PGS.TS- ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: VĂN HỌC, NGHỆ THUẬT YÊU NƯỚC VÀ NHÂN VĂN GÓP PHẦN XÂY DỰNG ĐẤT NƯỚC THỊNH VƯỢNG, BỀN VỮNG, HẠNH PHÚC

09/08/2023

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng: Với những đóng góp trong suốt lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn đã góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc.

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GIẢI PHÁP BẢO TỒN, PHÁT HUY GIÁ TRỊ VĂN HÓA ĐẶC TRƯNG CỦA TỪNG DÂN TỘC

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: HIỆN THỰC HÓA CÁC MỤC TIÊU VĂN HÓA THEO TINH THẦN NGHỊ QUYẾT ĐẠI HỘI XIII

PGS.TS - ĐBQH BÙI HOÀI SƠN: GIỮ GÌN, PHÁT HUY BẢN SẮC GIA ĐÌNH VIỆT TRONG THỜI KỲ MỚI

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật 

Trong suốt 75 năm hình thành và phát triển, Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam thể hiện vị trí, vai trò là nơi đoàn kết, tập hợp giới văn nghệ sĩ chung tay xây dựng, phát triển văn học nghệ thuật Việt Nam. Trước nhiều diễn biến nhanh chóng, tác động trực tiếp đến đời sống văn học nghệ thuật, đòi hỏi Liên hiệp tiếp tục phát huy truyền thống, đổi mới hoạt động. Dù trải qua nhiều thời kỳ với nhiều tên gọi khác nhau song Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam luôn là một tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ góp phần xây dựng, phát triển nền văn học nghệ thuật cách mạng Việt Nam. Đội ngũ văn nghệ sĩ, trí thức hoạt động trên nhiều lĩnh vực: Sáng tác, biểu diễn, nghiên cứu, sưu tầm, lý luận - phê bình... Qua hai cuộc kháng chiến, văn nghệ sĩ thực sự là những chiến sĩ, nhiều người hy sinh anh dũng như: Trần Đăng, Hoàng Lộc, Thâm Tâm, Nam Cao, Tô Ngọc Vân, Chu Cẩm Phong, Hoàng Việt, Nguyễn Thi, Trần Hữu Trang, Lê Anh Xuân, Dương Thị Xuân Quý... Văn học nghệ thuật đã động viên quân dân ta chiến thắng quân thù, giành độc lập, thống nhất đất nước.

Trong bài phát biểu tại Lễ kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các hội văn học, nghệ thuật vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn hóa, văn học nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên truyền thống sâu sắc và độc đáo, đó là nền văn hóa, văn học nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh rất to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Trải qua năm tháng phát triển của đất nước và dân tộc, đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam không ngừng lớn mạnh về mọi mặt. Các thế hệ văn nghệ sĩ nối tiếp nhau đã sáng tạo nên nhiều tác phẩm có giá trị cao trên nhiều lĩnh vực, góp phần xứng đáng trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và phát triển đất nước. Nền văn học nghệ thuật tiếp tục đổi mới, bám sát hiện thực sôi động của đất nước, có các nhìn điềm tĩnh, tinh tế, tích cực ủng hộ sự ổn định xã hội, củng cố niềm tin, có quan điểm biện chứng về đời sống, ca ngợi, khẳng định cái tốt đẹp, cổ vũ nhân tố mới, thành tựu mới, lấy ánh sáng để đẩy lùi bóng tối. Văn học nghệ thuật ngày càng phát triển đa dạng, phong phú, mới mẻ, giàu tiềm năng; xu hướng chuyên nghiệp hóa ngày càng được đề cao, tính dân tộc ngày càng đi vào chiều sâu, có thành tựu to lớn và có bước tiến dài trong sự nghiệp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nêu rõ thông điệp: phát triển nền văn hoá, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn. PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, thông điệp này đã khẳng định vai trò quan trọng của văn học nghệ thuật trong gắn kết mạnh mẽ với Nhân dân và Dân tộc, đồng thời trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần rất quan trọng vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước.

Nghệ thuật phải gắn liền với đời sống chính trị, xã hội, phục vụ và cùng xã hội phát triển. Đó chính là “nghệ thuật vị nhân sinh”- thông điệp mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gửi gắm sâu sắc trong bài phát biểu của mình.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, văn hoá, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn không chỉ đơn thuần là những sáng tác nghệ thuật mang tính giải trí hay truyền tải nội dung thông tin mà còn có ý nghĩa sâu sắc hơn, tạo ra một không gian tinh thần, là nguồn cảm hứng và lòng yêu nước trong con người, khơi dậy tình cảm gắn kết với quê hương và nhân dân.

Nghệ thuật yêu nước và nhân văn với sự tương tác giữa tác phẩm và người xem, đọc, nghe mang đến cho chúng ta niềm tự hào trong bối cảnh hội nhập quốc tế, định vị dòng chảy văn nghệ Việt Nam trên mặt trận tư tưởng. Bằng việc định vị vai trò và vị trí tinh thần dân tộc trên mặt trận văn chương, hội họa, âm nhạc và các hình thức nghệ thuật khác, chúng ta chứng tỏ phẩm chất của con người Việt Nam, tạo dựng hình ảnh văn hóa và nghệ thuật Việt Nam mạnh mẽ, sáng tạo và độc đáo.

Văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn đã góp phần quan trọng trong xây dựng đất nước thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc

Bên cạnh đó, thông điệp nghệ thuật vị nhân sinh còn có vai trò quan trọng trong việc duy trì bản sắc dân tộc, cảm nhận và thấu hiểu những giá trị truyền thống, văn hóa và lịch sử của dân tộc, giúp tăng cường lòng tự hào dân tộc, cải thiện nhận thức và nhận biết về văn hoá dân tộc, đồng thời góp phần xây dựng sự đoàn kết, đồng lòng giữ gìn văn hoá dân tộc từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội, thông điệp nghệ thuật vị nhân sinh cũng mang tính chất nhân văn, đề cao giá trị con người, khuyến khích lòng yêu thương, sẻ chia và chăm sóc đồng loại. Nghệ thuật có thể đơn giản làm chạm đến trái tim và là cầu nối giữa các dân tộc, góp phần xây dựng mối quan hệ hòa bình, tôn trọng và hợp tác giữa các quốc gia trên thế giới.

Với những đóng góp của văn hoá, văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội cho rằng, chúng ta có thêm một nguồn lực quan trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước, giữ gìn và bảo tồn bản sắc dân tộc. “Thông điệp nghệ thuật vị nhân sinh của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định rõ vai trò và ý nghĩa quan trọng của nghệ thuật trong việc góp phần xây dựng đất nước thịnh vượng, bền vững và hạnh phúc”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh./.

Thu Phương - Nghĩa Đức