, chỉnh sửa hoàn chỉnh và đưa ra lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này. Qua nghiên cứu hồ sơ dự án Luật, đại biểu Cường đánh giá cao sự quyết tâm của Chính phủ trong chỉ đạo thực hiện từ khâu biên soạn, lấy ý kiến đóng góp cho đến việc tiếp thu, chỉnh sửa nội dung dự thảo Luật, nhất là phương thức lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, nhà quản lý... một cách nghiêm túc, đồng bộ, công khai, minh bạch, bảo đảm thực chất và hiệu quả.

Đại biểu Ngô Chí Cường cho rằng, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình lấy ý kiến tại kỳ họp Quốc hội lần này đã thể hiện rõ các quan điểm, các định hướng lớn trong đổi mới chính sách pháp luật đất đai của Đảng, nhà nước về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thể hiện ý chí, nguyện vọng của Nhân dân; đặc biệt là hoàn toàn phù hợp với quan điểm, định hướng được nêu trong Nghị quyết số 18 của Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XIII.

Bên cạnh đó, nội dung Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình kỳ họp này cũng đã cơ bản giải quyết được các tồn tại, vướng mắc hiện nay, đáp ứng yêu cầu thực tiễn phát triển kinh tế xã hội, hội nhập quốc tế của đất nước. Điều quan trọng nhất là đối với các quy định về thu hồi đất, trưng dụng đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ... đã được tiếp thu và quy định chặt chẽ hơn, đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức, cộng đồng dân cư..; việc bồi thường thiệt hại về tài sản trong sản xuất, kinh doanh, chi phí đầu tư vào đất cũng được quan tâm, các chính sách liên quan được quy định chặt chẻ, đảm bảo quyền lợi cho người có đất bị thu hồi được ổn định cuộc sống. Từ đó, tạo ra tâm lý cho người dân, doanh nghiệp an tâm khi bị thu hồi đất, góp phần ổn định an ninh trật tự, phát triển kinh tế xã hội.

Đặc biệt quan tâm đến quy định về người sử dụng đất, đại biểu Ngô Chí Cường cho rằng, đối với quy định về người sử dụng đất ở Điều 5 của chưa thống nhất với các Điều khoản khác của dự thảo Luật. Cụ thể , tại Điều 5 dự thảo Luật quy định: Người sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; đang sử dụng đất ổn định mà chưa được Nhà nước cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất; thuê lại đất theo quy định của Luật này, bao gồm 06 nhóm đối tượng là:(1) Tổ chức trong nước; (2)Cá nhân là người Việt Nam trong nước; (3)Cộng đồng dân cư; (4)Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; (5) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài; (6)Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài."

Đại biểu Cường nêu rõ, trong 06 nhóm đối tượng nêu trên không có nhóm đối tượng là "Hộ gia đình".  Như vậy, nếu quy định như Dự thảo Luật thì "hộ gia đình" không thuộc đối tượng là "người sử dụng đất".

Trong khi đó, cụm từ "Hộ gia đình" đã xuất hiện 131 lần trong 46/263 Điều của dự thảo Luật. Thậm chí chủ thể "Hộ gia đình" còn tiếp tục là đối tượng được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như quy định tại Điều 137 của Dự thảo Luật về "Cấp giấy chứng nhận cho Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất". Như vậy, đối tượng "Hộ gia đình" được xem là người sử dụng đất. Qua đó đại biểu cho rằng, nội dung Điều 137 đã mâu thuẫn với nội dung Điều 5 của dự thảo Luật. Ngoài ra còn rất nhiều Điều khoản Luật có quy định liên quan đến đối tượng "Hộ gia đình" đều có mâu thuẫn với Điều 5 của Dự thảo Luật.

Từ phân tích trên, đại biểu Ngô Chí Cường đề nghị, cần làm rõ ngay trong Dự thảo Luật là: "Hộ gia đình" có thuộc đối tượng là "người sử dụng đất" hay không?... để ngay sau khi Luật Đất đai (sửa đổi) có hiệu lực thi hành,  Hộ gia đình có thể thực hiện các quyền được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất ....  như quy định.

Liên quan đến nội dung về quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất được quy định tại Điều 28. Tại điểm b, khoản 2 Điều 28 dự thảo Luật quy định Trường hợp nhóm người sử dụng đất mà quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định, làm thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật này”.

Theo đại biểu Ngô Chí Cường, nội hàm "quyền sử dụng đất phân chia được theo phần cho từng thành viên trong nhóm, nếu từng thành viên của nhóm muốn thực hiện quyền đối với phần quyền sử dụng đất của mình thì phải thực hiện thủ tục tách thửa theo quy định"..... là chưa rõ nghĩa và dễ bị lợi dụng bởi các thành viên trong nhóm người sử dụng đất để họ tách thửa hoặc gây áp lực cho cơ quan thực thi pháp luật về đất đai, yêu cầu tách thửa cho họ ... trong khi các phần được phân chia đó không đảm bảo diện tích tối thiểu theo quy định.  Do vậy, ngoài việc thực hiện thủ tục tách thửa, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có quy định ràng buộc cụ thể trong trường hợp này để dễ thực hiện và không bị lợi dụng

Ngoài ra, đại biểu Ngô Chí Cường cũng đề nghị, cần nghiên cứu làm rõ hơn nội dung về Quyền và nghĩa vụ của tổ chức trong nước sử dụng đất quy định  từ điều 33 đến điều 37 của dự thảo Luật. Theo đại biểu, trong các điều khoản này, cần Luật hóa các quy định về những nội dung quan trọng phát sinh từ thực tiễn thời gian qua và đã được đưa vào nghị định thi hành như Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai 2013..... Việc Luật hóa này là để thống nhất thực hiện. Vì những nội dung quan trọng đã được đúc kết từ thực tiễn, không nên quy định bằng các văn bản dưới Luật như Nghị định hay Thông tư.../.

Thu Phương