ĐBQH PHAN THÁI BÌNH: XỬ LÝ DỨT ĐIỂM TÌNH TRẠNG THIẾU THUỐC, TRANG THIẾT BỊ Y TẾ

20/06/2023

Tham gia thảo luận về đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT - XH và NSNN năm 2022; tình hình thực hiện đầu năm 2023, đại biểu Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam đề nghị xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện.

TỔNG THUẬT TRỰC TIẾP CHIỀU 31/5: QUỐC HỘI TIẾP TỤC THẢO LUẬN VỀ TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI, NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

Xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế

Quan tâm về vấn đề thiếu thuốc, vật tư y tế, đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, Bộ trưởng Bộ Y tế đã có ý kiến phát biểu và giải trình. Tuy nhiên, thực tình trạng này đang là vấn đề lo lắng của nhiều người dân và kể cả các y, bác sĩ. Hầu hết hiện nay nhiều bệnh viện công thiếu thuốc, vật tư y tế nên người bệnh thuộc diện bảo hiểm y tế phải mua thuốc ở bên ngoài. Trong khi đó, hiện nay pháp luật hiện hành chưa có quy định về hoàn trả lại số tiền mà bệnh nhân phải bỏ tiền túi để mua thuốc thuộc diện bảo hiểm xã hội nhưng phải mua bên ngoài để thanh toán lại cho người dân.

Việc thiếu vật tư y tế, thiếu thuốc thì nhiều bệnh viện không thể thực hiện được các ca phẫu thuật thông thường mà phải chuyển bệnh nhân lên tuyến trên, gây áp lực, quá tải cho tuyến trên, vừa thiếu thuốc, vừa quá tải. Một số trường hợp có thể ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người dân do quá thời gian vàng trong điều chỉnh một số bệnh, ví dụ như nhồi máu cơ tim, đột quỵ, chấn thương sọ não, v.v...

Đại biểu Phan Thái Bình - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam

Theo đại biểu, vấn đề đấu thầu trang thiết bị y tế tại bệnh viện cũng đang gặp phải khó khăn. Ngày 14/4/2023 Bộ Y tế ban hành Thông tư số 08 bãi bỏ Thông tư số 14 ngày 10/7/2020 của Bộ Y tế quy định về một số nội dung trong đấu thầu trang thiết bị y tế tại các cơ sở y tế công lập. Trong khi đó, Thông tư số 08 lại không hướng dẫn thủ tục làm hồ sơ đấu thầu trang thiết bị y tế như thế nào khi đã bãi bỏ Thông tư số 14.

Nghị quyết số 30 ngày 4/3/2023 của Chính phủ cho phép thí điểm hướng dẫn xây dựng giá gói thầu mua sắm trang thiết bị y tế, trong đó, việc sửa chữa, thay thế thiết bị y tế lại không thuộc phạm vi điều chỉnh của nghị quyết. Một số trang thiết bị y tế hiện đại bị hư hỏng, như hệ thống chụp mạch máu DSA, cộng hưởng từ, máy chụp cắt lớp, v.v. phải tốn rất nhiều thời gian mới sửa chữa xong, nguyên nhân chính cũng do thủ tục pháp lý rườm rà, phức tạp. Bởi vì, theo Nghị định 98 quy định phải có 3 báo giá đối với từng loại vật tư y tế mới tiến hành đấu thầu sửa chữa được. Theo các nhà thầu kinh doanh thì mỗi trang thiết bị y tế tại Việt Nam hư hỏng tại các vị trí khác nhau nên linh kiện thay thế khác nhau. Đối với máy móc độc quyền thì việc tìm được 3 báo giá đối với cùng một loại linh kiện là điều gần như không thể.

Để khắc phục những vướng mắc nêu trên, đại biểu đề xuất một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần tiếp tục tập trung, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai các biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các bệnh viện và công tác đấu thầu thuốc thì nên giao cho một đơn vị tư vấn độc lập để ngành y tế chỉ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Thứ hai, đề nghị cần có quy định về việc thanh toán lại chi phí cho người có bảo hiểm y tế khi không không có thuốc bảo hiểm y tế mà phải mua bên ngoài.

Thứ ba, đề nghị Bộ Y tế có hướng dẫn rõ ràng và kịp thời về công tác đấu thầu vật tư y tế, hóa chất khi đã bãi bỏ Thông tư số 14 ngày 10/7/2020, đặc biệt, đối với những trang thiết bị độc quyền, đặc thù trong ngành y tế.

Thị trường tiêu thụ ô tô trong nước tụt giảm mạnh

Liên quan đến tình hình sản xuất và lắp rắp tiêu thụ ô tô trong nước, đại biểu cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê trong tháng 5 năm 2023 chỉ có khoảng 27.000 ô tô sản xuất trong nước được xuất xưởng, giảm đến 32,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tính dồn cả 5 tháng năm 2023 thì ô tô sản xuất trong nước đạt 133.600 chiếc, giảm 24% so với cùng kỳ 5 tháng đầu năm 2022.

Điều đáng lưu ý là thị trường tiêu thụ ô tô trong nước tụt giảm mạnh mặc cho các hãng ô tô đang điều chỉnh đồng loạt giảm giá mạnh, có nơi giảm giá đến 12% giá bán lẻ so với giá niêm yết, nhưng tình hình tiêu thụ rất hạn chế. Điều đó có thể thấy, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô đang gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí đứng trước nguy cơ đổ vỡ.

Từ thực tế trên, trên tinh thần của Nghị quyết số 58 ngày 21/4/2023 của Chính phủ về một số chính sách, giải pháp trọng tâm để hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững, đại biểu đề xuất:

Thứ nhất, cần phải gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước trong năm 2023.

Thứ hai, giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước trong năm 2023 và năm 2024.

Hồ Hương