GÓC NHÌN ĐẠI BIỂU: ĐẨY MẠNH KẾT NỐI VÀ CHIA SẺ CƠ SỞ HẠ TẦNG VIỄN THÔNG

23/06/2023

Dự án Luật Viễn thông (sửa đổi) được Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Quan tâm tới quy định về kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông tại dự thảo, một số ý kiến đại biểu cho rằng, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật là chính sách được Nhà nước khuyến khích. Do đó, quy định phải tạo sự liên kết, chia sẻ nguồn lực, khai thác tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, tránh lãng phí và đảm bảo cảnh quan môi trường đô thị.

DUY TRÌ QUỸ VIỄN THÔNG CÔNG ÍCH: QUY ĐỊNH PHẢI KHẮC PHỤC ĐƯỢC NHỮNG BẤT CẬP THỜI GIAN QUA

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV

Dự thảo Luật gồm 10 chương, 74 điều, quy định về hoạt động viễn thông, quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động viễn thông; quản lý nhà nước về viễn thông. Trong đó, dự thảo lần này đã sửa đổi một số bất cập lớn, như quy định hình thức cấp phép và các điều kiện cấp phép theo hướng đơn giản hóa thủ tục, khuyến khích gia nhập thị trường đối với một số dịch vụ viễn thông không có hạ tầng mạng… Hoàn thiện quy định sử dụng tài khoản SIM thuê bao di động để thanh toán cho dịch vụ viễn thông và dịch vụ nội dung thông tin trên mạng viễn thông di động hợp pháp. Để giải quyết khó khăn trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của UBND các cấp giải quyết, xử lý các hành vi cản trở việc xây dựng hợp pháp cơ sở hạ tầng viễn thông…

Tham gia góp ý về vấn đề kết nối và chia sẻ hạ tầng viễn thông, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, nội dung này đã được quy định khá chi tiết tại dự thảo trên cơ sở kế thừa các quy định tại Chương VI của Luật Viễn thông năm 2009. Theo đó, dự thảo luật lần này giữ nguyên nguyên tắc doanh nghiệp viễn thông có quyền kết nối với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp viễn thông khác, có nghĩa vụ cho doanh nghiệp viễn thông khác kết nối với mạng hoặc dịch vụ viễn thông của đơn vị. Đồng thời, quy định giữa các doanh nghiệp viễn thông hoặc doanh nghiệp viễn thông với các tổ chức trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, hoạt động phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, phòng, chống dịch bệnh chia sẻ hạ tầng viễn thông thông qua việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông nhằm đảm bảo thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng;...

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình 

Theo đại biểu, đây là những quy định mới, có tính ưu việt lớn nhằm khắc phục tình trạng “quyền anh, quyền tôi” trong khai thác hạ tầng viễn thông và hạ tầng dịch vụ khác có liên quan. Đồng thời, tạo sự liên kết, chia sẻ nguồn lực góp phần đa dạng hóa và nâng cao chất lượng của các dịch vụ thiết yếu phục vụ phát triển đất nước, phục vụ nhu cầu của người dân, khai thác tối đa hệ thống cơ sở hạ tầng hiện có, tránh lãng phí nguồn lực và đảm bảo cảnh quan môi trường đô thị.

Tuy nhiên, để đảm bảo tính khả thi, hiệu quả, phù hợp và triển khai áp dụng có hiệu quả trong thực tiễn, đại biểu tỉnh Quảng Bình đề nghị Ban soạn thảo xem xét, cân nhắc để quy định cụ thể hơn các trường hợp được kết nối mạng, chia sẻ hạ tầng, các trường hợp được ưu tiên kết nối, chia sẻ ngay trong luật này mà không giao cho Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông như quy định chi tiết tại các điều từ Điều 46, 47, 48 của dự thảoluật.

Nêu quan điểm về vấn đề này, đại biểu Vương Quốc Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, tại Điều 3 về giải thích từ ngữ quy định: "Công trình viễn thông là công trình xây dựng, bao gồm hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động (nhà, trạm, cột, cống, bể) và thiết bị mạng được lắp đặt vào đó.", vì vậy công trình viễn thông và việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông có vai trò đặc biệt quan trọng trong hoạt động viễn thông.

Cũng theo đại biểu tỉnh Quảng Nam, chính sách về chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đã được đề cập và quy định tại Điều 45 Luật Viễn thông 2009, tuy nhiên qua thực tiễn hiện nay, đặc biệt là tại các khu chung cư, tòa nhà cao tầng, khu đô thị hiện nay xảy ra tình trạng người dân sinh sống tại các khu vực này chỉ có thể sử dụng dịch vụ của nhà mạng viễn thông đã ký kết hợp tác cung cấp hạ tầng kỹ thuật viễn thông với chủ đầu tư xây dựng tòa nhà, khu đô thị mà không có cơ hội lựa chọn sử dụng dịch vụ viễn thông của doanh nghiệp khác, vì không có hạ tầng kỹ thuật.

Để giải quyết bất cập này, đại biểu đề nghị trong dự thảo luật sửa đổi, cần có quy định rõ ràng, cụ thể về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, hạ tầng kỹ thuật viễn thông trong các tòa nhà chung cư, khu đô thị cũng như trách nhiệm cụ thể của nhà đầu tư phải thiết kế khi xây dựng công trình xây dựng. Đồng thời, có quy định rõ trong dự thảo luật về cơ chế quản lý giá dịch vụ, nhằm mục đích thuận tiện trong sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật viễn thông để việc chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông được thực hiện dễ dàng giữa các doanh nghiệp, đáp ứng nhu cầu quyền lựa chọn của người dân, tránh tình trạng độc quyền.

Đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh

Quan tâm tới quy định tại dự thảo luật về chia sẻ hạ tầng viễn thông, đại biểu Trần Thị Vân – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cho rằng, tại điểm a, khoản 1, Điều 49 quy định chia sẻ hạ tầng viễn thông giữa các doanh nghiệp viễn thông, nhằm bảo đảm thiết lập mạng và cung cấp dịch vụ viễn thông hiệu quả, thuận lợi, nhanh chóng, bảo đảm yêu cầu về cảnh quan, môi trường và quy hoạch đô thị.

Tuy nhiên, việc dùng chung cơ sở hạ tầng viễn thông của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn thấp khoảng 10%, đặc biệt cột, trạm BTS (cùng một vị trí cả 3 nhà mạng Vinaphone, Mobifone, Viettel đều xây dựng, lắp đặt cột BTS như vậy gây mất mỹ quan đô thị và tốn kém kinh phí). Vì vậy, đại biểu Trần Thị Vân đề nghị xem xét bổ sung quy định có một doanh nghiệp đầu tư, quản lý hạ tầng viễn thông, cho các nhà mạng thuê lại để khắc phục tình trạng trên.

Chia sẻ quan điểm liên quan đến phát triển hạ tầng viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nêu rõ, hạ tầng viễn thông là hạ tầng thiết yếu được Nhà nước ưu tiên xây dựng và bảo vệ. Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp viễn thông triển khai hạ tầng trên đất công, tài sản công. Đồng thời, nhà nước cũng ban hành quy hoạch, quy định, quy chuẩn về sử dụng chung hạ tầng giữa các doanh nghiệp viễn thông sử dụng chung hạ tầng với các ngành khác để đảm bảo hiệu quả đầu tư và mỹ quan đô thị, đặc biệt khi khi chuyển sang 5G, 6G cần nhiều trạm phát sóng. Do vậy, hạ tầng sẽ tăng gấp bội nên sẽ càng cần hơn nữa việc chia sẻ, dùng chung hạ tầng.

 Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng

Theo Bộ  trưởng, tại dự thảo luật sửa đổi đã quy định rõ ràng hơn về thẩm quyền của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Xây dựng và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về quy hoạch, tiêu chuẩn, quy chuẩn và về xử lý tranh chấp đối với xây dựng hạ tầng viễn thông.

Trước đó, trình bày báo cáo thẩm tra về dự án Luật Viễn thông (sửa đổi), liên quan tới nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT Lê Quang Huy cho biết, việc sử dụng chung hạ tầng kỹ thuật là một chính sách đang được Nhà nước khuyến khích nhằm tránh việc các đơn vị thi công rải rác, không đồng bộ, ảnh hưởng đến quy hoạch, cảnh quan không gian. Qua nghiên cứu, khảo sát cho thấy, việc kết nối và chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông đang gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc từ khâu quy hoạch cho đến tổ chức thực hiện (nhất là vấn đề đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung). Mặc dù có hướng dẫn về cơ chế, nguyên tắc kiểm soát giá và phương pháp xác định giá thuê công trình hạ tầng kỹ thuật sử dụng chung nhưng nội dung chưa được rõ ràng và gây nhiều vướng mắc khi áp dụng trên thực tế.

Do đó, một số ý kiến đề nghị xem xét bổ sung tại Điều 65 (Thiết kế, xây dựng công trình viễn thông) và Điều 67 (Quản lý công trình viễn thông) quy định về việc nên giao cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành ở địa phương là chủ đầu tư các công trình viễn thông và quản lý đơn giá cho thuê hạ tầng kỹ thuật viễn thông thụ động dùng chung./.

Lê Anh

Các bài viết khác